Doanh nghiệp Nhà nước chưa có quyền tự chủ kinh doanh đầy đủ, hoạt động gặp khó khăn, khó áp dụng phương thức quản trị tiên tiến (Ảnh minh họa)
Tổng kết quá trình thực hiện Luật 69/2014/QH13 quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong thời gian qua, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, thẩm quyền giám sát vốn của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước còn chồng chéo.
Hiện nay, cơ quan Nhà nước quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, như: Phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư quy mô lớn, quyết định việc tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn... khiến doanh nghiệp Nhà nước chưa có quyền tự chủ kinh doanh đầy đủ, hoạt động gặp khó khăn, khó áp dụng phương thức quản trị tiên tiến trong môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế sôi động, gay gắt. Quá trình này cần được đơn giản hóa, vận dụng kinh tế số, Chính phủ điện tử để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước
Luật số 69 quy định “Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên”.
Thẩm quyền giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu được quy định tại Điều 57 Luật số 69/2014/QH13 quy định: Cơ quan đại diện chủ sở hữu có đầy đủ các thẩm quyền thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Doanh quan sát hiện cơ quan đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình kết hợp giữa tập trung và phân tán, gồm: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô lớn như tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty Nhà nước); Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh (đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nhưng tập trung vào các doanh nghiệp thuộc đối tượng các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh được giao thành lập, quản lý); Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp được chuyển giao từ các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.
TS. Lê Đăng Doanh: Luật chỉ nên tập trung vào quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, không quy định về quản lý, điều hành doanh nghiệp Nhà nước.
Mỗi cơ quan đại diện chủ sở hữu khác nhau về địa vị pháp lý cũng dẫn đến cách thức và đối tượng giám sát có những đặc thù nhất định. Từ thực trạng thực hiện thẩm quyền của người đại diện hiện nay, TS. Lê Đăng Doanh đánh giá chưa thật sự hiệu quả.
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước trên thực tế còn chậm.
Kể từ khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn, thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ yếu thực hiện công tác tiếp nhận và xử lý các công việc chuyển tiếp; chưa phát huy đầy đủ vai trò đại diện chủ sở hữu trong việc đưa ra định hướng sản xuất, kinh doanh, hình thức quản lý đối với các doanh nghiệp được chuyển giao.
“Luật chỉ nên tập trung quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh”
Từ thực trạng vướng mắc, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần tách bạch chức năng quản lý của đại diện chủ sở hữu với chức năng quản trị của doanh nghiệp; bổ sung quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chủ sở hữu vốn Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và của doanh nghiệp (Hội đồng thành viên, Ban điều hành) trong việc quyết định đầu tư dự án, mua sắm tài sản; đầu tư tài chính phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, tuân thủ quy định về đấu thầu, quy định về đầu tư xây dựng tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.
Bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền, quy trình đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp Nhà nước từ nguồn ngân sách Nhà nước phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, việc tăng cường giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo hướng tập trung sở hữu gắn liền với trách nhiệm được ông Doanh đánh giá sẽ tránh được sự chồng chéo trong chức năng quản lý. Theo đó, các quy định về thẩm quyền giám sát cần được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng quy định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm cuối cùng về giám sát khi phối hợp giám sát với cơ quan quản lý Nhà nước.
“Luật chỉ nên tập trung vào quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, không quy định về quản lý, điều hành doanh nghiệp Nhà nước, đã có quy định tại các luật khác như Luật Doanh nghiệp”, ông Doanh nhấn mạnh.
TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cần rút ngắn giai đoạn quá độ trong việc chuyển đổi từ mô hình phân tán sang mô hình tập trung trong sở hữu và quản lý vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo trong giai đoạn tới chỉ còn một tổ chức quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
“Hiện nay đang tồn tại song song hai tổ chức trùng lắp là Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trước mắt, theo tôi, cần chuyển Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban thực hiện chức năng đầu mối và điều phối này”, TS. Lê Đăng Doanh kiến nghị thêm.