Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc CTCP DAP –Vinachem.
Theo ông Trung, từ cuối năm 2014 DAP –Vinachem đã nhận thức được vấn đề khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và 2015 đã có kiến nghị lên Tổng cục Thuế đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về luật thuế 71. Tuy nhiên thời điểm đó Luật thuế 71 vừa mới ban hành, nên cần thời gian để đánh giá.
Là Doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón DAP, một trong 2 đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sau 10 năm thì toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng, 10 năm nay thì luỹ kế lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng..
Khi giá thành sản xuất tăng, mà giá bán trên thị trường không điều chỉnh được, vì có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế. Người nhập khẩu phân bón về không phải chịu thuế GTGT, có điều kiện để giảm giá bán và trong nước, hàng sản xuất lại bị tăng giá thành, nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường, không chi phối được thị trường, phải theo "luật chơi" của phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo. Giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo. Đó là khó khăn lớn nhất cho Công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất – kinh doanh sụt giảm.
Đồng thời, trong 10 năm qua, do hiệu quả sản xuất như vậy và tác động của luật thuế 71 dẫn tới tất cả chi phí đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm lại không được hoàn thuế. Tất cả các khoản chi phí đầu vào của chi phí đầu tư cộng vào tổng mức đầu tư, điều này dẫn tới hạn chế tính hiệu quả của dự án. Khi đó, độ nhạy của dự án tăng lên, dẫn tới các cơ quan quản lý rất khó khăn trong việc quyết định lựa chọn phương án đầu tư.
Mặt khác chúng ta đã biết trong 10 năm qua, ở Việt Nam không nhiều doanh nghiệp phân bón lớn có quy mô đầu tư được, nếu có thì đều là doanh nghiệp nhỏ. Điều này cũng hạn chế sự phát triển, không thúc đẩy sản xuất, làm cho doanh nghiệp không có động lực để tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm. Dẫn tới bà con nông dân cũng thiệt hại khi không được sử dụng sản phẩm tốt hơn.
Nếu chúng tôi tăng quy mô sản xuất thì giá thành chắc chắn giảm, vì sản xuất phân bón giá thành tác động rất nhiều bởi quy mô sản xuất. Khi quy mô sản xuất lớn thì giá thành sẽ giảm. Bà con nông dân sẽ được hưởng lợi từ việc này. Nhưng trong thời gian qua chúng ta đã không làm được như vậy.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm,
Cũng theo ông Trung, Doanh nghiệp rất mừng khi dự thảo Thuế GTGT đã đưa vào nội dung thay đổi và trình Quốc hội lần này. Nếu như luật 71 lần này sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào danh mục hàng chịu thuế thì đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có rất nhiều tác động tích cực.
Thứ nhất là giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngành sản xuất phân bón trong nước hiện nay cũng đã tương đối đầy đủ các mặt hàng phục vụ cho ngành nông nghiệp rồi. Từ cơ hội này, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có sự cạnh tranh với phân bón nhập khẩu tốt hơn và mong muốn chiếm lĩnh được thị trường, gia tăng được thị phần. Gia tăng thị phần thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh được giá bán, tăng hậu mãi cho người nông dân.
Yếu tố thứ hai là đối với các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng đối với ngành sản xuất phân bón trong nước. Chúng ta đã qua rất nhiều năm không đổi mới được công nghệ, do vướng các thủ tục về luật thuế, dẫn tới hiệu quả kinh tế không có nên không đổi mới được. Cơ hội này chúng ta có thêm động lực để đổi mới công nghệ của ngành sản xuất trong nước. Làm sao để chúng ta vừa tăng được quy mô, vừa tăng được chất lượng sản phẩm. Khi tăng được quy mô thì giá thành sản xuất sẽ giảm, giá bán cho người nông dân sẽ giảm và sẽ bình ổn giá được trên thị trường, giúp người nông dân yên tâm được trong việc sản xuất. Không phải là đến đầu vụ thì giá phân bón vừa phải, đến lúc cần phân bón thì giá tăng đột biến, người nông dân cũng không ổn định được việc sản xuất. Nếu ngành sản xuất phân bón trong nước mà ổn định, giữ được thị trường thì chúng ta sẽ giúp người nông dân yên tâm hơn.
Nếu tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm thì cũng là tạo tiền đề, tạo điều kiện cho người nông dân được sử dụng phân bón chất lượng hơn.
"Với ngành DAP, chúng tôi tinh chế quặng apatit thì chúng tôi cũng đã cố gắng làm sao để sử dụng có hiệu quả nhất nguồn khoáng sản thiên nhiên của Việt Nam, tạo giá trị gia tăng, không để mất đi gì cả.
Với đặc thù của doanh nghiệp chúng tôi đang hướng đến kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ nguồn quặng apatit trong nước khai thác về, chúng tôi sản xuất ra phân bón DAP và nguồn phát thải thì chúng tôi sử dụng để làm vật liệu san lấp trong xây dựng. Và với điều này thì chúng ta sẽ sử dụng được toàn bộ nguồn khoáng sản, không bị mất đi cái gì. Đấy là cơ hội, tiền đề để chúng tôi thực hiện được kinh tế tuần hoàn" - ông Trung nhấn mạnh.
Cuối cùng, nếu như chính sách thuế VAT tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ có động lực tốt hơn để thực hiện việc đầu tư, sửa chữa nâng cấp thiết bị nhà máy mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ.
Đối với ngành sản xuất phân bón, liên quan đến ngành hoá chất, thì đời công nghệ của một nhà máy hoá chất vào khoảng 10-15 năm.
"Khi chúng ta không có động lực, không có nguồn lực thì ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn để đổi mới công nghệ. Từ đó cũng không tạo ra được sản phẩm cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, giữ ổn định được định giá trên thị trường, làm chủ cuộc chơi. Do đó động lực quan trọng nhất chúng tôi cho rằng là điều chỉnh chính sách thuế lần này có tác động thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, dẫn đến phục vụ tốt hơn cho bà con nông dân, cũng như phục vụ phát triển bền vững nền kinh tế, và cũng là cơ sở để xây dựng nền kinh tế theo quan điểm của Chính phủ" - lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định.