Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam lên đến 600.000 MW (Ảnh minh họa)
Việc tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, từ xa có vai trò quan trọng, để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện sạch như điện gió ngoài khơi hướng tới mục tiêu Net Zezo vào năm 2050.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được triển khai, bởi nhiều vướng mắc pháp lý và chưa rõ ràng cơ chế thí điểm cho một loại hình năng lượng mới.
Giai đoạn khởi tạo/thí điểm là vô cùng quan trọng nhằm tạo môi trường để đánh giá tiềm năng, khả năng kỹ thuật, xác định tính khả thi của điện gió ngoài khơi về quản trị, chính sách, tài chính và công nghệ... tạo tiền đề, cơ sở để phát triển ngành này và thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp cho các giai đoạn tiếp theo.
Do đó, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định với PV rằng: “Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ nên quy định các nội dung mang tính nguyên tắc mở cho dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và giao Chính phủ triển khai chi tiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển của dự án để có thể linh hoạt giải quyết các vấn đề chưa được đánh giá đầy đủ”.
PV: Liên quan đến cơ chế khởi tạo/thí điểm đối với các dự án điện gió ngoài khơi, ông có cho rằng cần thiết đưa vào dự thảo Luật nội dung giao Chính phủ ban hành các quy định, chính sách đặc thù về các nội dung cụ thể để đảm bảo đủ điều kiện triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế và hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi về sau?
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Vấn đề giao đất, giao khu vực biển, quy hoạch, cơ chế giá điện, tiêu chuẩn kỹ thuật và các cơ chế liên quan đến khảo sát, xây dựng dự án điện gió ngoài khơi là những nội dung liên quan đến chế định mới, chưa từng có và còn đang lúng túng trong triển khai thực tế, từ lập quy hoạch đến đảm bảo mặt bằng, khu vực mặt nước biển, không gian biển, quy hoạch phát triển khu vực ven biển, quy chế thẩm định dự án.
Những nội dung này đều mới mẻ và tiếp tục phát triển chưa được định hình cố định. Hiện nay, chúng ta mới hình dung triển khai thí điểm trên một vài khu vực, chưa phải bao quát toàn bộ cho các dự án, mà các quy định hiện hành chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, Luật không thể chế định chi tiết các nội dung liên quan ngay được vì đang trong quá trình phát triển.
Quan điểm xây dựng luật đối với những hiện tượng, vấn đề mới, dự thảo Luật phải đưa ra các quy định đảm bảo tính mở, nếu không sẽ bị trói buộc trong khi thực tiễn đang diễn ra và có thể sẽ vượt xa các quy định cụ thể được xây dựng ở thời điểm hiện tại.
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Xây dựng dự thảo Luật theo hướng quy định về mặt nguyên tắc và giao cho Chính phủ chi tiết nội dung trong các văn bản dưới Luật và nghị định, thông tư về cơ chế thí điểm điện gió ngoài khơi (Ảnh: Phương Thảo)
Đối với các vướng mắc hiện nay về cơ chế thí điểm cho điện gió ngoài khơi, cần có các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước đó để khát quát điều nào là căn cơ cần đưa vào Luật, không thể quy định cụ thể tất cả các nội dung.
Do đó, tôi cho rằng cần xây dựng dự thảo Luật theo hướng quy định về mặt nguyên tắc và giao cho Chính phủ chi tiết nội dung trong các văn bản dưới Luật và nghị định, thông tư. Như vậy, những nội dung về phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế đặc thù và đặc biệt các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp có thể được giải quyết tại các văn bản dưới Luật do Chính phủ ban hành.
Tốt hơn nữa là trong dự thảo Luật có thêm nội dung: “Các cơ chế thí điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Luật và các quy định của Chính phủ kèm theo dự thảo Luật về chi tiết các nội dung đó”. Như vậy, dự thảo Luật sẽ tạo ra một “điểm tỳ pháp lý” vững chắc cho các văn bản, nghị định sau này được Chính phủ ban hành theo điều kiện, giai đoạn thực tiễn thực hiện dự án.
Bởi các quy định của pháp luật không chỉ là được ghi tại Luật mà còn tại các văn bản quy phạm dưới Luật (thông tư, nghị định) đều có hiệu lực về mặt pháp lý, miễn là các văn bản do Chính phủ ban hành sau này không xung đột với Luật được thông qua trước đó.
PV: Việc xây dựng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) theo nguyên tắc mở như vậy sẽ giải quyết những vướng mắc gì cho phát triển các dự án điện gió ngoài khơi hiện nay, thưa ông?
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và những doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư cho điện gió ngoài khơi đều đang gặp nhiều lúng túng về các cơ chế, quy định pháp lý. Nếu Luật Điện lực (sửa đổi) giao Chính phủ quyết định cơ chế đặc thù, thí điểm sẽ là hướng tháo gỡ cho các dự án.
Tôi hiểu hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn có chế định cụ thể tại Luật để có thể yên tâm thực hiện dự án, tuy nhiên điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới và còn đang trong quá trình định hình ở Việt Nam, nên nếu có nội dung “thực hiện theo các quy định của Chính phủ” là hướng mở, linh hoạt, dễ dàng xử lý các vấn đề phát sinh do thực tiễn đặt ra nhưng chưa có điều kiện chín muồi để quy định vào Luật.
