Vì sao phải sửa đổi Luật số 69?

08:51 | 15/11/2024
Lượt xem: 463

Sau 10 năm, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) mang lại những kết quả tích cực, nhưng những bất cập trong đó đã và đang trở thành rào cản khi doanh nghiệp Nhà nước muốn đổi mới và sáng tạo...

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính về việc tổng kết thi hành Luật số 69/2014/QH13, Luật này còn nhiều tồn tại, hạn chế và thực tế hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua về hình thức, quy mô, quản trị doanh nghiệp...

Tại Thông báo số 1354/TB-TTKQH ngày 15/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng xây dựng dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý vốn Nhà nước, nhất là liên quan đến các vấn đề sau: Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Hoạt động của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Việc tách bạch, phân định rõ chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; Tổng kết, đánh giá mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó có các luật đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật khác có liên quan.

"Vì vậy, để thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên và nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, hội nhập quốc tế, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam thì cần thiết phải sửa đổi căn bản và toàn diện để ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13", Bộ Tài chính khẳng định.

Chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Hà chia sẻ, Luật số 69 chưa tách bạch chức năng đại diện vốn chủ sở hữu với chức năng quản lý doanh nghiệp. Xung đột lợi ích này đã nảy sinh thêm vấn đề là các cơ quan chức năng coi vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước là tài sản Nhà nước để quản lý. Điều này vừa vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vừa vi phạm Bộ luật Dân sự về sự bình đẳng trong vai trò sở hữu, quyền của doanh nghiệp trong tự chủ hoạt động, quyết định kinh doanh...; đồng thời, chưa đáp ứng được Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII (gọi tắt là NQ12/2017) đã đặt ra.

Hạn chế này đã khiến dòng vốn lớn của Nhà nước ở tình trạng thiếu năng động, sáng tạo, thậm chí bị ách tắc, mất mát trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước. Việc hoạt động quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước chịu sự chỉ đạo, can thiệp chặt chẽ của nhiều cơ quan Nhà nước thực tế gây thiệt hại về tài chính cho các doanh nghiệp Nhà nước, điều này tác động tới hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chất lượng tài sản của hệ thống các ngân hàng thương mại.

Thực trạng này cũng góp phần làm chậm lại tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khi dòng vốn khu vực tư nhân không được đối xử bình đẳng như các chủ sở hữu Nhà nước ở các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn Nhà nước. Bởi vậy, hiệu quả sinh lời, khả năng trả nợ vốn vay của doanh nghiệp Nhà nước sẽ tác động mạnh mẽ lên hiệu quả chính sách tiền tệ nói chung và hiệu quả hoạt động ngân hàng thương mại nói riêng.

Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ giữa Luật số 69 với các Luật hiện hành (Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Thanh tra năm 2010...) đang là rào cản phát triển và đổi mới. Ví dụ, định nghĩa đối tượng của Luật số 69/2014/QH13 còn chưa bao hàm như quy định tại Điều 88, Luật Doanh nghiệp, hay NQ12/2017; sự mâu thuẫn giữa Luật số 69/2014/QH13 về quyền can thiệp của chủ sở hữu với hoạt động doanh nghiệp với Bộ luật Dân sự...

Trong định nghĩa về vốn Nhà nước, Luật số 69 còn coi nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp đối với Nhà nước như một nguồn vốn; cơ chế phân bổ, quy trình phân bổ vốn Nhà nước cho doanh nghiệp Nhà nước chồng chéo và thiếu rõ ràng khiến một lượng lớn vốn Nhà nước không thể phân bổ cho doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, quá trình sửa đổi Luật cần tránh việc quá tập trung vào những vụ việc cụ thể mà các quy định cần tính toán, cân nhắc đến tính tổng thể, tập trung vào những vấn đề cốt lõi trong quản lý vĩ mô; lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động và có tiếp thu phù hợp. Đồng thời cho rằng cần làm rõ tư duy quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp như thế nào.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cần phải đổi mới theo hướng quản lý và đầu tư vốn chứ không phải chỉ là sử dụng vốn, khi đó kinh doanh đầu tư vốn phải chấp nhận có lỗ, có lãi, tính thị trường nhiều hơn, tính hiệu quả của việc đầu tư vốn cần nhìn nhận tổng thể thay vì từng thương vụ. Ngoài ra, cần tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp của cả cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp (người quản lý vốn và người sử dụng vốn); cần có được bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn, đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu.

Bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp là Luật số 69 được ban hành năm 2014. Trong quá trình triển khai Luật, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như chưa đáp ứng được các định hướng, chủ trương mới của Đảng về khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thực sự tách bạch, chưa phân định được một cách rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản vốn Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa có được một sự chủ động, chưa có được một hành lang để cho các doanh nghiệp hoạt động một cách linh hoạt, kịp thời theo các tín hiệu của thị trường...

Với những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật số 69/2014/QH13, bà Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh: “Cần thiết phải sửa đổi căn bản và toàn diện Luật này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”. Vì đây là một luật rất khó, phải giải quyết cùng một lúc rất nhiều mục tiêu, bà Phạm Thúy Chinh mong muốn các đại biểu tại Hội thảo sẽ nêu ý kiến cụ thể, thiết thực để hồ sơ dự án Luật được hoàn thiện tốt nhất.

Vì sao phải sửa đổi Luật số 69?

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Luật số 69/2014/QH13 còn có những điểm chưa rõ ràng như, chưa phân định, tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chưa phân tách được vốn của Nhà nước với vốn doanh nghiệp, quyền của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp...

Điều này khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, tư duy quản lý phải bảo toàn vốn tạo ra nhiều tâm lý chần chừ trong kinh doanh, bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nêu rõ, dự án Luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn kỳ vọng việc sửa đổi Luật sẽ khơi thông, khai thác hiệu quả nguồn lực Nhà nước rất lớn nằm tại các doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, sửa đổi Luật cần bảo đảm nguyên tắc vốn Nhà nước đầu tư được xác định là tài sản của doanh nghiệp, tách bạch chức năng quản lý vốn và sở hữu vốn, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp để đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, nội dung của Luật cần tiếp tục làm rõ về công bố thông tin của doanh nghiệp; các tiêu chuẩn minh bạch thông tin của doanh nghiệp cần được tập trung, thể hiện đậm nét hơn. Để cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cần có hành lang pháp lý để bảo đảm quyền của nhà đầu tư tư nhân, tăng tính hấp dẫn, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.

Phân tích những vướng mắc trong Luật hiện hành, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, quy định về huy động vốn; đầu tư xây dựng, mua, bán tài sản của doanh nghiệp theo mức giá trị tài sản thuộc các cấp có thẩm quyền quyết định như khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp là nhầm lẫn giữa vốn và tài sản; nhầm lẫn giữa quyền của chủ sở hữu với quyền sản xuất, kinh doanh của người điều hành doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân căn bản trói buộc các doanh nghiệp Nhà nước kém năng động, đồng thời, không quy trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, Luật hiện hành không phân định rõ chức năng quản lý tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý Nhà nước về hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Luật cần xác lập cơ chế để phân định rõ ai là đại diện chủ sở hữu đối với tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước; quyền và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu tài sản tại doanh nghiệp; phân định rõ với quản lý Nhà nước về các hoạt động của doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của người điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá kết quả thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và người điều hành doanh nghiệp; cơ chế tổ chức, vận hành bộ máy điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cơ chế giám sát nội của doanh nghiệp...

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp