Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp; tham dự có Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn; các thành viên trong HĐTV, Ban Tổng Giám đốc; đại diện các ban liên quan Tập đoàn.
HĐTV Petrovietnam họp, nghe báo cáo chuyên đề công tác tổ chức quản trị danh mục đầu tư tại Công ty Mẹ
Xây dựng kế hoạch đầu tư 2025 tăng gần 50% so với ước thực hiện 2024
Theo báo cáo của Ban Kinh tế - Đầu tư Petrovietnam, trong 10 tháng 2024, giá trị thực hiện đầu tư của Petrovietnam đạt khoảng 22,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó các lĩnh vực có tỷ lệ thực hiện đầu tư cao như công nghiệp điện, công nghiệp khí, E&P. Công tác đầu tư của Petrovietnam đã có nhiều bước tiến, tỷ lệ giải ngân đầu tư cao hơn mức trung bình cả nước. Ước cả năm 2024, giá trị giải ngân đầu tư của Tập đoàn đạt khoảng 33,76 nghìn tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư năm 2025, Tập đoàn đang xây dựng là 50,9 nghìn tỷ đồng, tăng 49,2% so với ước thực hiện năm 2024 và phấn đấu hoàn thành cao nhất, đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư cao hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư ở các lĩnh vực như công nghiệp khí, lọc hóa dầu.
Tập đoàn xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2025 không dàn trải, tập trung vào các chuỗi/dự án lớn với kế hoạch vốn khoảng 37,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 74% tổng kế hoạch vốn đầu tư của Tập đoàn trong năm, cụ thể như: Chuỗi dự án Lô B, các dự án E&P, Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3,4, dịch vụ dầu khí...
Công tác nhân sự đóng vai trò quan trọng
Tham gia đóng góp giải pháp cho các mục tiêu đầu tư trong của 2 tháng cuối năm 2024 và năm 2025, khối E&P nhận định là lĩnh vực đặc thù, mong muốn rút ngắn thời gian, tích hợp các thủ tục để tháo gỡ khó khăn. Khối công nghiệp khí và Lọc hóa dầu kiến nghị tăng cường phân cấp phân quyền với các dự án bắt buộc phải thực hiện, đi cùng kế hoạch giám sát triển khai. Các dự án cần thiết có xây dựng kế hoạch chi tiết và phân tích rủi ro tiềm ẩn để lường trước các vấn đề và kiểm soát.
Đại diện Ban Điện và Năng lượng tái tạo nhìn nhận vấn đề nhân sự tại các dự án có đặc thù khác với làm việc văn phòng, do đó, yêu cầu lãnh đạo dự án phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cấp ở dự án.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam cho rằng, cần đào tạo tốt hơn công tác nhân sự làm dự án, thành lập một đơn vị riêng chuyên về thực thi các công trình. Nhân lực là yếu tố quan trọng tạo nên thành công và đảm bảo tiến độ, hiệu quả của các dự án.
Các đại biểu đánh giá công tác nhân sự đóng vai trò quan trọng để tăng hiệu quả đầu tư
Ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam cho rằng, cần tối ưu hóa nguồn vốn, quản trị rủi ro, đảm bảo doanh nghiệp có hiệu quả thu về. Muốn phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, Tập đoàn cần có giải pháp về hệ thống quản trị đầu tư và các quy chế, quy định.
Qua thực tiễn các dự án, ông Sơn nhìn nhận, quan điểm chỉ đạo của Petrovietnam rất rõ ràng. Về việc thực hiện, cần có đơn vị riêng phụ trách các dự án, có sự tập trung trong chỉ đạo, triển khai; đẩy mạnh đào tạo nội bộ, thống nhất cùng góc nhìn, cùng hệ quy chiếu, tích hợp các công cụ quản trị mới.
Theo ông Bùi Minh Tiến, Thành viên HĐTV Petrovietnam, muốn quản trị tốt phải phân loại danh mục đầu tư, đánh giá tiềm năng, rủi ro và chỉ ra được đâu là danh mục cốt lõi là sở trường của Petrovietnam, tạo ra được doanh thu sớm và phục vụ cho đa mục tiêu. Do đó, ông Tiến yêu cầu kế hoạch đầu tư cần tối ưu hóa danh mục, xác định danh mục nào ưu tiên hơn, từ đó phân bổ vốn và nhân sự, nâng cao khả năng quản trị dự án.
Phát huy hiệu quả của Hệ thống quản trị danh mục đầu tư
Đánh giá công tác đầu tư của Tập đoàn thời gian qua, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhìn nhận đã có những bước tiến bộ được phản ánh trong thực tế. Kết quả từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ thực hiện đầu tư tăng gần 2 lần. Tập đoàn đã xây dựng được Hệ thống quản trị danh mục đầu tư, có vai trò đặc biệt quan trọng với những tập đoàn quy mô lớn như Petrovietnam. Chủ tịch HĐTV ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực Ban điều hành, các ban chuyên môn và người đại diện vốn các đơn vị.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu Tập đoàn tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng
Để tiếp tục cải thiện, nâng cao công tác đầu tư trong thời gian tới, ông Lê Mạnh Hùng nhận định, cần thay đổi nhận thức, nâng cao trình độ của đội ngũ lãnh đạo (HĐTV, Tổng Giám đốc và Trưởng ban quản lý dự án). Trong bộ quy chế quản trị danh mục đầu tư, xác định nguồn lực có hạn phải phân phân bổ phù hợp để thực hiện chiến lược đề ra.
Người đứng đầu Petrovietnam yêu cầu, Tập đoàn tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng; nhận thức khó khăn vướng mắc ở đâu để tìm giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh phân cấp, điều chỉnh cơ cấu phù hợp; rà soát hệ thống quy chế, quy định liên quan đến hoạt động quản trị và triển khai thực hiện dự án đầu tư; tích hợp các quy chế liên quan.
Petrovietnam cũng cần có cái nhìn tổng thể về bức tranh đầu tư, quản trị danh mục, phân loại theo từng cấp độ, dự án; từ đó, có hoạch định về vốn chủ sở hữu, thu xếp vốn cho các dự án đầu tư.
Trong xây dựng kế hoạch đầu tư, danh mục đầu tư từng lĩnh vực phải kèm theo chương trình tổ chức thực hiện, giám sát. Liên quan đến các lĩnh vực có nhiều biến động, kế hoạch xây dựng theo các kịch bản cao – thấp và có dự phòng, đi kèm kế hoạch quản trị rủi ro.
Với những việc cấp bách phải làm ngay, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh giải pháp về nhân lực, trong đó có việc điều động nhân sự, kể cả cấp trưởng và xây dựng quy chế tuyển dụng nhân sự, đảm bảo kịp thời, đáp ứng năng lực; cùng với đó là xây dựng quy chế tiền lương, thu nhập, ghi nhận nỗ lực đóng góp của nhân sự tham gia dự án. Với các dự án đang chậm, nội dung nào thuộc thẩm quyền HĐTV, ông Lê Mạnh Hùng yêu câu phân cấp thực hiện ngay.