Ảnh minh họa
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả nội dung ấn phẩm với tựa đề “Quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí” nhằm đánh giá những xu hướng, thách thức và thực tiễn của CG và CSR đã được đăng tải trên World Journal of Advanced Research and Reviews số ra tháng 2/2024, để tham khảo.
*****
Lĩnh vực dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu khi cung cấp năng lượng cần thiết cho nhiều lĩnh vực và hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm các vấn đề về môi trường, tác động xã hội và các vấn đề quản trị. CG và CSR đã nổi lên như những khuôn khổ chính để giải quyết những thách thức này và thúc đẩy sự bền vững trong lĩnh vực dầu khí (Dudin và cộng sự, 2019, Lu và cộng sự, 2019, Litvinenko, 2020). Hiện CG đề cập đến hệ thống các quy tắc, thông lệ và quy trình mà một công ty dầu khí được chỉ đạo định hướng và kiểm soát, trong đó bao gồm các mối quan hệ giữa ban lãnh đạo công ty, hội đồng quản trị, các cổ đông và các bên liên quan khác. Việc CG đạt kết quả tốt là điều cần thiết để đảm bảo trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và hành vi đạo đức trong một đơn vị tổ chức (Larcker và Tayan, 2020, Puni và Anlesinya, 2020, Solomon, 2020).
Mặt khác, CSR liên quan đến việc tích hợp các mối quan tâm về xã hội và môi trường vào hoạt động kinh doanh của công ty dầu khí và tương tác với các bên liên quan song vượt xa việc tuân thủ quy định trong đó, bao gồm các hoạt động đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội và môi trường (Aluchna và Roszkowska-Menkes, 2019, Fatima và Elbanna, 2023, Nave và Ferreira, 2019). Trong lĩnh vực dầu khí, CG và CSR đặc biệt quan trọng do lĩnh vực này có tác động đáng kể đến môi trường và xã hội. Tất cả các vấn đề như biến đổi khí hậu, vi phạm nhân quyền và sự tham gia của cộng đồng đã gây áp lực buộc các công ty dầu khí phải áp dụng các biện pháp thực tiễn có trách nhiệm hơn (Alshbili, Elamer và Beddewela, 2020, Chowdhury và cộng sự, 2019, Shah và cộng sự, 2022). Do vậy, đánh giá này còn nhằm mục đích cung cấp một phân tích toàn diện về các xu hướng, thách thức hiện tại và các thực tiễn tốt nhất đối với CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí, đồng thời sẽ khám phá sự phát triển lịch sử của những khái niệm này, xem xét các thực tiễn và sáng kiến hiện tại, đồng thời xác định các cơ hội và thách thức trong tương lai. Thông qua phương cách xem xét sự giao thoa giữa CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí, đánh giá này cũng còn nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm trong việc đảm bảo tính bền vững của lĩnh vực dầu khí, đồng thời cũng nhằm mục đích cung cấp những hiểu biết sâu sắc và khuyến nghị cho các bên liên quan trong lĩnh vực dầu khí để nâng cao nỗ lực CG và CSR của họ.
Quan điểm lịch sử
Hiện quan điểm lịch sử về CG và CSR vì sự bền vững trong lĩnh vực dầu khí bắt nguồn từ sự phát triển của các kỳ vọng xã hội, khuôn khổ pháp lý và thông lệ của lĩnh vực này. Trong lịch sử, lĩnh vực dầu khí có đặc điểm là tập trung vào tối đa hóa lợi nhuận và hiệu quả hoạt động, thường phải trả giá bằng các cân nhắc về môi trường và xã hội (Banerjee, 2020, ElAlfy và cộng sự, 2020, Isallah, 2023). Tuy nhiên, qua nhiều năm, người ta ngày càng nhận thức được nhu cầu thực tiễn bền vững hơn trong lĩnh vực dầu khí. Một trong những cột mốc quan trọng đầu tiên đối với quá trình phát triển CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí là việc thiết lập Nguyên tắc xích đạo (equator principles, 2003) được phát triển bởi một nhóm các tổ chức tài chính nhằm đảm bảo các khoản đầu tư của họ vào các dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn cho việc tài trợ dự án có trách nhiệm và giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CSR trong lĩnh vực công nghiệp (Dashwood, 2020, Gangi và cộng sự, 2019, Gyane, 2019).
Một bước phát triển quan trọng khác là sự xuất hiện của Hiệp ước toàn cầu (United Nations global compact-UNGI, 2000) của Liên hợp quốc, khuyến khích các công ty dầu khí điều chỉnh hoạt động và chiến lược của mình theo mười nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi trong các lĩnh vực nhân quyền, lao động, môi trường và phòng chống tham nhũng đi cùng với mục tiêu theo đuổi lợi nhuận. Hiệp ước do Liên Hợp Quốc chủ trương và thúc đẩy các hoạt động đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Kể từ đó, nhiều công ty dầu khí đã trở thành thành viên của UNGI, thể hiện cam kết của họ đối với các hoạt động kinh doanh mang tính trách nhiệm cao. Trong những năm gần đây, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực dầu khí ngày càng được chú trọng, một phần là do sự xuất hiện của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc (2015) khi SDGs cung cấp khuôn khổ để các công ty dầu khí điều chỉnh các nỗ lực phát triển bền vững của họ với các ưu tiên toàn cầu, bao gồm hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và cộng đồng bền vững. Nhìn chung, sự phát triển lịch sử của CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí phản ánh sự thay đổi theo hướng thực tiễn bền vững hơn và nhận thức được nhu cầu cân bằng các cân nhắc về kinh tế-xã hội và môi trường. Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ song vẫn còn đó những thách thức, bao gồm nhu cầu về tính minh bạch cao hơn, cải thiện sự tham gia của các bên liên quan cũng như cơ chế giám sát và báo cáo mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực dầu khí (Elalfy, Weber và Geobey, 2021, Tetteh, Agyenim-Boateng và Simpson, 2024, Titova, Cherepovitsyna và Guseva, 2023).
Hiện CG trong lĩnh vực dầu khí đã phát triển đáng kể theo thời gian, phản ánh các xu hướng rộng hơn về quản trị doanh nghiệp trên toàn cầu. Trong những ngày đầu của lĩnh vực dầu khí, cơ cấu quản trị thường đơn giản và không chính thức, quyền đưa ra quyết định tập trung vào tay một số cá nhân lãnh đạo chủ chốt, điển hình là những người sáng lập hoặc cổ đông lớn. Khi các công ty dầu khí này phát triển về quy mô và độ phức tạp, người ta ngày càng nhận thức được sự cần thiết của các cơ chế quản trị chính thức hơn để đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và bảo vệ lợi ích của các cổ đông (Adams, et. al., 2019, Solomon, 2020, Zaman, và cộng sự, 2022). Một trong những động lực chính dẫn đến sự thay đổi đối với CG trong lĩnh vực dầu khí là sự nổi bật ngày càng tăng của các tổ chức đầu tư. Khi các tổ chức đầu tư trở thành cổ đông lớn của nhiều công ty dầu khí, họ bắt đầu thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn trong thực tiễn quản trị doanh nghiệp, điều này dẫn đến việc áp dụng các cơ cấu quản trị doanh nghiệp chính thức, chẳng hạn như thành lập hội đồng quản trị độc lập và phát triển bộ quy tắc ứng xử và đạo đức doanh nghiệp (Alshbili, Elamer và Beddewela, 2020, Dyck và cộng sự, 2019, Mees và Smith, 2019).
Một bước phát triển quan trọng khác trong quá trình phát triển CG trong lĩnh vực dầu khí là việc ngày càng tập trung hơn vào các vấn đề bền vững và môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Hiện khi lĩnh vực dầu khí bị giám sát chặt chẽ về tác động môi trường, thì ngày càng có nhiều nhận thức về sự cần thiết của các công ty dầu khí trong việc áp dụng các hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm, điều này đã dẫn đến sự phát triển của các khuôn khổ quản trị kết hợp các cân nhắc về ESG vào quá trình ban hành các quyết sách (Karwowski và Raulinajtys-Grzybek, 2021, Palacios, 2021, Shah, và cộng sự, 2022).
Được ban hành để đối phó với các vụ bê bối kế toán tài chính doanh nghiệp, bao gồm cả những vụ bê bối trong lĩnh vực năng lượng như Công ty dầu khí Enron (Hoa Kỳ, 2001), các bước đi hành động trên đã tác động đáng kể đến hoạt động quản trị doanh nghiệp bằng cách yêu cầu các công ty dầu khí tăng cường công bố thông tin tài chính và kiểm soát nội bộ. Mặc dù không chỉ dành riêng cho lĩnh vực dầu khí, đạo luật Cải cách và bảo vệ người tiêu dùng của Phố Wall (Dodd-Frank Wall street reform and consumer protection Act, Hoa Kỳ, 2010) đã đưa ra một loạt cải cách nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch trên thị trường tài chính, tác động gián tiếp đến lĩnh vực dầu khí. Tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu (global reporting initiative-GRI) là một tổ chức giúp đỡ doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức nắm bắt và công bố mức độ ảnh hưởng của việc kinh doanh đến các vấn đề phát triển bền vững cấp thiết, đã phát triển một bộ hướng dẫn về báo cáo bền vững mà nhiều công ty dầu khí hiện sử dụng để báo cáo về hiệu quả hoạt động ESG của họ (Baker, Purda và Saadi, 2020, Kabeyi, 2020, Kiranmai và Mishra, 2022). Lĩnh vực dầu khí cũng chịu ảnh hưởng của các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của OECD, trong đó cung cấp các hướng dẫn về thông lệ quản trị tốt cũng như đã phát triển các sáng kiến dành riêng cho lĩnh vực của mình, chẳng hạn như Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (CH Na Uy) nhằm mục đích thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu về quản lý tốt các nguồn tài nguyên dầu, khí đốt và khoáng sản và thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các lĩnh vực công nghiệp khai thác, bao gồm cả lĩnh vực dầu khí. Nhìn chung, sự phát triển của quản trị doanh nghiệp CG trong lĩnh vực dầu khí được đặc trưng bởi sự thay đổi theo hướng minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính bền vững cao hơn, được thúc đẩy bởi sự kết hợp của sự phát triển quy định, áp lực của nhà đầu tư và các sáng kiến của lĩnh vực này.
Sự phát triển của CSR trong lĩnh vực dầu khí
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong lĩnh vực dầu khí đã trải qua sự phát triển đáng kể, phản ánh những thay đổi về kỳ vọng của xã hội, mối quan tâm về môi trường và thông lệ của lĩnh vực này (Agudelo, Johannsdottir và Davidsdottir, 2020, Olanipekun, và cộng sự, 2020, Suska, 2021). Bài đánh giá này cũng khám phá bối cảnh lịch sử của các sáng kiến CSR trong lĩnh vực dầu khí cũng như xem xét những thay đổi trong các ưu tiên CSR và các lĩnh vực trọng tâm theo thời gian. Lĩnh vực dầu khí có lịch sử lâu dài về sự tham gia của cộng đồng và khu vực nơi hoạt động dầu khí triển khai, kể từ những ngày đầu thăm dò khai thác và sản xuất dầu khí. Tuy nhiên, khái niệm CSR như chúng ta hiểu ngày nay bắt đầu hình thành vào nửa sau Thế kỷ 20, chịu ảnh hưởng của các phong trào xã hội rộng lớn hơn và nhận thức về môi trường. Trong những năm 1960 và 1970, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường và các vấn đề công bằng xã hội bắt đầu gia tăng, điều này khiến các công ty dầu khí phải xem xét tác động của chúng đối với cộng đồng và môi trường.
Vào những năm 1970 cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của khái niệm “khả năng đáp ứng xã hội của doanh nghiệp”, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của các công ty dầu khí trong việc chủ động giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Vào những năm 1980 và 1990 đánh dấu thời kỳ tăng cường giám sát các hoạt động xã hội và môi trường của lĩnh vực dầu khí. Những sự cố lớn, chẳng hạn như vụ tràn dầu của tàu chở dầu Exxon Valdez (1989), đã thu hút sự chú ý đến tác động của lĩnh vực dầu khí đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Để phản ứng lại, các công ty dầu khí bắt đầu chính thức hóa các nỗ lực CSR của mình khi thành lập các bộ phận phòng ban và sáng kiến để giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội (Martiskainen, et. al., 2020, Park, Cuervo-Cazurra và Montiel, 2023, Sze, 2020).
Trong những thời gian ban đầu của CSR, trọng tâm chủ yếu là quản lý môi trường bởi do quan ngại về ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên. Do vậy, các công ty dầu khí bắt đầu đầu tư vào công nghệ tiên tiến và phương pháp thực tiễn để giảm tác động đến môi trường, chẳng hạn như triển khai hệ thống quản lý chất thải tốt hơn và giảm phát thải khí nhà kính GHG. Sau khi CSR phát triển, sự tham gia và phát triển của cộng đồng được chú trọng nhiều hơn. Hiện các công ty dầu khí bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với cộng đồng địa phương để tìm hiểu nhu cầu của họ và giúp giải quyết các vấn đề xã hội, chẳng hạn như giáo dục, y tế cộng đồng và phát triển cơ sở hạ tầng (Carmer, 2019, Österblom, et. al., 2022, Wei, et. al., 2021).
Vào cuối Thế kỷ 20 cũng đã chứng kiến sự tập trung ngày càng tăng vào các vấn đề nhân quyền trong lĩnh vực dầu khí. Các công ty dầu khí cũng chịu áp lực phải đảm bảo các hoạt động của họ đều tôn trọng quyền của người dân bản địa và các nhóm dễ bị tổn thương khác bị ảnh hưởng bởi hoạt động dầu khí của họ. Trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi theo hướng minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn trong thực tiễn CSR. Đối với các bên liên quan, bao gồm các nhà đầu tư, chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, đang yêu cầu công bố thêm thông tin về hiệu quả hoạt động xã hội và môi trường của các công ty dầu khí, dẫn đến những yêu cầu về báo cáo và công bố thông tin ngày càng gia tăng (Cole, 2022, Norouzi, Fani và Ziarani, 2020, Ruggie, 2020). Thế kỷ 21 cũng đã đem đến những thách thức mới cho lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là trước những tác động của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Hiện các công ty dầu khí đang chịu áp lực phải cắt giảm lượng khí thải carbon và đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tóm lại, sự phát triển của CSR trong lĩnh vực dầu khí phản ánh xu hướng rộng lớn hơn hướng tới trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và tính bền vững cao hơn trong hoạt động của doanh nghiệp dầu khí. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ song vẫn còn những thách thức và các công ty dầu khí vẫn sẽ cần tiếp tục điều chỉnh các chiến lược CSR của mình để đáp ứng những kỳ vọng ngày càng gia tăng của các bên liên quan và xã hội.
Link nguồn:
https://www.researchgate.net/publication/379429680_Corporate_governance_and_CSR_for_sustainability_in_Oil_and_Gas_Trends_challenges_and_best_practices_A_review