Niềm hạnh phúc bất ngờ…

03:32 | 22/07/2024
Lượt xem: 463

LTS: Sáng ngày 23-7-1959, trong chuyến thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam. Những kỷ niệm về Bác cùng sự kiện đặc biệt này đã được bà Phạm Thị Xuân Phương - cán bộ của sứ quán Việt Nam tại Liên Xô kể lại sau 42 năm sự kiện diễn ra. Tạp chí Năng lượng Mới/ PetroTimes xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết ghi chép lời kể và trân trọng cảm ơn bà Nguyễn Phương Nga, con gái của bà Phạm Thị Xuân Phương, đã cho phép tạp chí được đăng tải bài viết này.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu tháng 7-1959 có sự tháp tùng của bà Phạm Thị Xuân Phương (người mặc áo dài màu đen sau cùng)

Cách đây ít ngày, gia đình chúng tôi được tiếp TS Lê Minh Nghĩa, Trưởng ban Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Đồng chí Nghĩa đến gia đình chúng tôi để xác minh người trong ảnh đứng gần Bác Hồ khi Người đến thăm khu công nghiệp dầu khí Bacu tháng 7-1959 có phải là tôi - Phạm Thị Xuân Phương không và có ý muốn tôi viết lại những giây phút cảm động đó. Quả thật, đó là một bất ngờ đối với tôi.

Trong cuộc đời mình, tôi được hạnh phúc và may mắn hơn nhiều bạn thanh niên hồi đó là đã có những tháng ngày vinh dự được phục vụ Bác trong chuyến đi Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô mời Bác đi nghỉ hè trải dài 16.200km, qua 10 nước Cộng hòa Xô viết, thăm 19 thành phố và thủ đô, bắt đầu từ vùng Siberia rộng lớn bao la của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga và kết thúc tại nước Cộng hòa Xô viết Kazakhstan. Tôi được vinh dự phục vụ Bác từ ngày 7-7-1959 khi Bác từ Matxcova đi Kiev thăm nước Cộng hòa Xô viết Ukraina. Thực ra, khi đó trong Đại sứ quán ta ở Matxcova còn nhiều đồng chí xứng đáng được đi phục vụ Bác hơn tôi, song vốn tính giản dị, không muốn kèn trống, đón tiếp linh đình nên Bác không lấy thêm cán bộ mà chỉ nói với đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (lúc đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Liên Xô) cho tôi đi theo để giúp đồng chí Vũ Kỳ trong giao tiếp với các bạn Liên Xô. Do đó, những người đi phục vụ Bác chỉ có đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Vũ Năng An - nhà nhiếp ảnh và tôi.

Bác yêu cầu Bạn ở bất cứ đâu cũng chỉ đón tiếp đơn giản, không chính thức, không nghi lễ. Tuy nhiên, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã cử đồng chí Trưởng khoa “Phương Đông” (tựa như trưởng phòng) Subuikov N.M. (đầu những năm 80 của thế kỷ trước là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và là đại sứ của Liên Xô tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, 2 đồng chí cán bộ công tác ở Trung ương Đảng (trong đó 1 là phiên dịch tiếng Pháp), 2 đồng chí bảo vệ và 1 nữ đồng chí để lo việc ăn uống cho Bác. Bạn dành cho Bác 1 chuyên cơ để đi lại do phi công Popov, Anh hùng Liên Xô năm đó đã 43 tuổi lái.

Chuyến đi dài ngày của Bác, tuy chỉ là đi nghỉ, song có nhiều điều cần được ghi vào lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Liên Xô. Tôi rất tiếc là lúc đó mình còn trẻ (mới 21 tuổi), lại kém hiểu biết, không được nhanh nhạy như thanh niên bây giờ cùng trạc tuổi tôi, nên không ghi lại được những lời nói uyên bác nhưng giản dị và giàu tình cảm của Bác qua những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các nước Cộng hòa trong các bữa cơm thân mật, với những người dân Xô viết trên dọc đường đi, trong các nhà máy, tại các nông trang, với các cháu thiếu nhi tại các trại hè… Nhưng không bao giờ tôi quên được hình ảnh của Bác, một người mảnh khảnh, giản dị mà ở bất cứ đâu, tại các bàn tiệc cũng như trên đường đi, tại các buổi hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật… cũng vẫn trong bộ kaki bạc màu, với đôi dép cao su… Song Người đi đến đâu, ở bất cứ chỗ nào cũng hóm hỉnh, dí dỏm và giản dị lạ thường, giản dị đến nỗi ai ai cũng có thể chạy đến ôm chầm lấy và nói “Ura Hồ Chí Minh!” một cách dễ dàng rồi nhường lại Bác cho người khác… Bây giờ tôi lại tiếc sao khi ấy mình nghèo thế, không có phương tiện gì để ghi lại bằng ảnh hoặc quay camera tất cả những hình ảnh tuyệt vời đó của Bác, một con người mà ai tiếp xúc đều cảm nhận ngay vừa cao thượng, vừa bình dị lạ thường và rất đỗi gần gũi. Thú thật, trong những ngày được ở bên Bác, tôi luôn cảm thấy mình vẫn được là mình, không cần phải ý tứ, giữ gìn khuôn phép gì cả, sống rất tự nhiên như sống bên người cha đẻ của mình vậy. Lâu nay, với con cháu trong nhà, tôi thường hay kể lại tác phong sinh hoạt thường ngày của Bác mà tôi cảm nhận được trong gần 1 tháng bên Bác, song chưa bao giờ tôi dám nghĩ là sẽ viết ra để được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Vậy nên, lần này đồng chí Nghĩa gợi ý, tôi xin mạo muội được viết ra những cảm nghĩ của mình mà thôi. Chỉ riêng về tác phong sinh hoạt hằng ngày của Bác Hồ, chúng ta đã có biết bao câu chuyện cần nói, cần lưu lại cho muôn đời sau học tập và rèn luyện…

Tôi xin dừng tại đây và xin nói về cái buổi sáng của ngày 23-7-1959 tại vùng khai thác dầu khí ở phía Bắc thành phố Bacu.

