Nhu cầu tương lai về khí đốt tự nhiên và LNG tại khu vực Nam Á (Kỳ I)

10:30 | 13/07/2024
Lượt xem: 463

Khu vực Nam Á được dự báo sẽ phải đối mặt với thách thức sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước hiện đang gặp nhiều khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Theo đó, các nước khu vực Nam Á đang đặt kỳ vọng vào LNG như một nguồn năng lượng quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào than hiện nay, đồng thời hỗ trợ việc triển khai năng lượng tái tạo.

Ảnh minh họa

Trong phạm vi bài viết này, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả chuỗi những bài phân tích đánh giá của các chuyên gia kinh tế lượng năng lượng và phân tích kinh tế năng lượng thuộc Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (Gas Exporting Countries Forum-GECF) phát hành trong tháng 6 vừa qua về khám phá nhu cầu tương lai về khí đốt tự nhiên và LNG tại khu vực Nam Á, để tham khảo.

Những phát triển gần đây và xu hướng hiện tại về nhu cầu và thương mại năng lượng và khí đốt tự nhiên tại khu vực Nam Á

Hiện dân số của khu vực Nam Á đang phát triển và nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng đã đưa lĩnh vực năng lượng của khu vực này vào quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ. Với việc CH Ấn Độ đóng vai trò là cường quốc trong khu vực, tổng nhu cầu năng lượng chính ở khu vực Nam Á trong hai thập kỷ qua đã tăng gần 145%, đạt 1.265 Mtoe (2022). Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng đáng kể trong việc tiêu thụ than và dầu, trong đó việc sử dụng khí đốt tự nhiên cũng có mức tăng trưởng rất đáng chú ý.

Hiện khí đốt tự nhiên đóng góp 9% vào tăng trưởng nhu cầu năng lượng của khu vực Nam Á từ năm 2000 đến năm 2022. Đầu những năm 2000, nguồn khí đốt tự nhiên nội địa của khu vực Nam Á khá dồi dào với giá cả thấp, đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa và sự phát triển của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường điện và nhiên liệu nấu ăn sạch, thay thế. Hiện nay, khí đốt tự nhiên trong khu vực chủ yếu được tiêu thụ trong các lĩnh vực sản xuất điện và công nghiệp.

Đồng thời, vai trò của khí đốt tự nhiên tại các nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Nam Á là CH Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh hiện là rất đa dạng. Tại CH Ấn Độ, khí đốt tự nhiên chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, mặc dù tỷ trọng của nó trong cơ cấu năng lượng của đất nước chỉ chiếm 5% (2022). Ngược lại, khí đốt tự nhiên đã nổi lên như một loại nhiên liệu cơ bản ở Bangladesh khi chiếm khoảng 55% tổng năng lượng trong vòng 5 năm qua và là nguồn năng lượng chính cho việc cung cấp điện. Tại Pakistan, khí đốt tự nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng trong ma trận năng lượng khi chiếm trung bình 32% tổng năng lượng quốc gia trong những năm gần đây với nhu cầu gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực dân dụng, thương mại, công nghiệp và các nhà máy nhiệt điện.

Trong khi đó, các quốc gia tại khu vực Nam Á đều có đặc điểm là sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước bị trì trệ hoặc đang suy giảm bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng tăng cao và các chính sách hướng tới thúc đẩy việc sử dụng khí đốt tự nhiên để thay thế nhiên liệu phát thải carbon cao hơn. Sự chênh lệch giữa cung và cầu khí đốt tự nhiên trong khu vực Nam Á ngày càng gia tăng, dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu LNG. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, các nước CH Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đều đã phải trông cậy cả vào việc nhập khẩu LNG bởi vì các nước này chỉ có nhập LNG: CH Ấn Độ bắt đầu nhập khẩu LNG (2004), tiếp theo là Pakistan (2015) trong khi Bangladesh gia nhập câu lạc bộ các nhà nhập khẩu LNG (2018). Giai đoạn 2020-2021, tỷ lệ phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của khu vực Nam Á đã vượt qua mức 35%, điều này phản ánh mức tăng 25 điểm phần trăm kể từ năm 2010. Trong thời gian tới, khu vực này dự báo sẽ tiếp tục gia tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu LNG.

