ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế
ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: Rất cần thiết khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế
Qua 10 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 (Luật Thuế 71) cho thấy nhiều bất cập, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, mà chính người nông dân là đối tượng gánh chịu. Để tháo gỡ những bất cập này, theo ông cần điều chỉnh đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế.
Theo ông Phan Đức Hiếu, khi đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT, xét trên nhiều góc độ: từ thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước; góp phần tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, có cơ hội hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ rõ trong các báo cáo, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế sẽ tháo gỡ khó khăn trong việc giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong nước, khi phân bón không thuộc diện chịu thuế, thách thức cũng rất lớn. Nếu đưa vào diện chịu thuế, thì có cơ hội hoàn thuế, giảm chi phí sản xuất, Chính phủ không có mong muốn gì khác, từ cơ hội DN giảm chi phí sản xuất thì có thể giảm giá bán, tạo lợi ích cho bà con nông dân. Do đó, ông Hiếu nhất trí với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế.
PGS.TS Ngô Trí Long
PGS.TS Ngô Trí Long: Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% là hợp lý
TS Ngô Trí Long chia sẻ thời gian qua, ông đã dự nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức nhằm tìm ra mức thuế suất hợp lý cho các DN sản xuất phân bón nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất và từ đó đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn khi không đánh thuế.
Tại các cuộc hội thảo trước đó, có nhiều mức thuế suất 0%, 5%, 7% được đưa ra thảo luận, song theo ông, với mức 5% là phù hợp nhất, bởi các DN sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở GTGT đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm 2-3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn, nông dân sẽ được hưởng lợi.
Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế GTGT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam, trong khi ngân sách Nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu.
Còn nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi ở mức 7-10% sẽ không thể hiện được ưu đãi của Nhà nước với ngành này.
Thu hoạch diện tích lúa thí điểm tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (ảnh: Nhựt An - TTXVN)
Nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, sẽ góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngànhphân bón…
Do đó, ông Long cho rằng, Quốc hội, Chính phủ nên sớm xem xét, sửa đổi quy định, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5%.
Việc ban hành quy định này sẽ tháo gỡ được những bất cập, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành phân bón. Bên cạnh đó, thông qua áp dụng mức thuế GTGT sẽ giúp DN trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Và quan trọng là tạo điều kiện cho DN đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
TS Phùng Hà
TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi DN phân bón phát triển ổn định
Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT.
Rất tiếc sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng, các viện, cơ quan nghiên cứu… hoặc không thực hiện hoặc không đủ thông tin dữ liệu để chứng minh rằng áp thuế GTGT 5% cho mặt hàng phân bón có lợi hay không chịu thuế có lợi hơn.
Việc ban hành Luật Thuế 71/2014/QH13 mục tiêu nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu.
Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể từng mục tiêu sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực chúng ta thấy chưa thực sự khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước, việc tác động đến nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp không rõ ràng, các dự án sản xuất phân bón trong nước hoàn toàn được xây dựng vào giai đoạn trước năm 2014.
Bên cạnh đó, theo Luật Thuế 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các DN sản xuất trong nước, phát sinh những bất cập khiến nhiều DN sản xuất trong nước phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Nguyên nhân là các DN sản xuất phân bón trong nước phải cạnh tranh về giá bán khi gánh chịu chi phí thuế GTGT, trong khi lại không áp dụng với mặt hàng nhập khẩu cùng loại.
Trong trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT với phân bón, phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.
Để góp phần tháo gỡ những bất cập như đã nêu trên, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, góp phần thúc đẩy bền vững của ngành sản xuất phân bón trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị đề xuất sửa đổi áp dụng mức thuế suất GTGT 5% thay cho quy định hiện nay.
Lợi ích lớn nhất là bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi DN phân bón trong nước sản xuất ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân. Nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm.
Nông dân mua phân bón nhập khẩu với giá cao hơn do phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau): Đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp
Trong phiên họp Quốc hội về Dự án Luật Thuế GTGT (tháng 6-2024), đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho DN được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho DN giảm giá bán cho nông dân, tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Đại biểu cũng cho biết, hầu hết các nước trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế.
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, được làm nên từ hàng triệu hộ nông dân. Hàng triệu hộ nông dân đó rất cần được quan tâm để họ đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững. Vậy thì phải hỗ trợ, mà hỗ trợ hiệu quả nhất là chính sách thuế. Đó là tác động đến hàng hóa đầu vào đang chiếm đến 40-60% giá thành sản xuất.
Theo dự thảo Luật Thuế GTGT, phân bón, tàu khai thác thủy sản xa bờ, lưu ký chứng khoán... sẽ chịu thuế GTGT 5% (thay vì không chịu thuế hiện nay).
Hiện DN không được kê khai, khấu trừ các chi phí GTGT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (GTGT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc nhóm không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.
Trong khi phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế GTGT, nên DN của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán. Điều này gây bất lợi cho phân bón nội địa khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Ông Nguyễn Trí Ngọc
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Đã đến lúc không thể không sửa đổi Luật Thuế 71
Ông Nguyễn Trí Ngọc phân tích, cho đến nay, qua 10 năm thực hiện Luật Thuế 71, chúng ta đã thấy nhiều bất cập. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, ngành nông nghiệp vẫn giữ được vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Cả đất nước phải thừa nhận.
“Tôi thấy rằng, đã đến lúc không thể không sửa đổi Luật Thuế 71, bởi có quá nhiều bất cập. Bất cập rất rõ nét, kể cả những người không hiểu về các sắc thuế như người nông dân, những người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” cũng đã rất thấm thía điều đó qua 10 năm thực thi Luật Thuế 71. Ngắn gọn là 10 năm không được áp thuế GTGT, ngành nông nghiệp vừa thiệt đơn vừa thiệt kép, người nông dân là đối tượng gánh chịu. Cho đến giờ, người nông dân đã chịu đựng trong suốt 10 năm qua”, ông Nguyễn Trí Ngọc nói.
Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam hiện có vài trăm nhà máy sản xuất phân bón các loại từ nhỏ cho tới lớn. Trong nông nghiệp sử dụng hằng năm vào khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại. Con số này để nói lên rằng, phân bón là hàng sản xuất nông nghiệp và trong chính sách của các quốc gia được coi là mặt hàng cần được ưu tiên khác với các loại hàng hóa khác.
Nếu áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, DN khi được khấu trừ 5% sẽ có điều kiện đầu tư mở rộng, từ đó đưa giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, người dân cũng được hưởng lợi.
Được biết, 60% lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu là từ Nga và Trung Quốc. Nga có chính sách thuế GTGT 20%; Trung Quốc là 11%, dự kiến giảm xuống 9%. Các nước xung quanh ta như Malaysia, Indonesia, Thái Lan cũng đều coi phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT. Ví dụ Thái Lan là 8%, Malaysia cũng xấp xỉ. Cả thế giới đều như vậy, không trừ quốc gia nào cả. Tư duy của họ là sản xuất nông nghiệp - đối tượng cần được ưu tiên, cần được phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội.
Việt Nam chúng ta coi trọng nông nghiệp, có rất nhiều nghị quyết, chủ trương, nhưng chính sách cụ thể thì chúng ta phải học tập, nghiên cứu vì hội nhập ngày càng sâu. 1 năm Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 55 tỉ USD và là xuất siêu. Một ngành đóng góp để thu về ngoại tệ cho đất nước là ngành nông nghiệp, dù trong bối cảnh hằng năm thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Phải thừa nhận rằng, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trụ đỡ này cần được hỗ trợ một cách toàn diện, đó là tầm vĩ mô.
Còn cụ thể, trụ đỡ này được làm nên từ hàng triệu hộ nông dân. Hàng triệu người nông dân đó rất cần được quan tâm để họ đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững theo chủ trương phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, sinh thái. Vậy thì phải hỗ trợ, mà hỗ trợ hiệu quả nhất là chính sách thuế. Đó là tác động đến hàng hóa đầu vào đang chiếm đến 40-60% giá thành sản xuất.
“Theo như tôi biết, sắc thuế GTGT là nguồn thu thuế lớn, là một trong những trụ cột của hệ thống thuế, nhưng phải làm sao để bền vững, hiệu quả thì đang bị tác động bởi những đầu nọ, đầu kia. Vậy tại sao chúng ta không hiểu rõ điều đó để thấy rằng, điều chỉnh thuế GTGT để từ nhóm không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế 5% cần thiết như thế nào?”, ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện Luật Thuế 71, các DN sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi do DN không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên DN không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.
Cùng với kiến nghị của DN sản xuất phân bón, Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón, các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang... cũng có kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón và thực hiện yêu cầu của Quốc hội tại điểm đ mục 2 Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã rà soát hệ thống văn bản pháp luật, trong đó đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Theo cơ quan soạn thảo, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó, chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.
Ứng dụng thiết bị “máy bay không người lái” vào sản xuất lúa Thu Đông 2024 trên địa bàn xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN)