Tiên phong hội nhập
Ngay từ thập kỷ 50-60 của thế kỷ XX, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược về ngành công nghiệp dầu khí. Người nhận thấy rằng, xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí mạn sẽ là nền tảng quan trọng cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước. Từ đó, ngành Dầu khí Việt Nam đã bắt đầu những bước đi đầu tiên, và sự hợp tác quốc tế, đặc biệt với Liên Xô, đã đóng vai trò quan trọng trong những năm đầu hình thành.
Mối quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam và Liên Xô không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về kỹ thuật mà còn giúp phát triển nền tảng cho ngành Dầu khí Việt Nam, thông qua các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ. Vào năm 1981, Liên doanh Vietsovpetro giữa Việt Nam và Liên Xô được thành lập, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc tế của ngành Dầu khí Việt Nam. Liên doanh này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí mà còn tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia sản xuất dầu khí.
Đại diện của 2 Chính phủ Liên Xô và Việt Nam ký Hiệp định thành lập Vietsovpetro ngày 19/6/1981.
Trong những năm sau khi đất nước thống nhất, Petrovietnam tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, không chỉ với Liên Xô mà còn với các quốc gia và tổ chức khác. Trong giai đoạn 1988-1990, Petrovietnam đã ký kết 7 hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) với các công ty dầu khí quốc tế hàng đầu, tạo nền tảng cho các hợp đồng lớn sau này. Đến năm 1992, Petrovietnam đã ký hàng chục hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với các đối tác quốc tế, thể hiện rõ chiến lược đối ngoại của Việt Nam về hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế.
Việc gia nhập ASEAN vào năm 1995 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành Dầu khí Việt Nam. Petrovietnam không chỉ mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực mà còn đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn của Hoa Kỳ. Giai đoạn này đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của Petrovietnam trong việc tìm kiếm cơ hội và đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở các quốc gia như Liên bang Nga, Malaysia và Algeria. Đặc biệt, vào tháng 9/2006, Petrovietnam đã khai thác thành công tấn dầu thô đầu tiên tại Malaysia, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc đầu tư ra nước ngoài.
Trong giai đoạn 2006-2007, Petrovietnam hoàn thành chiến lược đầu tư ra nước ngoài và xây dựng nền tảng ngoại giao dầu khí. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các bộ, ngành, hoạt động đầu tư quốc tế của Petrovietnam đã thu được nhiều thành công, góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu khí của ngành và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh việc mở rộng hợp tác đầu tư, Petrovietnam cũng tích cực tham gia vào các diễn đàn, hội nghị quốc tế về năng lượng và dầu khí, đóng góp vào các thảo luận về các vấn đề quan trọng của ngành. Kể từ khi gia nhập Hội đồng Dầu khí các quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) vào năm 1996, Petrovietnam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của ASCOPE, góp phần xây dựng hình ảnh của Việt Nam trong cộng đồng dầu khí quốc tế.
Petrovietnam tham gia Diễn đàn các nhà lãnh đạo ASCOPE năm 2024 tại Indonesia.
Năm 2024 chứng kiến hàng loạt hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), khẳng định vị thế là đối tác tin cậy trong lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi số. Từ các thỏa thuận với những tập đoàn hàng đầu Trung Đông, Nhật Bản đến những bước đi chiến lược trong chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, Petrovietnam đã và đang xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Củng cố nền tảng, mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu
Năm vừa qua, một trong những dự án dầu khí trọng điểm quốc gia, chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, đã có những bước tiến đáng ghi nhận nhờ sự phối hợp tích cực, thường xuyên giữa Petrovietnam và các đối tác Nhật Bản là Mitsui và MOECO, nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Với sự hợp tác, trao đổi thường xuyên giữa các bên, các thủ tục pháp lý quan trọng đã được hoàn thành, tạo tiền đề để dự án tiến tới các mốc triển khai theo kế hoạch.
Mối quan hệ bền chặt giữa Petrovietnam và Hàn Quốc cũng tiếp tục được thắt chặt với Biên bản ghi nhớ ký kết cùng Tổ chức Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (K-SURE) vào tháng 6/2024 vừa qua. K-SURE đã có những cam kết hỗ trợ tài chính cho các dự án trọng điểm của Petrovietnam như Nhà máy điện Sông Hậu 1 và Nhơn Trạch 3&4. K-SURE cũng bày tỏ mong muốn đồng hành với tập đoàn trong các dự án dầu khí và năng lượng mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác năng lượng giữa Petrovietnam và các đối tác Trung Đông cũng được nâng lên tầm cao mới, sau chuyến công tác của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn tại khu vực Trung Đông vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 vừa qua, bao gồm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - UAE tại Dubai và Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) lần thứ 8 tại Riyadh, Saudi Arabia.
Lễ ký kết Thỏa thuận khung hợp tác giữa Petrovietnam và Saudi Aramco.
Tâm điểm chuyến công tác là việc ký kết thỏa thuận khung hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ả Rập Xê-út (Saudi Aramco). Theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác trong kinh doanh các sản phẩm dầu khí, hóa dầu và xây dựng kho chứa năng lượng. Đây không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Petrovietnam và Saudi Aramco mà còn mở ra cơ hội phát triển chuỗi giá trị hạ nguồn trên toàn cầu, với trọng tâm là thị trường Việt Nam. Trong chuyến công tác này, lãnh đạo Petrovietnam cũng đã có buổi làm việc với Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) và Qatar Energy, các đối tác tiềm năng trong việc tăng cường hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Trung Đông.
