Người dân điêu đứng vì mưa lũ, sạt lở đất
Từ ngày 22-24/7, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2, tỉnh Sơn La đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 40-200 mm, một số nơi mưa rất to như thành phố Sơn La với 229,4 mm, xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu với 206,4 mm, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn với 205,3 mm, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã với 199,6 mm. Mưa to kéo dài đã tạo thành lũ nhiều thiệt hại, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Đồng chí Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam trao hỗ trợ giúp tỉnh Sơn La khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La Giàng Thị Hương, từ đêm 23/7, tỉnh Sơn La đã phải hứng chịu đợt mưa lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Tính đến ngày 1/8, mưa lũ đã gây chia cắt, cô lập nhiều khu vực dân cư; làm 11 người chết, mất tích và nhiều người bị thương; 2.531 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 113 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 231 nhà phải di chuyển khẩn cấp; hàng nghìn hecta lúa, hoa màu bị ngập; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc... bị hư hỏng nặng nề. Ước tính, tổng thiệt hại trên 500 tỷ đồng.
Người dân xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Ảnh: Báo Sơn La.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại tỉnh Sơn La trong đợt mưa lũ vừa qua là nhân dân xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu. Chủ tịch UBND xã Tông Cọ Lò Minh Huệ cho biết, dù đã chủ động ứng phó với thiên tai nhưng mưa lũ kéo đến rất nhanh khiến cho người dân không kịp bảo vệ tài sản của mình. Riêng tại bản Phé trên địa bàn xã, nước lũ dâng cao tới 10 m làm gần 40 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn trong biển nước, lúa và các loại hoa màu của bà con đều ngập trong biển nước, 160 hộ gia đình bản Phé bị ảnh hưởng nặng nề.
Tâm sự với phóng viên, chị Lường Thị Hồng, bản Phé, xã Tông Cọ buồn bã kể lại: “Mưa lũ ập đến nhanh lắm, chẳng ai kịp trở tay cả. Lúc đó cả bản đều nháo nhào dìu dắt nhau để chạy thoát nạn chứ không ai còn dám nghĩ đến của cải gì hết. Nhà tôi có 4 người, 2 vợ chồng và 2 người con, lúc mưa lũ chồng tôi không có ở nhà, chỉ mình tôi lo cho hai con nên rất sợ hãi. Bây giờ, nhà cửa ngập hết, vật dụng gia đình cũng hư hỏng gần hết, cây cối hoa màu cũng bị nước lũ cuốn sạch, giờ đây không biết cuộc sống sẽ khó khăn đến mức nào nữa”.
Người dân bản Lĩnh, xã Mường Pồn cùng nhau nắn dòng chảy để nước không tràn vào nhà.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, không chỉ riêng tỉnh Sơn La mà tỉnh Điện Biên cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Từ ngày 23/7 đến hết ngày 31/7, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh đã khiến 6 người chết, 3 người mất tích và 7 người bị thương. Mưa lũ còn khiến gần 200 ha lúa, ngô và rừng thông bị vùi lấp, trong đó có nhiều diện tích không thể khắc phục. Ngoài ra, 12 công trình thủy lợi, 8 công trình nước sinh hoạt, 2 trạm y tế bị thiệt hại, 7 điểm trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ước tính, tổng thiệt hại khoảng 383,5 tỷ đồng.
Hệ thống đường giao thông xã Mường Pồn bị hư hại nghiêm trọng.
Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) Nguyễn Thái Bình cho biết, khoảng 2 giờ sáng ngày 25/7, trận lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện đã làm 4 người thiệt mạng, còn 3 người đang mất tích và 7 người bị thương. Cùng với đó, 325 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 21 nhà bị đổ sập, cuốn trôi, 21 nhà thiệt hại rất nặng từ 50-70%. “Lũ quét xảy ra trong đêm khiến người dân 4 bản: Tin Tốc, Lĩnh, Mường Pồn 1, Mường Pồn 2 bị thiệt hại nặng nề. Lũ quét cũng đã cướp đi sinh mạng của 4 người làm cho nỗi đau của chúng tôi càng thêm quặn thắt”, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên chia sẻ.