Từ năm 2004 đến 2009, CH Ấn Độ đã gia tăng đáng kể lượng nhập khẩu LNG lên gấp 5 lần, đạt mức 10 Mt (2009). Từ năm 2009 đến 2018, CH Ấn Độ cũng đã tăng hơn gấp đôi lượng nhập khẩu LNG với nhu cầu LNG đã đạt đỉnh 27 Mt (2020) song liền sau đó đã giảm xuống do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. Năm 2022, CH Ấn Độ đã nhập khẩu 20 Mt LNG, chiếm khoảng 48% tổng sản lượng tiêu thụ khí đốt của cả nước song con số này đã giảm đáng kể tới 17% so với năm trước đó do giá giao ngay neo ở mức cao. Năm 2023, nhu cầu LNG của CH Ấn Độ bắt đầu được phục hồi, tăng 7% do giá LNG giao ngay đã quay trở lại mức ổn định bình thường.

Tính đến năm 2018, Bangladesh vẫn còn phụ thuộc vào sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước. Tuy nhiên, cũng trong ngay năm đó, nước này cũng đã bắt đầu nhập khẩu LNG, khởi động với mức khá khiêm tốn chỉ là 0,7 Mt, sau đó tăng lên 5,1 Mt (2021). Do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu (2022) và giá LNG giao ngay tăng cao, điều này dẫn tới việc nhập khẩu giảm xuống mức 4,4 Mt (2022). Tuy nhiên, khi giá LNG ổn định trở lại, nhập khẩu LNG đã được phục hồi, với mức tăng lên 5,22 Mt (2023), đánh dấu mức tăng trưởng đột biến 19% so với cùng kỳ năm trước đó. Do vậy, sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước đã giảm khá nhanh chóng cũng như việc đưa vào vận hành các nhà máy điện đốt khí mới đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu LNG ngày càng gia tăng.

Theo ước tính, chỉ trong vòng sáu năm, kể từ năm 2015 đến năm 2021, nhập khẩu LNG của Pakistan cũng đã tăng hơn 8 lần, từ mức 1 Mt lên 8,2 Mt. Năm 2023, nhập khẩu LNG của nước này tăng nhẹ, lên mức 7,2 Mt so với mức tăng 6,9 Mt (2022). Bất chấp sự gia tăng kể trên, nhập khẩu LNG vẫn thấp hơn 14% so với mức 8,2 Mt (2021). Hiện Pakistan đang dần hồi phục sau giai đoạn giá LNG tăng cao thời gian gần đây. Tuy nhiên, Pakistan vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo các hợp đồng LNG giao dài hạn và vẫn rất dễ bị tổn thương trước những biến động giá cả trên thị trường toàn cầu. Do vậy, Pakistan phần lớn hạn chế mua LNG trên thị trường giao ngay cho đến tháng 10/2023 khi nước này đảm bảo đủ hàng cho đợt giao hàng tháng 12 sau đó.

