Trung Quốc và bài toán chuyển dịch năng lượng (Kỳ III)

11:19 | 28/07/2024
Lượt xem: 463

Quá trình chuyển đổi năng lượng ngày càng vướng vào những rạn nứt địa chính trị và diễn ra cuộc chạy đua đưa ra các chính sách công nghiệp và lĩnh vực giữa các khu vực công nghiệp hóa có thu nhập cao.

Trung Quốc và sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu

Trung Quốc đang đóng vai trò tích cực trong ngoại giao khí hậu và mở rộng hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu (MEE, 2022). Với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn trên trường toàn cầu kể từ năm 2010 với động lực chính là giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu và Hoa Kỳ bằng cách mở rộng thương mại với các nước khác, cũng như nâng cao vị thế của Trung Quốc như một trung tâm kinh tế trong nền kinh tế toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ thông qua ba lĩnh vực chính liên quan đến chính sách quan trọng hình thành nên quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Đó là:

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường xanh: Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc (2013) nhằm xây dựng “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa” mới, là trọng tâm trong chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc và đang tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và đặc khu kinh tế trải dài trên toàn cầu và 150 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác (tính đến tháng 4/2023) với việc đầu tư mở rộng sang châu Á, châu Phi, các khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh.

Tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong 5 năm qua

Đối với các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và khí hậu quan trọng, Trung Quốc đã đưa ra thông báo “không có dự án than mới ở nước ngoài”, cam kết hỗ trợ phát triển năng lượng xanh thay vì các nhà máy điện đốt than và các dự án loại bỏ carbon tổng thể ở nước ngoài. Kế hoạch hành động BRI năm 2021 tuyên bố sẽ làm cho các dự án ở nước ngoài bền vững hơn với môi trường, phát triển quan hệ đối tác năng lượng với đặc điểm là phát triển xanh và toàn diện, đồng thời mở rộng xuất khẩu công nghệ và sản phẩm năng lượng mới. Nửa đầu năm 2023, 55% chi tiêu năng lượng của BRI dành cho năng lượng tái tạo (GFDC, 2023) và sau một thời gian tạm dừng đầu tư BRI tổng thể vào các dự án năng lượng ở nước ngoài (Baxter, 2023) và thu hẹp quy mô lại, hiện có những chỉ dấu cho thấy sự khởi động lại sáng kiến ​​với trọng tâm là các dự án nhỏ hơn và xanh hơn với cam kết bổ sung thêm 100 tỷ USD tài trợ phát triển (CHN, 2023)

Hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển carbon thấp toàn cầu là cách để Trung Quốc thể hiện quốc gia đang tôn trọng các cam kết xanh của mình, điều này có lợi cho cả nước chủ nhà và Trung Quốc. Điều thứ hai là BRI giúp thúc đẩy nhu cầu từ các thị trường mới nổi, giúp đa dạng hóa doanh thu từ các thị trường trưởng thành (phương Tây) trong bối cảnh thương mại bị phân mảnh với các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đồng thời giúp giảm bớt năng lực dư thừa trong các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo của Trung Quốc và mở đường cho những trao đổi lâu dài khi cơ sở hạ tầng năng lượng được xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Mặt khác, các nước thu nhập trung bình và thấp coi BRI là cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư của quốc gia mình.

Cạnh tranh công nghệ sạch đang gây ra cuộc chạy đua chính sách công nghiệp: Trung Quốc là khu vực đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng và các công ty Trung Quốc đã đóng một vai trò to lớn trong việc giảm chi phí công nghệ sạch và giúp thế giới nói chung áp dụng các công nghệ có giá cả phải chăng. Trung Quốc hiện có vị thế dẫn đầu sâu rộng trong các lĩnh vực công nghệ sạch cũng như các vật liệu và kim loại hỗ trợ các lĩnh vực này nhờ chính sách của chính phủ trung ương, thị trường nội địa rộng lớn hỗ trợ nền kinh tế quy mô, chuỗi công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh và khả năng sản xuất, lắp đặt, vận hành và bảo trì. Vị trí dẫn đầu được chứng minh bằng việc Trung Quốc chiếm hơn 80% xuất khẩu pin mặt trời toàn cầu, hơn 50% pin lithium-ion, hơn 20% xe điện EV (Xiaoying, 2023) và các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp gần 60% công suất lắp đặt năng lượng gió toàn cầu (2022) (Okamoto, 2023).