Ngược lại, nếu không quy định nội dung này trong dự thảo Luật, sau này khi thực tiễn các dự án phát triển sẽ gặp vướng mắc, điều hành của Chính phủ cũng gặp khó khăn, muốn tháo gỡ buộc phải chờ sửa Luật. Điều này dẫn đến các hệ lụy khôn lường, chậm tiến độ dự án và kéo lùi quá trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Ngoài ra, theo tôi để chặt chẽ hơn có thể thêm cả nội dung “thực hiện các cơ chế thí điểm dự án điện gió ngoài khơi theo quy định của pháp luật”, bởi điều này còn có ý bao hàm các Luật liên quan như môi trường, biển đảo, đầu tư... tránh xung đột với các luật khác. Điều đó đảm bảo sự thống nhất xuyên suốt và luôn đúng về mặt nguyên tắc đã được quy định tại Luật.
Đặt vai trò phát triển điện gió ngoài khơi lên Petrovietnam là hoàn toàn phù hợp (Ảnh minh họa)
PV: Mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW tại Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 có khả thi không, thưa ông? Theo ông, Petrovietnam có những tiềm năng gì có thể đóng góp vào mục tiêu đất nước đề ra?
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Nói về tính khả thi mục tiêu đặt ra 6.000 MW điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII, đây là lĩnh vực mới chưa có nghiên cứu, dự báo đầy đủ nên mục tiêu đặt ra mang tính định hướng phấn đấu trong chỉ tiêu pháp lệnh.
Để biết mục tiêu này có mức độ khả thi đến đâu còn phụ thuộc vào tiến độ các dự án để tính toán. Cơ quan hoạch định chính sách khi đề ra chỉ tiêu cụ thể cần căn cứ vào tính toán xu hướng phát triển, mối quan tâm của các nhà đầu tư về lĩnh vực này và độ thông thoáng chính sách thông qua các luật, quy định, cơ chế hiện hành.
Trong mục tiêu này, Petrovietnam là doanh nghiệp hàng đầu ở lĩnh vực năng lượng, đồng thời là Tập đoàn có tiềm lực lớn về đầu tư, khoa học công nghệ, có nhiều năm kinh nghiệm trong khai thác dầu khí và hoạt động trên biển.
Do đó, Petrovietnam có thế mạnh về thông tin, dữ liệu năng lượng không chỉ ở dầu khí mà còn cả sức gió và các tiềm năng trên biển khác. Tôi đánh giá Petrovietnam như một “quả đấm thép” của Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn cả phát triển kinh tế biển.
Cho nên, khi đặt vai trò phát triển điện gió ngoài khơi lên Petrovietnam là hoàn toàn phù hợp, vì đây là Tập đoàn Nhà nước mạnh, có nhiều lợi thế trong một lĩnh vực then chốt và có thâm niên phát triển lâu dài. Với nguồn lực thông tin, tri thức tích lũy được, Petrovietnam sẽ đóng vai trò tiên phong trong phát triển các nguồn năng lượng truyền thống và nguồn năng lượng mới nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng.
Ngoài Petrovietnam, hiện có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực rất quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Như vậy, với tiềm lực của Petrovietnam và nếu chúng ta có chính sách thúc đẩy các tập đoàn Nhà nước liên kết với các tập đoàn quốc tế có kinh nghiệm triển khai sớm các dự án thí diểm, tháo gỡ các rào cản pháp lý, khuyến khích các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi thì mới có kỳ vọng đạt được mục tiêu 6.000 MW vào năm 2030.
PV: Tại dự thảo Luật, nói về nguyên tắc vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, ông có đồng tình với kiến nghị cần bổ sung quy định “ưu tiên huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo” để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050 hay không?
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Từ “ưu tiên” được hiểu nhiều nghĩa, ở trong đề xuất này có thể hiểu là chú trọng hơn, quan tâm đến xem xét như một thông số không thể bỏ qua, xem nhẹ.
“Ưu tiên” ở đây còn có một nghĩa nữa là cần có sự nâng đỡ, hỗ trợ bởi năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới. Đối với các ngành công nghiệp, lĩnh vực mới, về mặt chính sách đều cần có sự ưu tiên nuôi dưỡng, phát triển để có thể khắc phục những mặt non trẻ nhằm đáp ứng tiêu chí đề ra khi xét về triển vọng, mục tiêu lâu dài.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết quốc tế đưa mức phải thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và tham gia Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), việc “ưu tiên huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo”, trong đó có điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi... sẽ thu hút, tạo động lực đầu tư vào lĩnh vực mới này, đồng thời tạo ra nhu cầu sử dụng để thúc đẩy năng lượng tái tạo được phát triển rộng rãi.
Việc ưu tiên cũng là căn cứ để sau này có các văn bản hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung ưu tiên theo từng giai đoạn, đảm bảo hài hòa với từng loại năng lượng hay vùng miền khác nhau.