Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Điện lực (sửa đổi), thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dự án Luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra, các cơ quan Quốc hội và lưu ý một số vấn đề như:
Một là, tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đáp ứng yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch cho thị trường quyết định kết nối với thị trường khu vực và thế giới, áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua công cụ thị trường, thuế, phí và các quỹ và chính sách an sinh xã hội, phù hợp luật hóa việc điều hành giá điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, triển khai tích trữ điện năng, có cơ chế đấu thầu, đấu giá, cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo và các dự án năng lượng mới.
Hai là, thực hiện nghiêm quy định 178 về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, rà soát các quy định để đảm bảo nguyên tắc không hợp thức hóa các sai phạm, đặc biệt các quy định về cơ chế xử lý các nguồn điện chậm tiến độ; Quy định về điều khoản thi hành chuyển tiếp và lưu ý các nội dung liên quan đến Nghị quyết giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng vừa mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước. Đối với các chính sách mới có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, thay đổi căn bản quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa có chủ trương cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.
Ba là, rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu và yêu cầu sửa đổi Luật, tuân thủ Hiến pháp và các điều ước quốc tế, đánh giá tác động đầy đủ đối với các chính sách; Rà soát các khái niệm, từ ngữ chuyên môn để giải thích đầy đủ, đảm bảo rõ nghĩa, dễ hiểu; Rà soát tại các văn phong, cách diễn đạt của dự thảo Luật và các quy định để tránh cách hiểu khác nhau hoặc áp dụng chung chung không thể thực hiện được.
Bốn là, cụ thể hóa hơn các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để đảm bảo khả thi. Xem xét kỹ các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư thì quy định những nội dung thực sự cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, giảm đầu tư công. Rà soát, nghiên cứu ý kiến của các cơ quan thẩm tra về chính sách đối với chuyển dịch năng lượng, loại hình lưu trữ điện năng, công nghệ lưu trữ năng lượng...
Năm là, rà soát, làm rõ, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về phạm vi điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch, cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ; Đầu tư xây dựng dự án công trình điện lực, dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công; Đầu tư xây dựng dự án công trình điện khẩn cấp; Phát triển điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Lựa chọn nhà đầu tư, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc chậm lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện; Tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện, nguồn điện, lưới điện thông qua phương thức đấu thầu, các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Lưu ý ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã nêu về việc có liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) mà Quốc hội đã thông qua; Quy định về phát triển điện, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chuyển dịch năng lượng, giấy phép hoạt động điện lực, miễn trừ giấy phép, thị trường điện cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, hợp đồng mua bán điện, giá điện và giá dịch vụ về điện; Công khai, minh bạch về các loại giá và nhiều nội dung khác nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan của Quốc hội.
Sáu là, rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các nội dung của các luật nêu trong Phụ lục của Báo cáo thẩm tra, trong đó có Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Nông nghiệp, Luật Xây dựng và các luật sẽ thảo luận và thông qua trong các kỳ họp sắp tới như Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc xử lý mâu thuẫn, chồng chéo phải đảm bảo không phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của luật chuyên ngành; Cân nhắc khi quy định trong Luật Điện lực những quy định đặc thù trái với các luật khác, không quy định lại các nội dung đã quy định trong các luật khác, rà soát các quy định làm phát sinh thủ tục hành chính so với luật hiện hành.
Bảy là, cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành đảm bảo khả thi, không xảy ra vướng mắc, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tám là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình, thuyết phục các ý kiến tham gia để sớm trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý việc thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Lưu ý, nêu rõ quan điểm về các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ để đảm bảo chất lượng thông qua luật tại một kỳ họp.