Tại khu vực Nam Á, “khả năng chi trả” vẫn luôn là mối quan tâm chính trong bộ ba bất khả thi về năng lượng (tính bền vững: năng lượng loại bỏ carbon; an ninh: đảm bảo an ninh và độ tin cậy của nguồn cung năng lượng), trong đó bao gồm cả sự tập trung chú trọng về sự bền vững và an ninh năng lượng. Bằng chứng gần đây nhất cho thấy xu hướng nhập khẩu LNG ngày càng gia tăng đi kèm với giới hạn nghiêm ngặt về sự nhạy cảm đối với giá LNG cao. Năm 2022, đối mặt với giá LNG tăng cao kỷ lục, CH Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh đã lựa chọn việc thoái lui khỏi thị trường LNG giao ngay, thay vào đó tập trung ưu tiên các hợp đồng LNG giao dài hạn. Tuy nhiên, số lượng LNG được đảm bảo thông qua các thỏa thuận này không đủ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên, đặc biệt là trong trường hợp của Pakistan và Bangladesh. Khi mà các quốc gia giàu có hơn so với các nước tại khu vực Nam Á, đã trả giá LNG cao hơn trên thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu thì khu vực này ngay lập tức đã chứng kiến sự sụt giảm về nhập khẩu LNG (2022), cụ thể là nhập khẩu LNG của CH Ấn Độ giảm 17%, Pakistan (-16%) và Bangladesh (-14%). Ngay tại khu vực Nam Á, nơi mà giá LNG tăng cao không thể chuyển đổi trực tiếp đối với người tiêu dùng, các bên trung gian ví dụ như các đơn vị cơ sở tiện ích nhà nước và nhà nhập khẩu đều phải chịu đựng chấp nhận gánh nặng về chi phí. Hệ quả là khi giá LNG tăng mạnh, các nước khu vực Nam Á sẽ giảm nhập khẩu, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên và điện trong nước. Ngoài ra, khả năng trả nợ hạn chế cũng đã khiến khí đốt tự nhiên và cả điện nữa đều kém hấp dẫn hơn đối với người bán.

Tuy nhiên, khi giá LNG đã bắt đầu ổn định trở lại (2023), nhu cầu về khí đốt tự nhiên và LNG ở khu vực Nam Á cũng đã dần tăng trở lại. Đối với thị trường châu Á, giá LNG giao ngay trung bình hàng năm của NEA giảm 60% (2023) so với mức năm 2022, đạt 13,47 USD/mmbtu do nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm bớt sau khi gia tăng đột biến (2022).

Cụ thể hơn, chiến lược chủ động của CH Ấn Độ trong việc đảm bảo các hợp đồng LNG giao dài hạn trong khu vực Nam Á đóng vai trò là bước đi chiến lược nhằm tăng cường an ninh năng lượng trong bối cảnh thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu đầy biến động. Thông qua việc thúc đẩy các liên minh mạnh mẽ với các nhà cung cấp năng lượng quốc tế uy tín, CH Ấn Độ đã tự khẳng định mình sẵn có khả năng điều hướng một cách khéo léo những bất ổn sắp tới của thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu. Khi môi trường năng lượng toàn cầu trải qua tiến trình biến đổi liên tục, việc CH Ấn Độ tập trung chú trọng vào các giải pháp năng lượng mang tính lâu dài và đáng tin cậy sẽ góp phần đảm bảo sự bền vững và phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia này. Kể từ cuối năm 2023 đến nay, giá khí đốt tự nhiên giao ngay đã có xu hướng giảm và độ dốc của dầu thô (lower slopes to crude oil) tức giá hợp đồng thứ hai trong phái sinh giá LNG là yếu tố thương lượng và thường được gọi là “độ dốc giá” được sử dụng trong các hợp đồng LNG liên kết với dầu, độ dốc đề cập đến tỷ lệ phần trăm của chỉ số dầu thô mà LNG được định giá, đối với những hợp đồng mua LNG đều giảm, điều này đã bắt đầu thu hút người mua CH Ấn Độ quay trở lại thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu. Theo đó, những người mua CH Ấn Độ đã cam kết ký các hợp đồng giao dài hạn liên quan đến dầu mỏ trị giá khoảng 9 Mtpa kể từ đầu năm 2024 đến nay, bao gồm việc hãng QatarEnergy mới đây đã gia hạn hợp đồng 7,5 Mtpa LNG với thời hạn 20 năm với hãng Petronet LNG Ltd (New Dehli), bắt đầu giao LNG vào năm 2028. Trong tháng 1/2024, hãng năng lượng GAIL Ltd (New Dehli) cũng đã ký hai hợp đồng thời hạn 10 năm với các hãng ADNOC (Abu Dhabi, UAE) và hãng giao dịch năng lượng đa quốc gia Vitol (CH Hà Lan) bắt đầu cung cấp LNG vào năm 2026, với số lượng lần lượt là 0,5 Mtpa và 1 Mtpa.

