Đối với một doanh nghiệp, nhiệm vụ sống còn là phải hoạt động sao cho hiệu quả, đạt lợi nhuận cao nhất có thể. Ấy vậy nhưng Chi nhánh Phân phối Sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB) được giao nhiệm vụ thay mặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trực tiếp triển khai Hợp đồng bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn và các phụ lục (FPOA) lại không phải như vậy.
Sau hơn 1 năm chính thức triển khai công tác bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy Lọc hóa dầu (NMLHD) Nghi Sơn, đến thời điểm hiện tại, PVNDB đã dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, ban hành các quy trình, quy chế nhằm xây dựng hành lang pháp lý nội bộ, góp phần tích cực vào công tác quản lý, điều hành cũng như toàn bộ hoạt động của chi nhánh.
Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đảm bảo hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Việc NMLHD Nghi Sơn hoạt động mới hơn 1 năm, chưa thực sự ổn định, sản lượng sản xuất vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của thị trường… khiến công tác bao tiêu sản phẩm cho nhà máy rất khó khăn, phức tạp. Hơn thế nữa, công tác bao tiêu sản phẩm với điều kiện “không được gây lỗ” là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử kinh tế Việt Nam đã khiến PVNDB gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Mặc dù vậy, đến nay chi nhánh đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm do Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) sản xuất, triển khai công tác bán hàng một cách hiệu quả, đảm bảo nhà máy hoạt động an toàn, không phát sinh rủi ro tank-top (vượt giới hạn tồn trữ).
Để tiếp tục đảm bảo hiệu quả bao tiêu trong giai đoạn 2020-2025, việc xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp là rất cần thiết. PVNDB đã xác định thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Tập đoàn giao phó là bao tiêu an toàn, hiệu quả sản phẩm Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo hợp đồng FPOA.
Các giải pháp thực hiện công tác bao tiêu sản phẩm được PVNDB xác định gồm: Quản lý, quản trị doanh nghiệp, tiếp tục đàm phán với NSRP, làm tốt thị trường trong nước và quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chuyên môn cao… Đáng chú ý là giải pháp về quản trị, tiếp tục hoàn thiện mô hình, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của chi nhánh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, bao gồm kế toán quản trị, cân đối dòng tiền và quản trị rủi ro, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) và hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
Đặc biệt, PVNDB sẽ tập trung tăng cường công tác quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, bao gồm phương án thuê kho, thuê tàu chứa giải phóng sản phẩm tránh rủi ro tank-top; xây dựng giải pháp tài chính xử lý rủi ro về giá và tỷ giá sản phẩm, dịch vụ phái sinh hàng hóa trong công tác bao tiêu sản phẩm nhằm giảm thiểu các rủi ro đối với chi nhánh.
Nhằm mục đích hoàn thiện và hạn chế các rủi ro trong công tác bao tiêu, chi nhánh tiếp tục đàm phán, thống nhất các phụ lục sửa đổi bổ sung các điều kiện, điều khoản của Hợp đồng FPOA trên nguyên tắc hai Bên cùng có lợi, phản ánh đúng thực tế thị trường và không làm tăng trách nhiệm cho PVN/Chính phủ. Trong đó, PVNDB hoàn thiện phương pháp luận/chiến lược đàm phán giá mua sản phẩm dài hạn với NSRP hướng đến mục tiêu Bên bao tiêu không bị thiệt hại. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với NSRP, kịp thời phản ánh và cập nhật thông tin thị trường, các yêu cầu của khách hàng và đề xuất NSRP điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Kỹ sư, công nhân Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đấu nối xuất bán xăng A95 vào thị trường trong nước.
Về công tác thị trường, PVNDB tiếp tục thiết lập hệ thống khách hàng ổn định, gắn bó với chi nhánh. Hoàn thiện chính sách bán hàng, chính sách thanh toán, chính sách chăm sóc khách hàng đáp ứng kịp thời các yêu cầu. Trong thời gian qua, PVNDB đã tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi từ 157 đối tác và khách hàng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và cung ứng dịch vụ của chi nhánh. Đến nay, PVNDB đã hoàn thiện thủ tục, kế hoạch xuất khẩu, khảo sát đánh giá thị trường, làm việc với các đối tác tiềm năng để chủ động kịp thời ứng phó với các tình huống giải phóng hàng khẩn cấp.
Theo ông Phan Kiến Anh - Giám đốc PVNDB, đơn vị đang nỗ lực xây dựng cơ chế quản lý tài chính thích ứng với kế hoạch chiến lược, hướng đến quản lý hiệu quả các nguồn lực của chi nhánh. Đồng thời phối hợp làm việc với Bộ, ban, ngành và Tập đoàn nhằm làm rõ cơ chế/hướng dẫn đối với các vấn đề còn vướng mắc để có cơ sở thực hiện tốt công tác bao tiêu sản phẩm NMLHD Nghi Sơn giai đoạn 2020-2025.
Thoạt nghe, phương hướng và các giải pháp của PVNDB khá đơn giản và có phần chung chung nhưng cần biết rằng thị trường nhiên liệu xăng dầu trong những năm qua luôn biến động không ngừng, có những thời điểm giá dầu thế giới liên tục đổi chiều, có lúc còn có giá âm để thấy rằng, PVNDB đang thực hiện một nhiệm vụ kinh doanh được đánh giá là "gần như bất khả thi". Hơn thế nữa, để đảm bảo yếu tố tôn trọng các quy định của hợp đồng ký kết giữa các bên đầu tư vào NSRP, việc bao tiêu sản phẩm luôn có tính rủi ro cao. Bởi vậy, việc PVNDB có hoàn thành nhiệm vụ hay không rất cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp Bộ ngành liên quan để tránh thiệt hại cho Nhà nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài vào dự án lớn nhất về lọc hóa dầu tại Việt Nam.
NMLHD Nghi Sơn là công trình có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay (9 tỷ USD), với công suất tối đa đạt 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Sau 1 năm vận hành thương mại, NMLHD Nghi Sơn đã xử lý hơn 7,1 triệu tấn dầu thô từ Kuwait để sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu chất lượng cao, ước tính đáp ứng khoảng 33% thị phần nhiên liệu trong nước.
Ngày 9/8/2020, PVNDB đã xuất bán thành công lô sản phẩm nhiên liệu bay Jet A-1 do NMLHD Nghi Sơn sản xuất cho Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex (PA).
|