Đoàn công tác đi thực tế tại bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.
Bần thần nhớ lại giây phút kinh hoàng, anh Lò Văn Tấn, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên kể lại: “Giữa lúc mọi người đang ngủ thì lũ kéo đến ầm ầm, cây cối, nhà cửa, trâu bò đều bị cuốn phăng tất cả. Mọi người nháo nhác chạy thoát thân. Tôi chỉ cứu được 2 đứa con còn tài sản mất hết. Nhà bị cuốn trôi, giờ phải đi ở nhờ mỗi nhà vài ngày, quần áo đang mặc cũng là mượn của hàng xóm. Trải qua cơn lũ quét kinh hoàng tôi mới thấy mình và gia đình vẫn còn may mắn, lũ quét không chỉ làm mất đi của cải, tài sản mà còn lấy đi những người bà con, người hàng xóm của chúng tôi, đó là những mất mát không gì bù đắp được”, anh Tấn nghẹn ngào nói.
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ diễn ra rất khẩn trương.
Đồng chí Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình có người thân mất do lũ quét.
Không được may mắn như anh Tấn, trận lũ quét kinh hoàng đã cướp đi mạng sống của nhiều người dân xã Mường Pồn, gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình. Một trong những người chịu nỗi đau lớn nhất là chị Cà Thị Oanh, cơn lũ quét đã không chỉ cướp đi của chị ngôi nhà mà còn cướp đi của chị người chồng và cô con gái mới 6 tháng tuổi hiện vẫn đang mất tích. Mất nhà, chị phải về nhà mẹ đẻ sinh sống và lập tạm ban thờ cho chồng, con.
Cũng chịu nỗi đau mất nhà, mất người thân, bác Cà Văn Luyến phải ra ở nhờ nhà văn hóa và lập tạm ban thờ để tưởng nhớ người vợ và người con trai xấu số...
Petrovietnam chia sẻ khó khăn, mất mát với người dân vùng lũ
Ngay sau khi nhận được tin về những tổn thất nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra trên địa bàn hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, Petrovietnam đã nhanh chóng thành lập đoàn công tác nhằm đến tận nơi chia sẻ khó khăn, hỗ trợ bà con nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Mặc dù thời tiết vẫn có mưa lớn, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn thậm chí nguy hiểm trong quá trình di chuyển đến với người dân vùng lũ, nhưng thấu hiểu sự khó khăn của những người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ và với nghĩa tình người dầu khí, đoàn công tác của Petrovietnam do đồng chí Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam làm Trưởng đoàn đã xuất phát tại Hà Nội từ sáng sớm ngày 1/8 để hỗ trợ người dân.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh và Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Mạnh Kha trao quà hỗ trợ cho bà con xã Tông Cọ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Khi đoàn công tác đến với tỉnh Sơn La, đồng chí Giàng Thị Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La đã trực tiếp gặp và cung cấp thông tin mới nhất về ảnh hưởng mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ với những tổn thất của người dân, đồng chí Đỗ Chí Thanh đã thay mặt Petrovietnam và đoàn công tác trao tặng 1,5 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Sơn La khắc phục hậu quả mưa lũ. Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La, đồng chí Đỗ Chí Thanh gửi lời chia sẻ, động viên đến bà con nhân dân, những người bị mất nhà cửa, thiệt hại tài sản và gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình người bị mất do mưa lũ.
Đồng chí Đỗ Chí Thanh cũng mong rằng, Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La sẽ nhanh chóng chuyển hỗ trợ của Petrovietnam đến với những người dân gặp nạn, giúp bà con sớm ổn định lại cuộc sống. “Petrovietnam luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tỉnh Sơn La trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ. Các điểm trường, các trạm y tế bị hư hại nặng, cần sửa chữa, xây dựng lại, Petrovietnam đã trao đổi cụ thể với tỉnh Sơn La để có phương án hỗ trợ”, đồng chí Đỗ Chí Thanh khẳng định.
