Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân

09:09 | 30/10/2024
Lượt xem: 463

Hiện vẫn còn một số ít đại biểu Quốc hội lo ngại thuế GTGT 5% sẽ khiến tăng giá phân bón, gây áp lực cho người nông dân, thực chất, đây là cách hiểu chưa đúng với cơ sở khoa học và căn cứ hạch toán giá thành - thuế, dẫn đến hệ lụy lợi bất cập hại cho bà con và ngành nông nghiệp.

Nghị trường thảo luận tại Quốc hội ngày 29/10 nóng hơn bao giờ hết về câu chuyện thuế GTGT phân bón. Tại phiên thảo luận Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho biết, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.

“Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thời gian qua. Do đó, để xử lý những bất cập, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nói.

Nghị trường thảo luận tại Quốc hội ngày 29/10 nóng hơn bao giờ hết về câu chuyện thuế GTGT phân bón (Ảnh: Quochoi.vn)

Vẫn còn tranh cãi về thuế GTGT phân bón do đâu?

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho thấy nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang áp dụng thuế suất 5%.

Tại phiên thảo luận, phần lớn đại biểu quốc hội thống nhất cao với các nội dung dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét và cho rằng áp thuế GTGT phân bón không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cả nông dân.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) tại hội trường đã nhìn nhận với việc áp mức thuế GTGT 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ giá đầu vào, quy định này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu.

“Khi Quốc hội và Chính phủ bàn những lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp thì không thể ban hành một chính sách nào gây ảnh hưởng, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, bởi trên hết sẽ hướng tới chính sách tốt nhất cho nền kinh tế và các đối tượng thụ hưởng”, ông An nói thêm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đánh giá về tạo tác động lâu dài cho cả ngành nông nghiệp thì chính sách áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo cơ hội đầu tư phát triển, nâng cao công nghệ, tự chủ về phân bón, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Doanh nghiệp trong nước được khấu trừ thuế GTGT đầu vào 5% bảo đảm tối ưu chi phí, có cơ hội giảm giá bán cho nông dân, tạo sự bình đẳng trong sản xuất kinh doanh với hàng hóa nhập khẩu hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít đại biểu Quốc hội có cách nhìn nhận chưa chính xác, thiếu cơ sở định lượng hay quan sát bài toán hạch toán cụ thể nên còn lo ngại rằng “áp thuế GTGT phân bón 5% sẽ làm tăng giá bán tới tay nông dân”, “gây áp lực, gánh nặng cho bà con”, hay “rất tội cho người nông dân”.

Hầu hết ý kiến của các đại biểu chưa thống nhất với dự thảo Luật đều là những lo ngại cảm tính, không có định lượng chứng minh cụ thể về tác động áp thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón. Chuyên gia thuế Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch Hội tư thuế Việt Nam tại một tọa đàm gần đây về đo lường tác động chính sách thuế GTGT phân bón 5% cũng đã chỉ ra mấu chốt này.

Ông Cư nhìn nhận phần lớn việc tranh cãi xung quanh câu chuyện nên áp thuế GTGT 5% hay không áp thuế có lợi hơn cho người nông dân và ngành nông nghiệp đều xuất phát từ cách hiểu thuần túy của các đại biểu Quốc hội nghĩ rằng “cứ áp thuế là cộng thêm chi phí vào giá bán làm tăng giá sản phẩm”.

Trên thực tế, việc đo lường tác động phải căn cứ trên sơ đồ hạch toán giá thành và thuế, tức là có tính toán định lượng cụ thể, chưa kể còn xét đến các tác động lâu dài không chỉ ở giá thành.

Việc lo ngại của các đại biểu Quốc hội về tác động chính sách thuế đến người nông dân là hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên, nếu thiếu định lượng, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn sẽ gây hiểu sai về chính sách này và dẫn đến những hệ lụy lợi bất cập hại lâu dài cho cả bà con và ngành nông nghiệp.

