Kỳ họp nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án (2019 - 2024) và phương hướng giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp có đồng chí Lê Ngọc Sơn, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Tổ triển khai Đề án.
Toàn cảnh kỳ họp
Tái tạo văn hóa đi trước, tạo đà cho tái tạo kinh doanh
Báo cáo về kết quả triển khai Đề án giai đoạn 2019 - 2024, đồng chí Đỗ Chí Thanh cho biết, được sự chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ từ Đảng ủy, HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn và sự đồng hành của các đoàn thể chính trị xã hội, đơn vị thành viên, trong 5 năm qua, việc thực hiện Đề án đảm bảo được tính kiên trì, liên tục; đạt được sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, đến từng người lao động dầu khí về vai trò quyết định của văn hoá doanh nghiệp (VHDN) đối với sự phát triển Tập đoàn và đơn vị; định hình được hệ giá trị cốt lõi; hệ thống các tài sản văn hóa của Petrovietnam. Kết quả là văn hóa dần thẩm thấu vào mọi hoạt động quản trị, điều hành doanh nghiệp, tái tạo văn hóa đi trước, tạo đà cho tái tạo kinh doanh và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu của Tập đoàn ở trong nước và quốc tế.
Ban Chỉ đạo đã kiên trì mục tiêu Đề án, luôn chủ động yêu cầu, lắng nghe, tiếp thu nhưng không lệ thuộc vào tư vấn. Từ đó, các nội dung của Đề án được cụ thể hoá, gần gũi với đời sống doanh nghiệp và người lao động Dầu khí. Kế hoạch/nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để triển khai Đề án đã xây dựng chi tiết theo từng nội dung, từng giai đoạn, có đầu mối chịu trách nhiệm, tiến độ hoàn thành và được đánh giá định kỳ theo từng quý, có sơ kết, tổng kết, lượng hóa thành kết quả cụ thể.
Đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tại kỳ họp
Các nhiệm vụ của Đề án được triển khai liên tục, nề nếp, chuyên nghiệp, khoa học đã tạo lập thói quen, hành vi ứng xử văn hoá trong cán bộ, nhân viên, người lao động, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ SXKD của Tập đoàn. Ý thức của CBNV, người lao động và chất lượng trong các hoạt động tập thể được nâng cao hơn trước, thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác trong công việc, hỗ trợ cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ; vai trò của các tổ chức đoàn thể đã thể hiện rõ nét trong các hoạt động. Tinh thần đoàn kết, phối hợp giữa các ban/văn phòng, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được nâng cao. Việc áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu đã thay đổi rõ nét, tác động sâu, rộng trong Tập đoàn, đồng thời lan tỏa ra cộng đồng xã hội. Từ những câu trả lời “tôi không biết”, “tôi chưa được tiếp cận”, “theo tôi chưa cần thiết” nhận được tại khảo sát năm 2020 thì sự quan tâm, hào hứng tham gia vào các hoạt động thực hiện Đề án cũng như niềm tự hào đối với những giá trị văn hóa của Petrovietnam của CBNV tại khảo sát năm 2023, là kết quả rõ nét nhất cho sự thành công của Đề án.
Hội nghị Công tác TT&VHDN được tổ chức với quy mô toàn Tập đoàn
Petrovietnam đã hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa, định hình các tài sản văn hóa gồm: Sổ tay văn hóa Petrovietnam với hệ giá trị cốt lõi mang đặc trưng của người Dầu khí; Lược sử Ngành Dầu khí Việt Nam; các thiết chế văn hóa phục vụ giáo dục lịch sử truyền thống ngành Dầu khí được đưa vào hoạt động; hệ thống nhận diện thương hiệu mang khát vọng vươn lên của Petrovietnam trong thời kỳ mới; 05 ấn phẩm được ra mắt, 02 ca khúc sáng tác mới, 20 tập phim ký sự, cùng các chương trình nghệ thuật là những chương trình, tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc sống, lao động gian nan thử thách, nhưng cũng đầy tự hào, thể hiện những giá trị văn hóa dầu khí đã thấm sâu trong mọi hoạt động và ngày càng phát huy những giá trị tốt đẹp.
Đồng chí Trần Quang Dũng, Thành viên thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại kỳ họp
Công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam, truyền thông, hoạt động xã hội trong toàn Tập đoàn được thực hiện song hành gắn với các mục tiêu kế hoạch SXKD và chiến lược phát triển của Tập đoàn, trở thành bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của Petrovietnam, khẳng định giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”. Xây dựng VHDN góp phần tạo nhận thức đúng đắn và tình cảm, niềm tự hào của các thế hệ người lao động Dầu khí, sự đồng thuận của xã hội, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, khẳng định vị thế, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nhiều cuộc thi được triển khai trong toàn Tập đoàn đã tác động đến nhận thức và góp phần lan tỏa Văn hóa Petrovietnam tới từng cán bộ, người lao động
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm nét đặc trưng của người lao động dầu khí liên tục được làm mới: Tuần lễ văn hóa Dầu khí, Xuân nghĩa tình Dầu khí, những ngày hội hiến máu nhân đạo với chủ đề “Nhiệt huyết người Dầu khí”, chương trình an sinh xã hội với chủ đề “Nghĩa tình người Dầu khí”, 3 triệu cây xanh Vì một Việt Nam xanh; các chương trình nghệ thuật “Hành trình thắp lửa”, “Tự hào Petrovietnam, ký sự “Hành trình người đi tìm lửa”, hành trình “Mùa xuân từ những giếng dầu”; 05 ấn phẩm Lược sử ngành Dầu khí, Nhật ký CEO Meeting, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển dịch năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển đổi số, Sổ tay công tác truyền thông, VHDN, an sinh xã hội, các tác phẩm âm nhạc như Biển Đông tung bay quốc kỳ, Tự hào Petrovietnam; 02 cuộc thi “Tôi yêu Petrovietnam”, cuộc thi Ảnh “Petrovietnam trong tôi”, Giải Marathon Cà Mau - Cúp Petrovietnam.