Để chia sẻ với những bà con bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại Sơn La, đoàn công tác tiếp tục di chuyển đến xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mưa lũ. Tại đây, đoàn công tác đã trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà, động viên bà con nhân dân vùng lũ.
Xúc động trước sự quan tâm của đoàn công tác, chị Lường Thị Đoán cảm ơn những tình cảm của Petrovietnam. “Nhà cửa của gia đình tôi bị ngập, tài sản hư hại hết, đồng ruộng cây cối cũng mất hết rồi. Giữa lúc khó khăn bủa vây như này được các bác, các anh quan tâm thăm hỏi, tặng quà làm tôi rất xúc động”, chị Đoán bày tỏ.
Chủ tịch UBND xã Tông Cọ Lò Minh Huệ cho biết, mưa lũ đã làm nhiều gia đình bị ngập hoàn toàn, nhiều nhà cửa bị hư hại. Đời sống của bà con sau thiên tai rất khó khăn, thiếu thốn. “Phải đến ngày 27/7, chúng tôi mới cấp được nước sạch và ngày 29/7 mới cấp lại điện được cho nhân dân. Công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ cũng gặp rất nhiều khó khăn do giao thông bất tiện. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và trân trọng tình cảm, nghĩa cử cao đẹp của Petrovietnam và đoàn công tác đã không quản khó khăn, vất vả đến chia sẻ, hỗ trợ nhân dân xã”, Chủ tịch UBND xã Tông Cọ bày tỏ.
Đồng chí Đỗ Chí Thanh và đồng chí Nguyễn Mạnh Kha trao hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ đến tỉnh Điện Biên.
Rời Sơn La, đoàn công tác di chuyển tới huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) - một huyện bị ảnh hưởng rất nặng nề do lũ quét gây ra. Tại đây, đồng chí Đỗ Chí Thanh thay mặt Petrovietnam trao tặng 1,5 tỷ đồng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Các đồng chí trong đoàn công tác của Petrovietnam tặng quà, động viên nhân dân xã Mường Pồn.
Mặc dù biết rằng đường sá xa xôi, nhiều điểm bị tắc nghẽn do sạt lở đất và thời tiết vẫn mưa không ngừng, nguy cơ tiếp tục sạt lở đất là rất cao nhưng với mong muốn trực tiếp đến gặp gỡ, chia sẻ với người dân vùng lũ, đoàn công tác của Petrovietnam cũng đã lên đường đến xã Mường Pồn - nơi bị ảnh hưởng rất nặng nề của cơn lũ quét ngày 25/7. Đồng chí Đỗ Chí Thanh cùng các đồng chí trong đoàn công tác đã trực tiếp hỗ trợ cho 21 gia đình. Trong đó, 4 gia đình không may có người chết, mất tích và gia đình đồng chí tổ viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự bản Mường Pồn 1 có nhà bị cuốn trôi với số tiền 10 triệu đồng/gia đình; hỗ trợ mỗi hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi 5 triệu đồng; mỗi hộ gia đình có nhà bị sập 4 triệu đồng cùng phần quà của Petrovietnam.
Đồng cảm với nỗi đau của thân nhân người đã mất, đồng chí Đỗ Chí Thanh và đoàn công tác đã đến thắp hương bày tỏ sự thương cảm đến các nạn nhân bị mất do lũ quét và động viên, sẻ chia nỗi đau với thân nhân người bị nạn.
Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được Petrovietnam coi trọng. Đây là một hoạt động quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài, bền vững và gắn với bốn giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, là trách nhiệm, tình cảm, văn hóa của người Dầu khí ứng xử với cộng đồng, xã hội.