Cần những căn cứ khoa học và cơ sở định lượng hạch toán chính xác để đưa ra chính sách thuế GTGT phân bón tạo tác động tích cực tới bà con nông dân

Cơ sở khoa học và những định lượng cụ thể

Chuyên gia thuế Nguyễn Đình Cư đã đưa ra giả thiết hạch toán giá thành và thuế cụ thể của mặt hàng phân bón như sau: Giá vốn hàng bán, chi phí giá thành sản xuất là 100.000 đồng/tấn phân bón; thuế GTGT đầu vào 7.000 đồng/tấn; doanh nghiệp bán ra thị trường tới tay người nông dân với giá 110.000 đồng/tấn, khấu trừ chi phí và thuế đầu vào, lợi nhuận hiện tại không chịu thuế GTGT đầu ra của doanh nghiệp đạt 3.000 đồng/tấn.

Ở phương án đề xuất áp thuế suất 5% với mức giá phân bón bán ra thị trường hiện tại là 110.000 đồng/tấn, thì giá bán khi chưa tính mức thuế này là 110.000:105% còn 104.762 đồng/tấn. Mức 5% thuế GTGT của giá bán này được tính là 5.238 đồng/tấn. Như vậy, số thuế nhà sản xuất phân bón nội địa phải nộp tính theo công thức thuế suất đầu ra trừ đầu vào còn âm 1.762 đồng/tấn và sẽ được khấu trừ.

Hơn nữa, theo số liệu thống kê không đầy đủ, thuế GTGT đối với phân bón chiếm bình quân từ 6-7% giá vốn sản xuất, nên quy đổi ra giá bán sẽ vẫn cao hơn mức áp thuế GTGT 5%.

Từ phương án định lượng trên, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam khẳng định, với phương án thuế GTGT 5%, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng lên đúng bằng số thuế được khấu trừ. Trong khi đó, người nông dân không phải chịu tác động làm tăng chi phí sản xuất do áp dụng thuế GTGT. Ngân sách Nhà nước sẽ giảm thuế 1.762 đồng/tấn, nhưng sẽ được bù đắp bởi thuế nhập khẩu phân bón.

Nghiên cứu dựa trên số liệu các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cũng cho thấy, đối với doanh nghiệp sản xuất ure, định lượng tác động của việc áp thuế GTGT 5% sẽ có dư địa giảm 2% do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào lên tới 9,3%; doanh nghiệp sản xuất phân DAP, giá bán thành phẩm có dư địa giảm 1,13% do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào ở mức 8,1%; doanh nghiệp sản xuất phân lân, giá bán thành phẩm có dư địa giảm 0,87%, do được khấu trừ thuế GTGT đầu vào 7,7%; duy chỉ có giá bán sản phẩm NPK có thể tăng không đáng kể 0,09% hoặc giữ nguyên.

Giá phân urê, DAP, NPK, SA và Kali nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước, điều này cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón.

Như vậy, nếu điều chỉnh áp thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm dẫn đến giá bán trong nước có dư địa giảm, đem lại lợi ích lớn cho nông dân, giúp bà con có cơ hội giảm chi phí sản xuất.

“Giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm”

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải về các yếu tố tác động tới giá phân bón (Ảnh: Quochoi.vn)

Giải trình tại Nghị trường Quốc hội về nội dung thuế GTGT cho phân bón, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm, mà phụ thuộc vào giá thành sản xuất, thị trường, cung cầu.

Vì vậy, nếu cố định tất cả các loại chi phí thì thuế sẽ đảm bảo giá phân bón tăng hay giảm. Thực ra giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, phụ thuộc năng suất lao động, phụ thuộc giá nhân công, phụ thuộc vào các yếu tố khác, đặc biệt là phụ thuộc vào cung cầu.

Khi đang thực hiện không thu thuế đối với mặt hàng này giai đoạn 2018-2022 thì giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% - 43,6%, điều đó có nghĩa phụ thuộc cơ bản về thị trường, tức là về cung cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, khi đưa mặt hàng vào chịu thuế thì đúng là sẽ có tăng giá. Nhưng tăng giá chủ yếu là giá nhập khẩu, mà giá nhập khẩu thì có nghĩa là doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi. Bởi vì tăng giá thì thuế áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước.

Khi giá nhập khẩu tăng lên thì doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh. Như vậy, doanh nghiệp của nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ đồng vì hàng hóa nhập vào nhiều, còn doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp tăng thêm 200 tỷ đồng.

Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích để đảm bảo cho doanh nghiệp trong nước phát triển tốt và tạo điều kiện cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần sản phẩm, tiến tới giảm được giá bán cho người nông dân và nước ta làm chủ được vấn đề phân bón.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp