Bất cập của Luật Thuế 71 khiến giá phân bón tăng lên đáng kể so với trước đó
Nông dân, doanh nghiệp đều... khổ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, anh Đào Xuân Minh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tổng hợp Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, người nông dân hiện nay sản xuất nông nghiệp phải chi rất nhiều khoản phí như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công làm đất..., trong đó phân bón là mặt hàng cực kỳ quan trọng.
Tùy từng loại cây trồng người nông dân phải bón lót, bón thúc. Với những loại cây 3-4 tháng mới được thu hoạch, phải bón phân cho cây đến 4-5 lần. Do đó, phân bón chiếm một phần tương đối lớn trong tổng chi phí sản xuất của bà con nông dân, xã viên.
2 năm trước giá phân bón tăng cao khiến bà con “ngộp thở”, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, canh tác. Sang năm 2023-2024, giá phân bón có hạ hơn một chút, song vẫn còn rất khó khăn.
“Người nông dân đầu tư cây trồng thì bắt buộc phải dùng phân bón để chăm sóc cho cây phát triển. Giá phân bón cao cùng với việc phải bỏ ra nhiều chi phí khác khiến tỷ suất lợi nhuận của nhà nông rất thấp, thậm chí không có lãi, dẫn đến nhiều người không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp”, anh Minh cho biết.
Đứng từ góc độ người nông dân, anh Đào Xuân Minh mong rằng Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân sản xuất hơn nữa. Riêng về mặt hàng phân bón, anh Minh mong sẽ có những cơ chế quản lý hợp lý để cả người nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón cùng được hưởng lợi.
Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem chia sẻ: Từ cuối năm 2014, DAP - Vinachem đã nhận thức được vấn đề khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và năm 2015 đã có kiến nghị lên Tổng cục Thuế đề nghị xem xét, điều chỉnh quy định về Luật Thuế 71. Tuy nhiên, thời điểm đó Luật Thuế 71 vừa mới ban hành, nên cần thời gian để đánh giá.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón DAP, 1 trong 2 đơn vị sản xuất DAP tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sau 10 năm, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỉ đồng, 10 năm nay lũy kế lên tới con số hàng nghìn tỉ đồng.
Do phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế, người nhập khẩu về có điều kiện để giảm giá bán. Còn trong nước, hàng sản xuất lại bị tăng giá thành. Nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được, không chi phối được thị trường mà phải theo “luật chơi” của phân bón nhập khẩu.
“Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo. Giá thành tăng lên nhưng giá bán không thể điều chỉnh theo. Đó là khó khăn lớn nhất cho công ty, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất kinh doanh sụt giảm”, ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, nếu như Luật Thuế 71 lần này sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào danh mục hàng chịu thuế thì đối với ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có rất nhiều tác động tích cực.
Thứ nhất, giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ cơ hội này, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có sự cạnh tranh với phân bón nhập khẩu tốt hơn và mong muốn chiếm lĩnh được thị trường, gia tăng được thị phần. Gia tăng thị phần thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh được giá bán, tăng hậu mãi cho người nông dân.
Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất.
“Với ngành DAP, khi tinh chế quặng apatit, chúng tôi cũng đã cố gắng sử dụng có hiệu quả nhất nguồn khoáng sản thiên nhiên của Việt Nam, tạo giá trị gia tăng. Hướng đến kinh tế tuần hoàn, bắt đầu từ nguồn quặng apatit được khai thác trong nước, chúng tôi sản xuất ra phân bón DAP và nguồn phát thải được sử dụng để làm vật liệu san lấp trong xây dựng. Với điều này, chúng ta sẽ sử dụng được toàn bộ nguồn khoáng sản, không bị mất đi cái gì. Đấy là cơ hội, tiền đề để thực hiện được kinh tế tuần hoàn”, ông Trung nhấn mạnh.
Cuối cùng, nếu như chính sách thuế GTGT tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có động lực tốt hơn để thực hiện việc đầu tư, sửa chữa nâng cấp thiết bị nhà máy mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ...
|
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
|
Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% là hợp lý
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế GTGT (sửa đổi) để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo vị Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, dự thảo Luật chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%.
Trong Ủy ban TCNS có 2 luồng ý kiến: Một luồng ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này; một luồng ý kiến không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Năng lượng Mới, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% như tờ trình của Chính phủ là quyết định đúng đắn, hợp lý.
Bởi theo ông Hiếu, về mặt cảm quan, tăng thuế sẽ làm tăng giá sản phẩm, nhưng thực tế có thể không như vậy. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, doanh nghiệp được khấu trừ và chi phí sản xuất giảm nên sẽ có dư địa lớn để cạnh tranh, giảm giá.
“Sự điều chỉnh này hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả cho ngành nông nghiệp để mọi người trong ngành đều được hưởng lợi tốt nhất, không đơn thuần chỉ là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay tăng giá, giảm giá”, ông Hiếu nhận định.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% như tờ trình của Chính phủ là quyết định đúng đắn, hợp lý.
Ông Hiếu cho biết thêm, trong quá trình thẩm tra tờ trình, nhiều đại biểu cho rằng việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% có nguy cơ làm tăng giá phân bón. Về ý kiến này, ông Hiếu không hoàn toàn nhất trí. Bởi theo ông Hiếu, chúng ta phải phân biệt được chi phí sản xuất ra sản phẩm và giá bán là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế và đánh mức thuế 5% thì hiện nay cho thấy có lợi cho doanh nghiệp và về mặt lý thuyết là sẽ giảm được chi phí sản xuất ra mặt hàng phân bón, như vậy sẽ giảm chi phí sản xuất, góp phần giảm giá bán. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm, đây là một cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp giảm giá bán, tăng năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.
Còn về phương án áp thuế 0% đối với phân bón, ông Hiếu phân tích: Nếu như chúng ta đặt mục tiêu là làm sao mức thuế phù hợp nhất để có lợi cho bà con nông dân, người sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, xét như bình thường, chỉ với sản xuất trong nước thì rõ ràng mức thuế 0% sẽ có lợi hơn so với 5%. Khi đó đầu ra không tăng nhưng đầu vào được khấu trừ thuế, qua đó tăng giá trị tiết giảm chi phí sản xuất và làm gia tăng cơ hội để giảm giá thành.
Việc sớm sửa đổi Luật Thuế 7 không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp phân bón trong nước mà còn gián tiếp hỗ trợ nông dân được mua phân bón với giá hợp lý hơn
Nhưng nếu nhìn rộng hơn, mặt hàng phân bón còn phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Nên nếu áp dụng thuế 0%, doanh nghiệp trong nước có cơ hội để giảm giá bán do giảm giá thành sản xuất nhưng các sản phẩm nhập khẩu năng lực cạnh tranh vẫn giữ nguyên. Như vậy, mặc dù dư địa để phân bón sản xuất trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh là có nhưng theo tôi sẽ nhỏ hơn trong trường hợp áp dụng mức thuế 5%.
Khi đó phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế 5%, buộc phải tính toán chi phí và giá bán tăng thêm 5%. Do đó, nhìn rộng hơn, áp dụng thuế 5% sẽ có thể làm gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Qua đó vừa thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà vẫn bảo đảm được mục tiêu giảm giá bán.
“Khi phân tích hai phương án này, cá nhân tôi cho rằng, nếu nhìn ở bình diện lớn hơn thì đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT và áp mức thuế 5% là phù hợp, có lợi hơn so với phương án 0%”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%.