Chương trình trồng cây được tổ chức với nhiều cách làm sinh động, sáng tạo trên các công trình, nhà máy, dự án Dầu khí
Đặc biệt thời gian qua với rất nhiều biến động, Petrovietnam đã hình thành văn hóa quản trị biến động, để từ đó góp phần trong giúp Tập đoàn vững vàng vượt qua “khủng hoảng kép” năm 2020, phục hồi tăng trưởng năm 2021, làm nên những kỷ lục năm 2022, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng năm 2023 tiếp tục lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn. Petrovietnam cũng đã về đích trước 2 năm 10/12 chỉ tiêu so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020 - 2025 và vượt kế hoạch 5 năm 2021 – 2026.
Lãnh đạo Petrovietnam thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Cà Mau
Qua đó, giá trị thương hiệu của Tập đoàn không ngừng gia tăng, duy trì là một trong những thương hiệu có giá trị cao nhất tại Việt Nam, năm 2023 đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Qua 3 lần xét duyệt danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh”, Petrovietnam và 11 đơn vị thành viên đã được công nhận trên tổng số 54 doanh nghiệp cả nước, chiếm tỷ lệ 22% và là một trong 10 đơn vị được công nhận đạt chuẩn ngay trong đợt đầu xếp hạng theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng tầm văn hóa, cống hiến xây dựng "ngôi nhà chung Petrovietnam"
Tại kỳ họp, đồng chí Trần Quang Dũng - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo cũng trình bày dự thảo Chỉ thị về việc thúc đẩy các giải pháp thấm sâu, nâng tầm văn hóa Petrovietnam với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xoay quanh hệ giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”. Từ đó tạo động lực thúc đẩy, hiện thực hóa chiến lược Xây dựng và phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ triển khai Đề án đã tích cực trao đổi, đóng góp ý kiến vào các nội dung báo cáo, đưa ra các ý kiến nhằm thúc đẩy các giải pháp nâng tầm văn hóa Petrovietnam.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu tại kỳ họp
Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, việc triển khai thực hiện Đề án trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đã xây dựng và củng cố lại văn hóa nền tảng, cốt lõi cho toàn hệ thống. Xác định đây là việc phải thực hiện kiên trì, liên tục, đồng chí Lê Ngọc Sơn cho rằng, trong thời gian tới cần tập trung vào công tác đào tạo, tái đào tạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các CBNV, người lao động trong toàn Tập đoàn, từ đó xây dựng một môi trường làm việc, môi trường văn hóa Petrovietnam lành mạnh. Đồng thời, có cách thức phân loại, đánh giá những cá nhân có đóng góp chuyên môn, có ý thức bồi đắp giá trị văn hóa cao, tạo điều kiện bồi dưỡng, cơ hội phát triển để cống hiến xây dựng "ngôi nhà chung Petrovietnam".
Đánh giá lại quá trình triển khai Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam trong 5 năm qua, đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam là động lực quan trọng mang lại thành công và nâng tầm giá trị thương hiệu cho Petrovietnam.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam chia sẻ, 5 năm qua chính là giai đoạn khó khăn nhất đối với Tập đoàn, giữa những ngổn ngang, bộn bề thách thức từ mọi mặt, toàn hệ thống Petrovietnam đã xác định việc tái tạo và phát triển VHDN chính là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực tạo nên sức mạnh thống nhất, đoàn kết của Petrovietnam. Với sức mạnh đó, “con tàu” Petrovietnam đã vượt qua sóng dữ, liên tục tăng trưởng trong những năm qua, khẳng định vị thế của Tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước. Đặc biệt hơn nữa, tái tạo văn hóa Petrovietnam chính là một giải pháp đặc sắc, khác biệt, mang bản sắc của Petrovietnam, đưa Tập đoàn trở thành hình mẫu, đơn vị dẫn đầu trong Khối các doanh nghiệp nhà nước trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về VHDN và công tác xã hội.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kết luận kỳ hợp
Đồng chí Lê Mạnh Hùng yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy những thành tích đã đạt được, Ban Chỉ đạo cần tập trung rà soát, cập nhật công tác xây dựng VHDN, công tác xã hội của Tập đoàn phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để thấm sâu và nâng tầm Văn hóa Petrovietnam.
Ngoài ra, tiếp tục đánh giá tác động lan tỏa, ảnh hưởng của việc triển khai Đề án tới kết quả thực hiện trách nhiệm xã hội để rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp cụ thể, phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng đặc biệt yêu cầu kiên quyết loại bỏ các yếu tố xấu, độc, xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình triển khai VHDN tại các đơn vị, đồng thời có hình thức khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác xây dựng VHDN, trách nhiệm trong công tác xã hội.