Đảm bảo lợi ích cho cổ đông
Từ một đơn vị khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), nảy sinh nhiều vấn đề nội tại nhưng qua quá trình nỗ lực xây dựng, tái tạo văn hóa Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) một cách chuyên nghiệp, PVChem có những thay đổi mạnh mẽ, hoạt động SXKD đã có nhiều khởi sắc, đảm bảo lợi ích cho cổ đông, giữ vững lòng tin của cán bộ công nhân viên.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Tổ triển khai đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam và PVChem.
Nhắc đến quá trình tái tạo văn hóa doanh nghiệp (VHDN), trước tiên phải nói đến công tác chỉ đạo triển khai thực hiện truyền thông và VHDN tại PVChem được thực hiện một cách đồng bộ nhất quán trong cả hệ thống chính trị từ Đảng bộ, chính quyền đến các tổ chức đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn thanh niên). Hiện nay, PVChem đang nỗ lực xây dựng một nền VHDN đề cao tính trách nhiệm của mỗi cá nhân hướng tới mục đích chung nhất là phải đảm bảo lợi ích cho cổ đông, phát triển mọi mặt sản xuất kinh doanh của PVChem.
Thực hiện Kết luận của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tại Hội nghị công tác truyền thông và VHDN lần thứ II/2022, Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc PVChem đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Công tác triển khai VHDN được PVChem triển khai phổ biến một cách linh hoạt, được thực hiện lồng ghép vào những cuộc họp giao ban, các cuộc sinh hoạt chính trị định kỳ như tại các cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ, cuộc họp giao ban sản xuất kinh doanh (SXKD) hằng tháng/quý.
Về kết quả triển khai theo 9 nội dung của kế hoạch 5799/KH-DKVN và lượng hóa thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, PVChem cũng là một trong những đơn vị được đánh giá đã triển khai cơ bản và toàn diện các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nổi bật như PVChem đã hoàn thiện việc xây dựng Cẩm nang văn hóa PVChem. Trên cơ sở Sổ tay Văn hóa Petrovietnam, PVChem tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật cẩm nang cho phù hợp tình hình thực tế, các mục tiêu, chiến lược phát triển mới của PVChem và phù hợp với văn hóa Petrovietnam.
Sáng tạo trong triển khai văn hóa
Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc hóa dầu Nghi Sơn (PVNDB) là một đơn vị đặc biệt trong Petrovietnam. Với vỏn vẹn 60 cán bộ chuyên viên nhưng PVNDB đang là đại diện, đầu mối của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong việc bao tiêu, phân phối sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam.
Tổ triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam làm việc cùng lãnh đạo PVNDB.
Tiền thân của PVNDB là một “Ban chuyên môn” của Petrovietnam, bởi vậy hầu hết nhân sự của Chi nhánh là “người” của Tập đoàn. Đây là một thuận lợi lớn đối với đơn vị khi triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam nhưng cũng là một thách thức không nhỏ để phát triển VHDN, tạo dấu ấn riêng cho PVNDB trong cả một rừng hoa văn hóa đang đến kỳ nở rộ của Tập đoàn.
Từ năm 2020, khi Tập đoàn triển khai đẩy mạnh công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam, PVNDB nhận thấy đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển PVNDB và các đơn vị thành viên. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai phổ biến văn hóa Petrovietnam, PVNDB đã xây dựng, triển khai văn hóa PVNDB trên cơ sở kế thừa văn hóa Petrovietnam và phát huy bản sắc, đặc thù hoạt động SXKD của PVNDB.
Đơn cử như PVNDB đã ban hành Quyết định phê duyệt “Quy ước văn hóa ứng xử tại Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, đồng thời phát hành, phổ biến tới từng cán bộ, nhân viên. Quy ước văn hóa ứng xử của PVNDB được xây dựng, hoàn thiện căn cứ trên Cẩm nang Văn hóa Dầu khí, có sự bổ sung phù hợp với thực tế hoạt động của chi nhánh, cũng như cập nhật xu hướng phát triển của thời đại. Trong đó, một số nội dung hoàn toàn mới như: Văn hóa làm việc với đối tác nước ngoài, văn hóa tôn trọng phụ nữ.
Được biết, PVNDB là đại diện Petrovietnam làm việc cùng các đối tác trong liên doanh đầu tư Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) gồm các quốc gia đến từ Nhật Bản, Trung Đông (Kuwait) và nhiều đối tác quốc tế khác. Bởi vậy, để có thể hợp tác lâu dài, nhân sự của PVNDB đều phải “học” các ứng xử, phối hợp trong công việc phù hợp với các đặc trưng văn hóa khá phức tạp. Đơn cử như các đối tác Nhật Bản có phong cách làm việc “quyết liệt”, không kể ngày đêm, trong mọi mặt công tác đều đòi hỏi phải rõ ràng, minh bạch. Ngược lại đối tác đến từ các quốc gia Trung Đông thì luôn cần sự khéo léo, tôn trọng, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vậy PVNDB đã đưa vào “Quy ước văn hóa ứng xử” của mình những phần lưu ý đặc biệt đối với cán bộ công nhân viên của mình.
Tái tạo văn hóa để phục hồi
Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PETROCONs) đã có 40 năm xây dựng và phát triển. Là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Dầu khí Việt Nam nên PETROCONs đã để lại nhiều dấu ấn trên các công trình dầu khí từ các căn cứ trên đất liền, các dự án trong điểm quốc gia về điện, khí, lọc hóa dầu, đến các giàn khoan thăm dò khai thác ngoài biển khơi. Cùng với sự thăng trầm của ngành, PETROCONs cũng liên tục trải qua những trắc trở, đặc biệt là những khó khăn từ năm 2015 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như công tác xây dựng VHDN tại đơn vị.
Tổ triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam làm việc cùng lãnh đạo PETROCONs.
Là những người trong cuộc nên cán bộ công nhân viên của PETROCONs hiện nay đã thấm thía những vấn đề có tính cơ bản của VHDN trong quá khứ gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp. Có thể đơn cử như văn hóa “tuân lệnh” xuất phát từ nền tảng của PETROCONs là đơn vị có xuất thân chủ yếu từ Binh đoàn Dầu khí (Binh đoàn 318). Bởi vậy, việc thực thi theo mệnh lệnh của lãnh đạo là tuyệt đối, dù có ý kiến hay thấy “sai” nhưng vẫn “làm”.
Đây có thể là nét nổi bật từng giúp PETROCONs vượt qua nhiều thử thách trong những giai đoạn ban sơ. Khi đó, những người lính - cán bộ công nhân viên PETROCONs có thể “nhường cơm, sẻ áo”, chung tay hỗ trợ cho nhau trong lúc gian nan nhất đề hoàn thành xây dựng căn cứ dầu khí đầu tiên trên vùng sình lầy của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo hay đặt những dầm móng đầu tiên cho tuyến đường ống vượt biển Đông. Nhưng chỉ cần một sai lầm… cũng có thể dẫn đến những hệ lụy khó có thể khắc phục bởi đơn giản là không có người "can ngăn" hay nói cách khác là thiếu tư duy phản biện, đặc biệt là phản biện khoa học.
Hiện nay, PETROCONs đang dự kiến triển khai xây dựng “Đề án Tái tạo VHDN PETROCONs” với tinh thần “Vượt khó, Tiết kiệm, Đúng hẹn và Tuân thủ pháp luật” với một kế hoạch dài hạn làm nền tảng cho hoạt động SXKD của PETROCONs. Tuy nhiên trong thời gian tới PETROCONs và các đơn vị thành viên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn việc làm cũng như nguồn tài chính. Bởi vậy, trước mắt PETROCONs đang tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các dự án còn dang dở, tìm thêm nguồn việc mới để ổn định tâm lý cũng như đảm bảo đời sống cho CBCNV an tâm công tác.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam, sau khi lắng nghe báo cáo tình hình triển khai công tác tái tạo VHDN tại các đơn vị, các đại biểu của Tổ công tác đã đưa ra những đánh giá góp ý tích cực vào kế hoạch triển khai công tác tái tạo VHDN tại PVChem.
Đồng chí Trần Quang Dũng - - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban Truyền Thông và VHDN Petrovietnam đã khẳng định công tác triển khai VHDN tại PVChem, PVNDB, PETROCONs đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Đồng chí Trần Quang Dũng lưu ý 4 vấn đề: Phải luôn xác định rõ mục tiêu tái tạo VHDN chính là tạo đà tái tạo kinh doanh; Truyền thông phải trước, đi cùng, đi sau, là cầu nối cho PVChem đến với cổ đông, người lao động và công chúng; Cần đồng bộ hóa công tác chỉ đạo tái tạo VHDN, kiên trì, nỗ lực triển khai tái tạo VHDN phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh tại đơn vị; Tái tạo VHDN là sự kết hợp giải quyết nhiều mục tiêu như thực hiện dân chủ cơ sở, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…