Từ sáng sớm ngày 23-7-1959, chuyên cơ đưa Bác từ Erevan (thủ đô của nước Cộng hòa Xô viết Armenia) đến Bacu để bắt đầu chuyến thăm nước Cộng hòa Xô viết Azerbaijan.

Ở trên máy bay, nữ đồng chí Nga và tôi thường được ngồi cùng khoang dành cho Bác. Tôi đang gật gù ngủ vì sáng phải dậy quá sớm thì nghe tiếng Bác gọi: “Bé Phương này, ra đây mà xem” (Bác thường gọi tôi là bé vì năm 1957 khi Bác sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô có ghé thăm Đại sứ quán ta, Bác hỏi ở đây ai ít tuổi nhất thì đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh trả lời: “Thưa Bác, là cô Phương ạ”. Thế rồi từ đó, mỗi lần Bác sang Liên Xô tôi đều được vào phục vụ Bác tại biệt thự trên đồi Lênin và được Bác gọi là “bé Phương”). Tôi lại ghế ngồi của Bác, Bác chỉ xuống dưới và hỏi: “Cháu có thấy gì ở dưới máy bay không?”. Tôi nói: “Cháu chỉ thấy biển màu đen thôi”. Bác nói: “Biển dầu đấy”, rồi Bác lại hỏi: “Thế cháu không nhìn thấy gì nữa à?”. Tôi nhìn mãi mà chả thấy gì vì tôi hay bị say máy bay, cứ lên máy bay là nhắm mắt lại và gật gù ngay. Bác hiểu và chỉ xuống biển giải thích: “Cháu thấy không, kia là máy hút dầu, xa xa là cầu nối từ đất liền ra biển để lấy dầu. Dầu quý lắm, nước nào có dầu là giàu lên ngay!”. Rồi Bác cười hóm hỉnh nói: “Hai từ “dầu” và “giàu” người Hà Nội phát âm như nhau, nhưng xứ Nghệ của Bác phát âm khác nhau đấy!...”.

Thế rồi khi gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Azerbaijan, tại sân bay Bác đã đề nghị cho đi thăm vùng khai thác dầu ngay trong sáng ngày 23-7. Sau khi về biệt thự nghỉ ngơi, ăn sáng, vào đúng 10 giờ, lúc đó mặt trời đã lên cao, cũng nóng không khác gì mùa hè ở Việt Nam, lại hay có gió to thổi mạnh, tà áo dài của tôi cứ cuốn chặt lấy người (có lẽ lúc đó Bác nhìn thấy, nên khi ngồi trong ôtô về biệt thự, Bác nói đùa: “Lần sau khi ra biển, cháu nên mặc quần áo công nhân, chứ mặc áo dài làm xấu cả áo dài Việt Nam đấy. Cứ như Bác với bộ kaki này, đi đâu cũng tiện!”).

Anh Vũ Kỳ thường nhắc tôi nên đi gần Bác để nghe được Bác nói với các đồng chí Liên Xô rồi khi về nói lại để anh ghi nhật ký. Vì thế nên tôi thường phải đi nhanh để kịp, do vậy mà khi anh Vũ Kỳ và anh An ở tận đầu cầu gắn với đất liền, thì Bác, các đồng chí lãnh đạo địa phương và tôi đã ở giữa cầu, nơi có các giàn khoan rồi. Gió to, nghe rất khó, tôi cố lắng nghe những lời nói của Bác, trong đó tôi nhớ nhất câu: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”.

Bác chỉ ở thăm Bacu có một ngày, sáng sớm 24-7, Bác lên máy bay thăm các nước Cộng hòa Xô viết Trung Á. Ngày 29-7 đến Anma Ata, thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Kazakhstan và đây là điểm cuối cùng chuyến đi nghỉ hè của Bác tại Liên Xô tháng 7-1959.

Sáng ngày 1-8, Bác quay về nước. Anh Vũ Kỳ và anh An đi cùng Bác, còn tôi và các đồng chí Liên Xô đi tháp tùng Bác thì trở lại Matxcova. Tiễn Bác ở sân bay, chúng tôi (tôi muốn nói đến cả các đồng chí Liên Xô) không khỏi bùi ngùi nhớ Bác, ai ai cũng luyến tiếc sao chuyến đi không kéo dài nữa để chúng tôi được hưởng thêm những giây phút bên Người, một con người mà người đời khi chưa được gần thì tưởng như xa vời vợi, nhưng chỉ sau ít phút gặp gỡ thôi đã cảm thấy gần gũi đến không ngờ.

Hà Nội, mùa hè năm 2001

Từ sáng sớm ngày 23-7-1959, chuyên cơ đưa Bác từ Erevan (thủ đô của nước Cộng hòa Xô viết Armenia) đến Bacu để bắt đầu chuyến thăm nước Cộng hòa Xô viết Azerbaijan… Khi gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Azerbaijan, tại sân bay Bác đã đề nghị cho đi thăm vùng khai thác dầu ngay trong sáng ngày 23-7.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp