Điện khí tăng trưởng âm
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống tăng trưởng cao, tăng khoảng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái với sản lượng đạt khoảng 151,69 tỷ kWh. Tuy nhiên, về mặt cơ cấu cũng có sự thay đổi mạnh, trong đó thủy điện (28,62 tỷ kWh, chiếm 18,9%), nhiệt điện than (86,4 tỷ kWh, chiếm 57%), tua bin khí (13,08 tỷ kWh, chiếm 8,6%), năng lượng tái tạo (20,67 tỷ kWh, chiếm 13,6%), và các nguồn khác (2,92 tỷ kWh, chiếm 1,9%).
Trong cơ cấu trên, có thể thấy, sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là điện than, với tỷ trọng tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, điện khí suy giảm mạnh cả về tỷ trọng và số tuyệt đối. Nếu 6 tháng đầu năm 2023, điện khí đóng góp khoảng 15,43 tỷ kWh, chếm tỷ trọng khoảng 11,5%, thì nửa đầu năm nay giảm hơn 2 tỷ kWh xuống còn 13,08 tỷ kWh với tỷ trọng chỉ còn khoảng 8,6%. Như vậy, điện khí đã tăng trưởng âm và giảm sâu nhất so với các nguồn điện khác.
Điện khí tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2024
Điều này kéo theo tiêu thụ khí trong 6 tháng đầu năm nay cũng giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 3,6 tỷ m3, trong đó bao gồm cả khí nội địa và LNG nhập khẩu bổ sung, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ. Tình hình này không chỉ diễn ra mới đây mà thực tế, huy động/tiêu thụ khí đã liên tục sụt giảm với tốc độ ngày càng cao, từ đỉnh điểm tiêu thụ khí năm 2019 đạt gần 10 tỷ m3 thì trong các năm gần đây đã giảm còn khoảng 7-8 tỷ m3 và trong năm 2024 dự kiến giảm xuống dưới 7 tỷ m3.
Các chuyên gia dự báo, trong những tháng cuối năm, việc huy động điện khí sẽ tiếp tục sụt giảm, do vào mùa mưa, thủy điện thường sẽ là nguồn được tăng cường ưu tiên huy động.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết, từ khoảng tháng 6 đến nay, sản lượng huy động khí cho điện rất thấp, liên tục sụt giảm. Trong tháng 8 có những thời điểm sản lượng tiêu thụ khí của các nhà máy điện chỉ bằng khoảng 23% so với thời cao điểm và chỉ bằng khoảng 36% so với khả năng cấp khí của PV GAS. Việc huy động khí cho điện thấp và không ổn định sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác, cũng như hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong chuỗi khí, điện.
Cần tầm nhìn xa
Việc sản lượng và tỷ trọng điện khí trong cơ cấu điện quốc gia liên tục suy giảm đang đi ngược lại với các định hướng chiến lược đề ra. Trong các mục tiêu chiến lược năng lượng quốc gia, công nghiệp điện khí được xác định có vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh thủy điện gần hết dư địa phát triển, điện than sẽ không được phát triển sau năm 2030. Với dải công suất lớn, tính ổn định cao, không chịu tác động bởi các yếu tố thời tiết, điện khí được đánh giá là nguồn điện sẽ gánh vác vai trò “trụ đỡ” đảm bảo sự ổn định, an toàn cho hệ thống điện. Đặc biệt là, điều tiết cho các nguồn năng lượng tái tạo với đặc tính không ổn định, phát triển với tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nguồn điện. Việc phát triển điện khí, cũng góp phần vào việc thực hiện mục tiêu cam kết của Chính phủ tại COP26 là đạt Net Zero vào năm 2050.
Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mục tiêu đưa ra là đủ năng lực nhập khẩu khí LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Còn theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, tỷ lệ điện khí nói chung, điện LNG nói riêng sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Cụ thể, đến năm 2030, điện khí và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, trong đó nhiệt điện khí là 14.930 MW, chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là gần 22.500 MW, chiếm 14,9%.
Việc phát triển các dự án điện khí đang chậm so với các mục tiêu chiến lược đề ra
Tuy nhiên có thể thấy tình hình huy động điện khí thấp, không ổn định như hiện nay là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào các dự án điện khí, để đáp ứng theo các mục tiêu chiến lược đề ra.
Về tình hình thực hiện các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quy hoạch, tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí trong nước là 7.900 MW (10 dự án) và tổng công suất nhà máy điện sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án). Đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất 1 nhà máy đã đưa vào vận hành là Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (660 MW). Hai dự án đang xây dựng là Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 (tổng công suất 1.624 MW). Theo các chủ đầu tư, các dự án này đều có các vướng mắc trong quá trình đàm phán và chưa thể ký được hợp đồng mua bán điện (PPA). Việc không có cơ chế bao tiêu sản lượng điện dài hạn hoặc cam kết sản lượng điện phát hàng năm dài hạn làm các dự án nhà máy điện sử dụng LNG khó có thể đảm bảo khả năng thu hồi vốn cũng như hiệu quả dự án, do vậy các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn để triển khai dự án.
Ông Ngô Thường San, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Dầu khí Việt Nam nhận định, “Phát triển các dự án khai thác khí liên quan đến hộ tiêu thụ trên đất liền. Muốn thu hút đầu tư khai thác mà giá điện không ổn định, không có đầu ra thì không ai dám đầu tư. Do đó, cần phải nghĩ lâu dài chứ không chỉ “ăn xổi”, bởi công nghiệp khí là rất quan trọng như các mục tiêu chiến lược quốc gia đã chỉ ra, khi có chính sách tạo điều cho điện khí phát triển thì nó đẩy mạnh những ngành công nghiệp khác, như thăm dò khai thác phát triển đem lại nguồn thu cho đất nước, bù lại giá điện chênh lệch và thực hiện các mục tiêu quốc gia về năng lượng.”
Phát triển điện khí góp phần đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên Dầu khí của đất nước
Có thể thấy, để phát triển điện khí, đáp ứng các mục tiêu chiến lược đề ra cần cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho điện khí, đặc biệt là cơ chế giá, bao tiêu. Và không chỉ nhìn ở những lợi ích trước mắt về giá điện mà cần có tầm nhìn rộng và xa hơn về mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng hợp lý tài nguyên khí, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh của đất nước phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.