Vào thời điểm 65 năm trước, khi Việt Nam vẫn còn đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc đang trong công cuộc xây dựng kinh tế, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam. Với tầm nhìn xa trông rộng và bằng dự cảm của một thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung và mong ước Việt Nam có một ngành công nghiệp dầu khí mạnh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Sau đề nghị của Người và Chính phủ Việt Nam, từ năm 1959, Chính phủ Liên Xô đã cử các chuyên gia địa chất dầu khí sang giúp Việt Nam tiến hành điều tra địa chất dầu khí; trong các năm 1959-1961, các chuyên gia Liên Xô đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam hoàn thành báo cáo tổng hợp đầu tiên ở nước ta là “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Thử vỉa thành công giếng khoan tại Tiền Hải, Thái Bình.
Ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 (tên quen gọi là Đoàn 36 và từ năm 1969 là Liên đoàn địa chất 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất. Đoàn 36 có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu hành trình vinh quang của “những người đi tìm lửa”. Từ lúc đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã trở thành lĩnh vực đầu tiên và chủ lực của ngành Dầu khí Việt Nam.
Hơn 10 năm liên tục, các kỹ sư Việt Nam đồng hành với chuyên gia Liên Xô đã tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí, công tác địa vật lý và khoan dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng và vùng trũng An Châu, khẳng định kết quả thăm dò, chính xác hóa cấu trúc địa chất của tam giác châu thổ sông Hồng, phát hiện các vết dầu và vỉa khí trong trầm tích Đệ Tam. Đoàn 36 Dầu lửa đã cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội, ở vùng trũng An Châu và là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực quản lý cho ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách, “trái ngọt” đầu tiên của lĩnh vực E&P đã đến khi phát hiện mỏ khí Tiền Hải với trữ lượng xác minh đến 1,3 tỷ m3 vào ngày 18/3/1975.
Ngay sau khi nước nhà được thống nhất, ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam. Nghị định số 170/CP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.
Ngày 24/5/1984, tàu Mikhain Mirchin phát hiện dòng dầu công nghiệp tại giếng BH-5, mỏ Bạch Hổ. (Ảnh tư liệu)
Đến ngày 24/5/1984, tàu khoan Mikhain Mirchin khoan giếng BH-5 khẳng định dòng dầu có giá trị thương mại tại mỏ Bạch Hổ. Sự kiện này là minh chứng rõ ràng nhất cho niềm tin “Việt Nam có biển ắt có dầu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán cách đó 25 năm.
Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ đã chính thức đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới và là đóng góp quan trọng cho nền kinh tế bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới.
Ngày 06/9/1988, tấn dầu đầu tiên từ trong tầng chứa phi truyền thống đá móng nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ được đưa lên tàu chứa Crưm từ giếng khoan BH-1 tiếp tục mở ra một trang sử mới cho Liên doanh Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung cũng như của lĩnh vực E&P. Kể từ đó đến nay, hơn 250 triệu tấn dầu từ đối tượng này được khai thác, mang về cho đất nước nguồn doanh thu ngoại tệ hơn 89 tỷ USD.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
Có thể nói, trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước, đặc biệt sau khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, việc phát hiện và đưa vào khai thác những tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ đã giúp nền kinh tế non trẻ của Việt Nam vượt qua những cơn sóng dữ. Đặc biệt vào năm 1991, khi sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu lan nhanh trở thành “cơn địa chấn chính trị” lớn nhất trong lịch sử thế giới, với chỉ khoảng 3,96 triệu tấn dầu từ mỏ Bạch Hổ đã giúp Việt Nam đủ cân đối nhập khẩu, góp phần quyết định giữ gìn an ninh chính trị, giữ vững thể chế xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề để đất nước đổi mới thành công. Đến 1995 đạt 8 triệu tấn; năm 2000 đạt 16 triệu tấn; năm 2005 đạt 18 triệu tấn và 2010 đạt 23 triệu tấn.
Bên cạnh việc triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò trong nước, năm 1992, Petrovietnam đã tiến hành ký nhiều hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế. Việc triển khai các hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí của Petrovietnam trong giai đoạn này thể hiện rõ đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước nhằm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hợp tác với các quốc gia trên thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trên tinh thần hợp tác hai bên cùng có lợi.
Mỏ Cendor PM - 304 (Malaysia).
Có thể nói, ngành Dầu khí Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam ngay từ những ngày đầu hình thành. Đồng thời, lĩnh vực E&P cũng là khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế. Đến ngày 23/9/2006, Tập đoàn đã khai thác tấn dầu thô đầu tiên ở nước ngoài, mỏ Cendor PM - 304 (Malaysia), đánh dấu sự thành công của việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí của Petrovietnam, giúp gia tăng sản lượng khai thác dầu khí của toàn ngành Dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trải qua hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới. Hiện nay, Tập đoàn đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài.
Khai thác dầu khí tại sa mạc Sahara.
Trong thời gian tới, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ xu hướng chuyển dịch năng lượng, sự suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu hiện hữu, hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí vẫn luôn là một trong những lĩnh vực cốt lõi, then chốt, đóng góp lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển của Tập đoàn nói riêng và đất nước nói chung.
Mới đây, trong Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị cũng xác định, mục tiêu trong giai đoạn tới là phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia, trong đó vẫn xác định điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò và phát triển khai thác dầu khí là giá trị cốt lõi, cần được ưu tiên đi trước để thúc đẩy triển khai các hoạt động dầu khí, nhất là tại những vùng tiềm năng, vùng nước sâu xa bờ; thống nhất cơ chế linh hoạt để thu hút đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu đó, Petrovietnam luôn sẵn sàng về nguồn lực và tiềm lực để thực hiện các kế hoạch tìm kiếm, thăm dò khai thác mang tính đột phá, quyết liệt. Tiếp tục để ngọn lửa Dầu khí, tinh thần Dầu khí sẽ mãi tỏa sáng, Petrovietnam sẽ phát triển và không ngừng lớn mạnh.