Gần đây, quá trình chuyển đổi năng lượng ngày càng vướng vào những rạn nứt địa chính trị và diễn ra cuộc chạy đua đưa ra các chính sách công nghiệp và lĩnh vực giữa các khu vực công nghiệp hóa có thu nhập cao (khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, OECD Thái Bình Dương) để giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ định vị chiến lược về giá trị dây chuyền năng lượng sạch. Trung Quốc sẽ phản ứng trong việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với gali, germani và than chì nhằm mục đích bảo vệ vị thế dẫn đầu về công nghệ và lợi thế chuỗi giá trị của mình. Các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục quốc tế hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc, tìm cách giảm thiểu các chính sách hạn chế thương mại bằng cách chuyển hoạt động ra nước ngoài. Các tấm pin mặt trời của Trung Quốc xuất sang thị trường Hoa Kỳ và EU đã được sản xuất tại các nước ASEAN ở khu vực Đông Nam Á.

Động lực về thích ứng với biến đổi khí hậu trong quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc: Trên bình diện quốc tế, sau nhiều năm hợp tác căng thẳng, cả hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có cam kết đặc biệt (từ các đặc phái viên về khí hậu Xie Zhenhua và John Kerry) để tiếp tục đối thoại một cách cởi mở thông qua Tuyên bố Sunnyland giữa Lãnh đạo cấp cao của hai nước (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, 2023) đã làm sống lại cuộc đối thoại Hoa Kỳ-Trung Quốc về chuyển đổi năng lượng và hành động vì thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo tiền đề cho sự tham gia sâu hơn cua hai nước trong lĩnh vực này trong năm 2024. Mặc dù vẫn còn phải chờ đợi sự ổn định lâu dài trong các mối quan hệ, song các nhóm làm việc cua hai nước có thể duy trì tiến bộ bất chấp những thay đổi trong bầu cử. Hơn nữa, Tuyên bố tán thành sự hợp tác cấp địa phương giống như hợp tác đã tồn tại giữa Trung Quốc và tiểu bang California về chính sách phát thải, hợp tác này có thể sẽ tiếp tục bất kể kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 như thế nào.

Nhu cầu về năng lượng

Nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc tăng nhanh từ năm 2002 đến năm 2014, song hiện đang chậm lại do một số lý do cơ cấu. Nhu cầu năng lượng dự kiến ​​sẽ ổn định vào năm 2029 ở mức khoảng 122 EJ trong 5 năm trước khi giảm dần xuống còn 104 EJ vào giữa thế kỷ. Cường độ carbon trong nhu cầu năng lượng của Trung Quốc giảm từ 104 gCO₂/MJ hiện nay xuống còn 34 gCO₂/MJ trong ba thập kỷ tới.

Ở Trung Quốc, sự thay đổi nhân khẩu học, chủ yếu là dân số giảm và tốc độ già hóa cũng như tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực nhu cầu năng lượng và làm giảm thêm lực lượng lao động sẵn có (với dân số trong độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào khoảng năm 2010), tạo ra những thách thức về chi phí lao động và năng suất. Ngoài ra, những thay đổi trong sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng, bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về nhân khẩu học, có thể làm thay đổi loại hàng hóa được sản xuất và ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, dân số đang suy giảm đang trở nên thịnh vượng hơn, do đó mật độ phương tiện chở khách dự kiến ​​sẽ tăng trưởng đáng kể, với nhu cầu tiềm năng về sưởi ấm, đun nước nóng và nấu ăn sẽ tương đối ổn định, năng lượng để làm mát tăng hơn sáu lần trong trong 20 năm tới, và đến năm 2050, nó chiếm 29% lượng năng lượng sử dụng trong các tòa nhà của Trung Quốc, chỉ xếp sau nhu cầu năng lượng để sưởi ấm với tỷ lệ 30%.

Tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong 5 năm qua. Năm 2022, tăng trưởng nhu cầu năng lượng chậm lại khoảng 1%, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp và niềm tin cũng như chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức sơ bộ, khi hoạt động kinh tế phục hồi vào năm 2023, mặc dù chưa đạt mức trước đại dịch COVID-14, nhu cầu năng lượng đã tăng 5,7%, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhiên liệu hóa thạch, đã lập kỷ lục toàn cầu mới về lượng khí thải CO₂ hóa thạch của Trung Quốc (2023). Trong những năm còn lại của thập kỷ này, DNV dự báo nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ giảm tốc vì nhiều lý do, bao gồm: Sự thay đổi nhân khẩu học hiện đang diễn ra, giảm sự phụ thuộc vào công nghiệp nặng như một chất xúc tác cho tăng trưởng, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng trưởng kinh tế tổng thể chậm hơn. Trên thực tế, những xu hướng này sẽ dẫn đến nhu cầu năng lượng ổn định ở mức 122 EJ từ năm 2029 trong khoảng một thập kỷ, trước khi nhu cầu năng lượng giảm đều đặn xuống 104 EJ (2050).

Đến năm 2050, sản xuất vẫn sẽ là lĩnh vực có nhu cầu năng lượng lớn nhất với tỷ lệ 42% trong tổng nhu cầu, giảm so với mức 51% hiện nay, trong khi tỷ lệ của các tòa nhà sẽ tăng từ 19% lên 28%. Tỷ lệ của lĩnh vực vận tải ban đầu sẽ tăng từ 16% hiện nay lên 18% (2027), sau đó giảm xuống 14% (2050) do quá trình điện khí hóa với quy mô vận tải đường bộ sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 2038, với hơn 70% (khoảng 252 triệu xe ô-tô) sovới mức của năm 2022. Tuy nhiên, mức độ đô thị hóa cao và việc xây dựng rộng rãi các phương tiện giao thông công cộng sẽ đồng nghĩa với việc mật độ phương tiện vẫn thấp hơn so với các nước OECD. Vào những năm 2040, việc giảm dân số cùng với việc tự động hóa và chia sẻ ô tô nhiều hơn sẽ làm giảm số lượng phương tiện. Hàng không có khả năng tăng gấp đôi cho đến năm 2050 khi ngày càng nhiều cư dân Trung Quốc trở thành tầng lớp trung lưu, bao gồm nhiều người về hưu muốn đi du lịch.

Tốc độ đô thị hóa ở Trung Quốc đang tăng nhanh; ngày nay, gần 2/3 dân số Trung Quốc sống ở các thành phố, chủ yếu ở các tòa nhà cao tầng mới. Quy mô gia đình nhỏ và mức sống tăng lên sẽ khiến nguồn cung xây dựng ở Trung Quốc tăng 28% đối với các tòa nhà dân cư và 157% đối với các tòa nhà thương mại (2050). Tuy nhiên, việc tập trung mạnh vào hiệu quả năng lượng sẽ hạn chế sự tăng trưởng trong việc sử dụng năng lượng của các tòa nhà, đó là tương đối ổn định từ năm 2030 trở đi.

Trong khi năng lượng nhu cầu sưởi ấm, đun nước và nấu ăn sẽ tương đối ổn định, năng lượng để làm mát tăng hơn sáu lần trong 20 năm tới và đến năm 2050, năng lượng này chiếm 29% mức sử dụng năng lượng của các tòa nhà ở Trung Quốc, chỉ sau nhu cầu năng lượng để sưởi ấm bằng năng lượng là 30%. Cường độ carbon trong nhu cầu năng lượng của Trung Quốc giảm từ 104 gCO₂/MJ hiện nay xuống còn 34 gCO₂/MJ trong ba thập kỷ tới và trước hết là cùng với việc giảm tiêu thụ than của Trung Quốc.

Link nguồn:

https://safety4sea.com/wp-content/uploads/2024/04/DNV-Energy_Transition_Outlook_China_2024_04.pdf

Bình luận, Hỏi đáp