Trước đó, vào tháng 3/2024, trong chuyến công tác của Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan đến thăm và làm việc tại Petrovietnam, Uzbekistan cũng đã khẳng định Petrovietnam là đối tác tiềm năng tại Đông Nam Á, đồng thời bày tỏ mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy các dự án chung trong lĩnh vực dầu khí. Mối quan hệ này không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ truyền thống 30 năm giữa hai nước mà còn mở ra những cơ hội hợp tác mới trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao.
Tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, trở thành điểm sáng trong chiến lược phát triển của Petrovietnam.
Mới đây, tại Malaysia, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Petrovietnam và Tập đoàn Petronas đã trao Bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng tái tạo. Trong hơn 30 năm qua, Petrovietnam và Petronas đã hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực dầu khí ở cả thượng nguồn và hạ nguồn, cùng vượt qua những thăng trầm của ngành công nghiệp dầu khí và trở thành đối tác tin cậy. Hiện nay, Petrovietnam và Petronas đã và đang phối hợp chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin, kiến thức, cũng như kinh nghiệm thực tế mà hai bên cùng quan tâm trong các lĩnh vực dầu khí truyền thống và lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ mới trong giảm phát thải CO2.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng (trái) và Tổng Giám đốc Petronas Tengku Taufik trao Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Tập đoàn về năng lượng tái tạo.
Trước đó, vào tháng 3/2024, Thỏa thuận hợp tác giữa Petrovietnam và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về điện gió, cũng đã mở ra cơ hội chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đồng thời, Equinor (Na Uy) cũng cam kết hỗ trợ toàn diện Petrovietnam từ nghiên cứu, quy hoạch đến triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt 6.000 MW công suất điện gió vào năm 2030 của Việt Nam.
Những nỗ lực này không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của Petrovietnam trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, mà còn thể hiện quyết tâm vươn tầm khu vực trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng mới.
Những bước đột phá trong chuyển đổi số
Năm 2024, Petrovietnam cũng đã ghi dấu ấn quan trọng trên hành trình chuyển đổi số với việc ký kết hai Biên bản ghi nhớ (MOU) với General Electric (GE) và Kellogg Brown & Root (KBR) - những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng.
Thỏa thuận với GE tập trung vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành các dự án năng lượng, giúp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và vận hành. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ GE hứa hẹn tạo ra các giải pháp công nghệ thông minh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho Petrovietnam trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, KBR mang đến các giải pháp tiên tiến trong chuyển đổi năng lượng, nhấn mạnh vào việc giảm phát thải carbon và phát triển nhiên liệu bền vững. Đây là cơ hội để Petrovietnam tiếp cận các công nghệ xanh, hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường.
Buổi thảo luận giữa lãnh đạo Petrovietnam và KBR về việc triển khai các nội dung trong Bản ghi nhớ hợp tác.
Những kỳ vọng về hợp tác trong tương lai
Petrovietnam tiếp tục khẳng định vai trò đối tác chiến lược trên trường quốc tế khi nhận được sự đánh giá cao từ nhiều tập đoàn lớn. Trong khuôn khổ Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) tại Saudi Arabia, thỏa thuận khung hợp tác giữa Petrovietnam và Saudi Aramco không chỉ được hai bên đánh giá là nền tảng vững chắc cho chuỗi giá trị dầu khí mà còn là dấu mốc quan trọng trong chiến lược mở rộng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông. Saudi Aramco bày tỏ kỳ vọng Petrovietnam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thị trường Việt Nam với chuỗi cung ứng dầu khí toàn cầu của Tập đoàn.
Tập đoàn Equinor của Na Uy đánh giá cao vai trò của Petrovietnam trong tiến trình chuyển dịch năng lượng tại khu vực. Với kinh nghiệm hàng đầu về điện gió ngoài khơi, Equinor cam kết hỗ trợ toàn diện từ việc chia sẻ công nghệ, tư vấn quy hoạch đến triển khai dự án. Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cũng nhận định Petrovietnam là đối tác quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương trong lĩnh vực năng lượng.
Tương tự, Tập đoàn General Electric (GE) và Kellogg Brown & Root (KBR) của Mỹ kỳ vọng mối quan hệ hợp tác chiến lược với Petrovietnam sẽ giúp tăng tốc chuyển đổi số và phát triển các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam. Đây được xem là những bước đi quan trọng, không chỉ nâng cao năng lực công nghệ mà còn thúc đẩy Petrovietnam vươn ra thị trường quốc tế.
Tổ chức Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (K-SURE) cũng đã tái khẳng định cam kết đồng hành với Petrovietnam thông qua các giải pháp tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các dự án trọng điểm. Ông Jang Youngjin, Chủ tịch K-SURE, đánh giá Petrovietnam là đối tác đáng tin cậy trong khu vực và kỳ vọng sự hợp tác sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Lãnh đạo Petrovietnam trong chuyến công tác tại công trường lắp ráp dự án điện gió ngoài khơi đế nổi Hywind Tampen của Equinor tại Gulen, Na Uy.
Các đối tác quốc tế đồng loạt đánh giá Petrovietnam không chỉ là một tập đoàn dầu khí mạnh trong khu vực mà còn là một nhân tố quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Với chiến lược hợp tác bài bản, Petrovietnam đang thu hút sự chú ý và kỳ vọng lớn từ các đối tác, sẵn sàng đón nhận cơ hội để phát triển bền vững và khẳng định vị thế trong ngành năng lượng thế giới.
Những kết quả hợp tác quốc tế trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, không chỉ là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Petrovietnam mà còn thể hiện vai trò tiên phong của Tập đoàn trong chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững tại Việt Nam. Thông qua việc mở rộng hợp tác với các đối tác toàn cầu, Petrovietnam đang từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hướng tới một tương lai phát triển bền vững./.