Phố Ba Cu ở Vũng Tàu hành trình gắn kết lịch sử với ngành Dầu khí

10:54 | 26/10/2024
Lượt xem: 463

Trải dài ven biển, đường Ba Cu (hay còn gọi phố Ba Cu) là một trong những nét đặc trưng của thành phố biển Vũng Tàu, đồng thời cũng là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá lịch sử dầu khí Việt Nam. Được đặt tên theo khu công nghiệp dầu khí của thế giới, phố Ba Cu mang đậm dấu ấn mối tình hữu nghị giữa Việt Nam - Azerbaijan và những người đã đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí nước nhà.

Một góc đường Ba Cu ngày nay nối dài ra biển tại Thành phố Vũng Tàu

Ba Cu là một trong những tuyến phố chính, sầm uất bậc nhất ở thành phố Vũng Tàu. Tên gọi tuyến phố này xuất phát từ mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Azerbaijan, vốn được đặt nền móng từ chuyến thăm Azerbaijan của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 23-7-1959. Bấy giờ, khi tới thăm Khu công nghiệp dầu mỏ ở thành phố Baku (Bacu) của Azerbaijan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí của Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”.

Đó là lời phát biểu mang tính khai sinh của ngành công nghiệp Dầu khí nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn rất xa khi nhận ra vai trò quan trọng của dầu khí đối với sự phát triển của đất nước ngay từ khi cả nước ta còn đang bộn bề lo toan cho các cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai để giành lại độc lập, tự do, thống nhất. Người đã đặt ra yêu cầu Việt Nam không chỉ khai thác được dầu khí mà còn phải xây dựng được một ngành công nghiệp dầu khí vững mạnh như Bacu. Tầm nhìn xa trông rộng và mong ước của Người đã trở thành khát vọng, niềm tin và mục tiêu phấn đấu của bao thế hệ những “người đi tìm lửa”. Đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn 60 năm qua.

Theo một số tài liệu, dầu khí đã được phát hiện tại Bacu từ thế kỷ thứ VIII. Đến thế kỷ thứ XV, người dân Bacu đã biết khai thác dầu khí từ các mỏ lộ thiên và mỏ nông để cung cấp cho thị trường. Sang thế kỷ thứ XIX, Bacu đã có số lượng giếng dầu khổng lồ nằm trên những mỏ dầu lớn nhất thế giới. Khi Azerbaijan gia nhập Liên bang Xô viết, Bacu trở thành trung tâm công nghiệp dầu khí của Liên Xô. Đây cũng là nơi có Trường Đại học Dầu - Hóa Bacu, trường đại học số 1 về công nghiệp dầu khí của Liên Xô và cũng là trường đại học nổi tiếng thế giới khi đó.

Đường Ba Cu ở Vũng Tàu và đường Vũng Tàu ở thủ đô Bacu của Azerbaijan

Đáp lại lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chuyên gia Liên Xô đã rất tích cực hỗ trợ Việt Nam đặt nền móng cho ngành công nghiệp dầu khí. Ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất nước ta ra quyết định thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa, số hiệu 36 (thường gọi là Đoàn Địa chất 36) với nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở các vùng biển Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô. Năm 1966, 8 lưu học sinh Việt Nam đầu tiên được đưa sang học tập tại Trường Đại học Dầu - Hóa Bacu. Sau đó, cùng với sự lớn mạnh của ngành Dầu khí Việt Nam, số lượng du học sinh Việt Nam sang Azerbaijan theo học đại học chuyên ngành dầu khí cũng ngày càng tăng. Những du học sinh ấy sau này đều trở thành chuyên gia, nhà lãnh đạo giỏi của ngành công nghiệp dầu khí nước ta.

Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, khi thành phố Vũng Tàu được định hình thành trung tâm dầu khí của Việt Nam, tương tự như thành phố Bacu của Azerbaijan (Liên Xô), nhân dịp Vũng Tàu và Bacu kết nghĩa, phố Nguyễn Thái Học - tuyến phố chính của Vũng Tàu - đã được đổi tên thành phố Ba Cu (tên phiên âm tiếng Việt của thành phố Bacu). Đồng thời, thành phố Bacu cũng quyết định đặt tên một tuyến phố tại đây là Vungtau.

Ngày nay, phố Ba Cu không chỉ là một con phố đơn thuần mà còn là biểu tượng văn hóa, kiến trúc đặc trưng của Vũng Tàu. Phố Ba Cu không chỉ là nơi để nhớ về quá khứ mà còn là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp dầu khí tại Việt Nam. Từ những năm đầu khi dầu khí Vũng Tàu chỉ là một ngành nghề mới, cho đến nay, đây đã là một trong những địa điểm có vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của cả nước.

Từ tầm nhìn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô, Azerbaijan, ngành công nghiệp Dầu khí nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước nhà, mang lại nguồn thu ngoại tệ cực kỳ quan trọng để nước ta nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ, vượt qua những năm khó khăn thời kinh tế bao cấp, xây dựng lại đất nước sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giờ đây, Đoàn Địa chất 36 nhỏ bé ngày nào đã vươn mình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) với tổng tài sản hợp nhất gần 43 tỉ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất xấp xỉ 23 tỉ USD cùng đội ngũ cán bộ, công nhân viên gần 60.000 người đang miệt mài cống hiến ở tất cả các lĩnh vực của chuỗi giá trị dầu khí không chỉ trong nước mà còn vươn ra toàn cầu.

Ông Trần Văn Hồi - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro xúc động nhớ lại: Năm 2005 chúng tôi đón chị Phạm Thị Xuân Phương (là thư ký và phiên dịch cho Bác tại Bacu năm 1959) vào thăm Vũng Tàu, nhân dịp Vietsovpetro khai thác tấn dầu thứ 150 triệu và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Chị rất vui mừng khi thấy lời Bác căn dặn và mong muốn đã được thực hiện. Chị đã gặp mặt những người làm dầu khí Việt - Nga, đã cùng các bạn Liên Xô và những đồng nghiệp dầu khí ở Vũng Tàu đi trên đường Ba Cu trong niềm hân hoan vui mừng về hành trình gắn kết lịch sử dầu khí của nước nhà. Và vừa qua tại Vũng Tàu, Liên doanh Vietsovpetro đã tổ chức lễ mừng công đón tấn dầu thứ 250 triệu, điều đó một lần nữa khẳng định “Người dầu khí đã hoàn thành tốt mong ước của Bác”.

Phố Ba Cu ở Vũng Tàu là minh chứng ghi lại sự phát triển mạnh mẽ của ngành Dầu khí Việt Nam. Qua nét đẹp kiến trúc cổ điển, sự pha trộn văn hóa ẩm thực và hành trình vươn mình của những con người từng đến đây, phố Ba Cu gắn kết lịch sử với hiện tại, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng những ai đã từng ghé qua và yêu thích Vũng Tàu, để thấy được sự lớn mạnh của ngành công nghiệp Dầu khí nước nhà trong “Hành trình gắn kết lịch sử, giúp ngành Dầu khí Việt Nam vươn mình, phát triển lên một tầm cao mới”.

Phố Ba Cu không chỉ là nơi để nhớ về quá khứ mà còn là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp dầu khí tại Việt Nam. Từ những năm đầu khi dầu khí Vũng Tàu chỉ là một ngành nghề mới, cho đến nay, đây đã là một trong những địa điểm có vai trò quan trọng trong ngành năng lượng của cả nước.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp