ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh).
Trình bày trước Quốc hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Trước hết, tôi xin đề nghị các quý vị đọc Báo Đại biểu nhân dân ngày 18/6/2024 có bài về tăng năng lực cạnh tranh phân bón trong nước. Tại bài báo này, rất nhiều đại biểu ủng hộ việc áp dụng thuế suất GTGT 5% cho phân bón và nhiều ý kiến chứng minh điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp trong nước mà còn có lợi cho cả nông dân".
Cũng theo ông Nghĩa, đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và tiêu chí là tự lực, tự chủ, tự cường. Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu rất cao như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, dược phẩm cho người, hàng loạt mặt hàng điện tử...
"Theo thông tin từ báo chí, có thể nhận thấy có một làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập vào Việt Nam, ngành phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y đã không tồn tại và được phản ánh hàng chục năm nay. Nếu thị trường thế giới biến động, khiến các mặt hàng tăng giá thì đương nhiên thị trường trong nước cũng phải tăng lên chứ không thể giảm.
Do đó, chúng tôi đề nghị cần phân tích vấn đề rộng hơn. Nhìn lại các lĩnh vực như công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, sau 20 năm nội địa hóa đến bây giờ cũng chỉ có 20%. Như vậy, cần xem lại chính sách thuế của Việt Nam có khuyến khích hay không trong khi Thái Lan, Indonesia đã nội địa hóa 50%, 60% cho công nghiệp ô tô?", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bổ sung thêm: "Chúng ta đang quan tâm đến nông dân. Tôi hoàn toàn tán thành những ý kiến của các đại biểu ủng hộ nông dân, thông cảm với nông dân nhưng cũng đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu lao động, giai cấp công nhân đang làm việc ở đó và nếu như họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân này sẽ như thế nào. Do đó, tôi cung cấp một cách nhìn để chúng ta có một cách nhìn rộng ra, không phải ngẫu nhiên khi nhiều ĐBQH trong bài báo tôi vừa nói ủng hộ việc áp dụng thuế GTGT cho phân bón là 5% cũng như các lĩnh vực khác. Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng".
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).
Còn theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), trước đây đại biểu cho rằng nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ thiệt thòi. Tuy nhiên, qua giải trình của Thường vụ Quốc hội, ông Hòa nhận thấy thuế suất đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 và chuyển thuế suất 5% sang không chịu thuế, chính sách này đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua. Vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm sản phẩm cố định làm giá thành sản phẩm trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu nên không công bằng đối với những sản phẩm phân bón sản xuất trong nước.
“Quan điểm của tôi là đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là phải áp thuế suất GTGT 5% đối với ngành phân bón. Ngành phân bón hiện nay là loại hình bình ổn giá, cho nên nếu phân bón có lên giá thì Quỹ bình ổn giá của Nhà nước sẽ chi ra để đảm bảo phân bón không tăng cao như thời gian vừa qua", ông Hòa nhấn mạnh.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị).
Chung quan điểm, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) bày tỏ, vấn đề thuế suất GTGT đối với phân bón là vấn đề được tranh luận rất sôi nổi qua nhiều lần thảo luận, đặc biệt là trong sáng hôm nay cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ông Đồng, dự thảo quy định mặt hàng này quay lại diện chịu thuế GTGT 5% như ban đầu Chính phủ đã trình và nếu để hài hòa giữa các bên thì có lẽ phương án chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau và có thể quy định mức thuế suất là 1%, 2% hoặc 3% với mặt hàng phân bón là tối ưu hơn. Còn phương án 5% tại dự thảo tuy chưa được sự hoàn hảo song cân nhắc về nhiều mặt thì có lẽ phương án này có thể chấp nhận được.
"Vấn đề này đã có nhiều ý kiến lo ngại, như vậy thì người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động bất lợi của quy định này. Trước mắt, có thể người nông dân sẽ chịu thiệt, nhưng theo xu hướng phát triển hàng hóa trong nước thì lại có lợi về lâu dài.
Tôi đồng tình với ý kiến đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) và đặc biệt là ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đã phân tích bởi vì về lâu dài thì phân bón trong nước không còn bị bảo hộ ngược nên sản xuất trong nước sẽ được bảo đảm tốt hơn, nguồn cung trong nước sẽ mạnh hơn, không bị phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Với bối cảnh thế giới như hiện nay, nếu tự chủ được phân bón trong nước thì sẽ rất có lợi và khi doanh nghiệp phân bón trong nước sản xuất phân bón tốt thì nguồn cung sẽ ổn định, nông dân sẽ giảm bớt những rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón", ông Đồng nói.
ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An).
Tại buổi thảo luận, ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất áp thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón. Theo bà Chi, buổi thảo luận hôm nay đã nghe rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ với đề xuất của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi dự thảo luật đã chuyển sản phẩm này sang diện chịu thuế GTGT 5%. Bà Chi cũng đồng tình với những ý kiến này, đặc biệt là ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
"Từ góc độ là đơn vị trực tiếp tham gia thẩm tra nội dung này, chúng tôi xin phép được tranh luận nhưng nói đúng hơn là được cung cấp thêm thông tin về đánh giá tác động đối với chính sách này như một số đại biểu đã đề nghị. Trước tiên phải nói rằng từ góc độ đánh giá tác động, có thể nói từ cái nhìn đầu tiên chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng khi phân bón đang không chịu thuế GTGT mà chuyển sang áp thuế GTGT 5% thì mặt bằng giá sẽ bị tăng lên 5%. Điều này về lý thuyết rất đúng nhưng là đúng trong từng trường hợp. Lấy ví dụ, sản phẩm này đang chịu thuế GTGT là 2%, khi tăng thêm 5% thành 7% thì rất nhiều khả năng sẽ làm mặt bằng giá bị tăng lên 5% do đội thêm phần thuế mới tăng thêm này", bà Chi phân tích.
Phân bón là một lĩnh vực hết sức đặc thù và khác biệt so với tất cả các sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường hiện nay, tức là phân bón đang ở diện không chịu thuế, cho nên tất cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ đối với đầu vào và toàn bộ giá trị thuế đầu vào bao gồm cả giá trị rất lớn như với đầu tư phải cộng hết tất cả vào chi phí, dẫn đến giá thành rất cao. Tất cả được cộng vào giá thành và cộng vào giá bán.
Tuy nhiên, đối với phân bón nhập khẩu, khi xuất khẩu sang Việt Nam vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào, đó là lợi thế hơn hẳn. Chúng ta đã "phân biệt đối xử" giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu bằng cơ chế không chịu thuế. Đồng thời, phân bón sản xuất trong nước bị "phân biệt đối xử" so với tất cả các ngành sản xuất khác trong nước vì tất cả các ngành khác đều thuộc diện chịu thuế GTGT 5%, 10%.
Chính vì vậy, với việc chuyển sang áp dụng thuế GTGT 5%, không có nghĩa mặt bằng giá sẽ tăng lên 5% vì các doanh nghiệp phân bón trong nước có dư địa để giảm giá khi họ được khấu trừ phần thuế đầu vào này hoặc rất nhiều trường hợp họ sẽ được hoàn cho nên mặt bằng sẽ giảm giá. Do đó, không thể nói rằng người nông dân hay khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Câu hỏi đặt ra là liệu có nên tiếp tục chính sách không đánh thuế này để "phân biệt đối xử" với ngành sản xuất phân bón trong nước hay không. Việt Nam là một nước nông nghiệp, cần phải có sự ổn định, phải dựa vào sản xuất phân bón trong nước hay là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ dựa chủ yếu vào phân bón nhập khẩu.
"Chúng ta nên để cho ngành sản xuất Việt Nam được "đối xử" bình đẳng, theo đúng cơ chế thị trường, tức là phải được chịu thuế và được khấu trừ đầu vào như tất cả các ngành sản xuất trong nước khác. Tôi mong các đại biểu sẽ cân nhắc thật kỹ những ý kiến này, có thể đọc trong báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ để trước khi bấm nút thì cần biết rõ chúng ta ủng hộ ngành sản xuất trong nước hay ủng hộ việc nhập khẩu phân bón. Nếu vẫn duy trì việc này, trước tiên các đơn vị nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng vì sẽ bị chậm lại dòng tiền do phải nộp thuế. Tuy nhiên, nói về tương lai của cả một ngành sản xuất trong nước, không lẽ gì Chính phủ và đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - những Bộ đại diện cho khu vực tiêu dùng - đều nhất trí kiến nghị nên sửa nội dung này.
Thời gian qua, khi rà soát văn bản pháp luật đều đưa nội dung này vào, cho thấy sự cần thiết phải sửa. Tôi rất mong nếu có thể thì các đại biểu nên cân nhắc lại một cách thấu đáo hơn đối với vấn đề này để có thể bấm nút một cách thật sự khách quan để khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cả khu vực sản xuất có thể phát triển", bà Chi nhấn mạnh.