Tại Bangladesh, trong tháng 1/2024, Summit Group là tập đoàn đa lĩnh vực nghề, trong đó có mảng năng lượng, đã công bố thỏa thuận sơ bộ để cung cấp cho công ty khí đốt quốc gia Petrobangla 1,5 Mtpa LNG trong thời hạn 15 năm, điều này góp phần làm gia tăng số lượng hợp đồng cung cấp LNG dài hạn bắt đầu vào tháng 10/2026. Tháng 6/2023, OQ Trading Ltd thuộc sở hữu nhà nước của Oman cũng đã hoàn tất thỏa thuận mua bán (SPA) với công ty Petrobangla để cung cấp LNG từ 0,25 Mtpa đến 1,5 Mtpa, trong đó bao gồm việc thỏa thuận quy định việc bàn giao ít nhất bốn lô hàng LNG vào năm 2026 và cuối cùng là 24 lô hàng LNG khác giao hàng năm từ năm 2029 đến năm 2035. Ngoài ra, trong năm 2023, công ty Petrobangla cũng đã hoàn tất đảm bảo một SPA mới có thời hạn 15 năm với hãng QatarEnergy bổ sung công suất 1,8 Mtpa LNG bắt đầu từ năm 2026 trở đi. Hãng QatarEnergy cũng đã duy trì thỏa thuận mua bán LNG (SPA) hiện tại cung cấp LNG cho Bangladesh, với công suất 2,5 Mtpa kéo dài từ năm 2018 đến năm 2033. Chiến lược trên của công ty Petrobangla cho thấy mục đích rõ ràng là nhằm đảm bảo khối lượng LNG trên cơ sở lâu dài và giảm thiểu sự hướng tới thị trường LNG giao ngay.

Hiện Pakistan cũng nhập khẩu LNG thông qua các hợp đồng giao dài hạn với hãng QatarEnergy. Mặc dù chủ yếu dựa vào các thỏa thuận giao LNG dài hạn song Pakistan cũng đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. Trong năm 2022, Gunvor Group Ltd là một công ty kinh doanh hàng hóa năng lượng đa quốc gia (Liên bang Thụy Sỹ) đã hủy bỏ bốn chuyến giao hàng LNG dự kiến vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6 cùng năm theo hợp đồng thỏa thuận hết hạn vào tháng 7/2022. Tương tự, công ty dầu khí đa quốc gia Eni SpA (CH Ý) cũng đã hủy bỏ một chuyến giao hàng LNG vào năm 2022, sau khi đã hủy bỏ ba chuyến giao hàng LNG khác vào năm 2021, bất chấp hợp đồng SPA đã ký kết với công ty United Energy Pakistan Ltd có thời hạn kéo dài từ năm 2017 đến năm 2035. Trong tháng 10/2023, Pakistan cũng đã thực hiện giao dịch thỏa thuận đầu tiên mua LNG giao ngay với thời hạn trên một năm với hãng giao dịch năng lượng đa quốc gia Vitol khi mà giá khí đốt tự nhiên giao ngay giảm, thậm chí trong bối cảnh tình trạng thiếu điện triền miên và nhu cầu khí đốt tự nhiên đang mở rộng trong nước. Các vòng mở thầu cung cấp LNG được công bố (6/2023) cũng đã không đảm bảo được mức giá cả LNG phải chăng, điều này dẫn đến không có sự tiếp nhận lô hàng LNG nào sau đó. Tuy nhiên, Pakistan cũng đã kịp tái gia nhập thị trường LNG giao ngay với hai lô hàng LNG đã được giao (12/2023).

Tương tự như Bangladesh, Pakistan dự báo cũng sẽ theo đuổi khối lượng cam kết hợp đồng giao LNG dài hạn nhiều hơn để làm giảm khả năng tiếp cận với thị trường giao ngay. Tuy vậy, việc đảm bảo nguồn tài chính dựa trên các thỏa thuận bao tiêu LNG có thể gặp khó khăn do mức xếp hạng tín dụng của người mua Pakistan thấp hơn.

Link nguồn:

https://www.gecf.org/_resources/files/events/exploring-the-future-of-natural-gas-and-lng-demand-in-south-asia/eefd-ec-2024-demand-and-trade-in-south-asia.pdf

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp