Tham dự buổi làm việc có các Thành viên HĐTV Petrovietnam: Bùi Minh Tiến, Nguyễn Văn Mậu, Phạm Tuấn Anh; Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên; cùng đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn. Về phía VPI có TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng; cùng các Phó Viện trưởng VPI và lãnh đạo các Trung tâm của VPI.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc cùng Viện Dầu khí Việt Nam về các giải pháp Trí tuệ nhân tạo (AI).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được định hướng và đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu trong những năm tới. Bởi vậy, việc tiên phong ứng dụng các giải pháp Trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành và xã hội là tất yếu.
Tại hội nghị, các chuyên gia của VPI đã trình bày 4 chủ đề, gồm: Ứng dụng AI hỗ trợ triển khai chiến lược Petrovietnam; Xu thế phát triển của AI và thế giới/kinh tế số; Ứng dụng AI trong Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng; Triển khai ứng dụng AI.
Trong đó, VPI giới thiệu cụ thể các ứng dụng AI/Machine Learning (AI/ML) trong tìm kiếm thăm dò dầu khí: Dựa trên phân tích dữ liệu để thực hiện các hoạt động tìm kiếm thăm dò hiệu quả và chính xác; Tăng cường hiểu biết đặc tính vỉa chứa của các đối tượng chứa mới; Nâng cao độ chính xác và giảm thiểu rủi ro, chi phí liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò; Tối ưu hóa chiến lược thăm dò và quy trình ra quyết định. Hiện nay, VPI đang triển khai bản sao số cho các bể trầm tích giúp làm sáng tỏ đặc tính vỉa chứa, xác định khu vực tiềm năng và giảm thiểu rủi ro thất bại; Minh giải tự động từ tài liệu địa vật lý giếng khoan và mẫu lõi.
Về ứng dụng AI/ML trong lĩnh vực khai thác dầu khí giúp gia tăng sản lượng (tối ưu khai thác và hệ số thu hồi dầu, quản trị rủi ro trong quá trình khai thác, các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR)) và tối ưu chi phí. VPI đang triển khai xây dựng bản sao số cho các mỏ dầu khí, các bể trầm tích của Việt Nam để tối ưu hóa chiến lược khai thác, quản lý, cho phép giám sát theo thời gian thực, ra quyết định nhanh, chính xác và cải thiện hiệu quả quản lý và khai thác mỏ dầu khí; Quản trị sản lượng; Tối ưu phân bổ Gas-lift; Ứng dụng hỗ trợ quản lý, theo dõi chế độ làm việc và phát hiện bất thường của giếng khai thác...
Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức giới thiệu các nghiên cứu ứng dụng AI trong Petrovietnam.
Về ứng dụng AI trong lĩnh vực chế biến dầu khí, VPI cho biết, mục tiêu là tích hợp và kéo dài chuỗi giá trị, vận hành hiệu quả các công trình hiện hữu. Cụ thể là tích hợp đa chiều - quản trị sự thay đổi theo thời gian thực để mô phỏng, sàng lọc các kịch bản phát triển tích hợp tài sản mới và hiện hữu hiệu quả; Ứng dụng AI tối ưu hiệu suất sản phẩm, năng lượng; Xây dựng báo cáo tự động cập nhật xu hướng công nghệ; So sánh đánh giá các kịch bản cho dự án Tổ hợp lọc hóa dầu - năng lượng... Ngoài ra, các chuyên gia VPI cũng đang nghiên cứu ứng dụng AI trong phân phối các dạng năng lượng: Bản sao số trong vận chuyển sản phẩm qua đường ống; Ứng dụng bản sao số trong phân phối, vận chuyển ngoài đường ống; Điều phối xe vận chuyển CNG...
Tại hội nghị, lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời cũng báo cáo tiến độ triển khai các ứng dụng AI trong hoạt động chuyên môn. Các đồng chí Thành viên HĐTV Petrovietnam: Bùi Minh Tiến, Nguyễn Văn Mậu, Phạm Tuấn Anh và Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên cũng thống nhất cần phải đẩy mạnh công tác xây dựng lộ trình, chiến lược triển khai các ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao sự chủ động và những nỗ lực của VPI trong nhiều năm qua đã triển khai các giải pháp AI nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn. Khẳng định chuyển đổi số là xu hướng và bắt buộc phải thực hiện, đồng chí Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, "chúng ta đã xây dựng và phê duyệt chiến lược chuyển đổi số của Tập đoàn, trong đó có tầm nhìn số, sáng kiến số và đề ra lộ trình chuyển đổi số rất bài bản, có tư vấn, đánh giá và báo cáo đầy đủ".
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu cán bộ lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất chung trong triển khai ứng dụng AI trong các hoạt động của Tập đoàn; Quán triệt tư tưởng, quan điểm của Tập đoàn về mục tiêu chuyển đổi số với mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu quốc gia; Xây dựng quản trị tri thức ngành Dầu khí mà một trong những giải pháp đột phá là đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Tập đoàn cũng yêu cầu rà soát lại việc tổ chức, chiến lược thực hiện, mô hình quản trị, nghiên cứu thành lập trung tâm chuyển đổi số - lựa chọn, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực tinh, chuyên cho trung tâm chuyển đổi số; đồng thời, rà soát, sửa đổi hệ thống chính trị theo hướng chuẩn hoá, tập trung giải quyết vướng mắc trong triển khai chuyển đổi số; triển khai xây dựng quy chế phát triển và ứng dụng AI.
Về mặt kế hoạch, trên cơ sở báo cáo của VPI, cần lựa chọn xây dựng triển khai AI. Trong đó, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đề nghị lựa chọn ứng dụng trong quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện kế hoạch, triển khai chiến lược Tập đoàn; Thứ hai là dự báo, quản trị rủi ro; Thứ ba là hệ thống, chuẩn hoá các loại báo cáo; Thứ tư là duyệt và trả lời công văn; Cuối cùng là đào tạo, đào tạo lại bằng AI.
Toàn cảnh buổi làm việc
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cũng chỉ đạo triển khai ngay ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực E&P (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí), đặc biệt là ứng dụng trong triển khai Dự án Lô B nhằm tiết kiệm thời gian triển khai các công tác liên quan; ứng dụng trong lĩnh vực lọc hoá dầu để nâng cao giá trị của các nhà máy.
Về mặt quản trị, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị, Ban điều hành, các ban chuyên môn, VPI xem xét, đánh giá về các thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai AI, xây dựng danh mục, kế hoạch và lộ trình phát triển ứng dụng AI và các công nghệ liên quan trong chuyển đổi số.
Ứng dụng AI trong thực hiện phương châm hành động của Petrovietnam:
Làm mới động lực cũ: Phân tích dữ liệu lớn phát hiện xu hướng, dự đoán thị trường hỗ trợ quản trị biến động; Tự động hóa quy trình giúp nhân lực tập trung vào các hoạt động giá trị cao; Bảo trì dự đoán, tối ưu hiệu quả sử dụng tài sản.
Tạo động lực mới: Khám phá các mô hình kinh doanh mới; Cá nhân hoá sản phẩm, dịch vụ; Phát triển sản phẩm hàng hoá, dịch vụ mới; Khai thác hiệu quả tài sản tri thức (dữ liệu và trí tuệ) của doanh nghiệp.
Phát triển bền vững: Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu lượng khí nhà kính (GHG); Giám sát môi trường và quản lý chất thải, giảm thiểu tác động môi trường; Phát triển các dạng năng lượng sạch.
|