Lý Sơn - mảnh đất được gọi ví như là “Maldives của Việt Nam”, hòn đảo xinh đẹp luôn mang trong mình một sức hút khó cưỡng đối với những ai yêu thích du lịch và khám phá. Là một huyện đảo nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, diện tích tự nhiên chỉ gần 10km2 với dân số khoảng 23.000 người, đảo Lý Sơn có đến gần 100 di tích với một quần thể các đình, đền, chùa, miếu, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa xưa một thời giong buồm ra khơi xác định và giữ gìn chủ quyền biển đảo quốc gia. Tuy với diện tích không quá rộng nhưng cũng đủ để Lý Sơn mang đến một niềm vấn vương lưu luyến đối với du khách, những ai đã từng có dịp được đặt chân đến đây. Mùa hè nà
Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè tháng 6, sau hơn 40 phút lênh đênh, dập dềnh trên sóng biển, hòn đảo hoang sơ và xinh đẹp Lý Sơn hiện ra trước mắt. Ngay khi đặt chân đến Lý Sơn, chúng tôi đã cảm nhận được bầu không khí trong lành và sảng khoái, khác biệt hoàn toàn so với thành phố ồn ào, bụi bặm. Biển xanh ngắt và nắng vàng rực rỡ, gió mát lồng lộng làm chúng tôi cảm thấy khoan khoái vô cùng.
Nước biển xanh trong màu ngọc bích
Buổi xế trưa, khi cái nắng chói chang chiếu thẳng trên đầu, chúng tôi đến tham quan nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở ngay trung tâm huyện lị. Phần sảnh của công trình là tượng đài cao hơn 4m khắc họa hình ảnh ba vị binh phu đại diện của đội quân. Nhà trưng bày gồm ba phòng, trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật, tranh ảnh có giá trị lịch sử góp phần minh chứng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của Đất nước Việt Nam.
Tượng đài ba vị binh phu Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Đầu giờ chiều, đoàn Ban Pháp chế Thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chúng tôi cùng đại diện Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn đến Ủy ban huyện Lý Sơn để thực hiện Chương trình thiện nguyện “Ủng hộ cờ Tổ quốc cho các hộ dân và trao quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”. Với sự hăng hái và nhiệt tình của các thành viên trong đoàn, hoạt động đã diễn ra trong không khí ấm áp, chan hòa tình thương. Chúng tôi đã trò chuyện với những người dân nơi đây để có thể hiểu thêm về cuộc sống bám biển; về tính cách hồn hậu, chân chất, thật thà; về những em bé học sinh ngoan ngoãn và ánh mắt thì lúc nào cũng long lanh đáng yêu vô cùng. Cuộc sống tuy vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng người dân xứ biển luôn giữ được nụ cười hiền hậu với tính cách hào sảng, chất phác. Dù là du khách đến từ đâu, họ cũng luôn chào đón nồng nhiệt, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ những câu chuyện về văn hóa và cuộc sống thường nhật.
Thực hiện Chương trình thiện nguyện “Ủng hộ cờ Tổ quốc cho các hộ dân và trao quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”
Đến tham quan chùa Hang, ngôi chùa tọa lạc trong hang động lớn nhất đảo thờ Phật, chúng tôi mê mẩn bởi vẻ đẹp tự nhiên của những kỷ đá, giường đá, những dãy bàng cổ thụ cành lá sum suê phủ kín cửa hang và tượng Quan Thế Âm nhìn hướng ra phía biển Đông… Ven bờ biển từ chùa Hang đến hang Câu là khung cảnh hùng vĩ làm mê đắm lòng người với một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển mênh mông.
Địa điểm để tiếp tục hành trình vào buổi xế chiều của chúng tôi là đỉnh núi Thới Lới nằm ở phía Đông huyện đảo. Đây là ngọn núi có lịch sử hình thành từ năm ngọn núi lửa độc đáo đã tắt từ lâu nhưng vết tích vẫn còn sót lại với nham thạch phân hủy thành đất đỏ phì nhiêu bao quanh một hồ nước rộng lớn, cung cấp nước ngọt và nhiệt năng cho cả đảo. Nhìn từ xa, núi Thới Lới như một bức tường thành hiên ngang, sừng sững với những khối đá đủ hình thù xếp chồng lên nhau. Trên đỉnh núi là cột cờ Tổ quốc được xây dựng như một lời khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay giữa biển trời lộng gió khiến chúng tôi ai nấy đều có cảm giác xúc động và tự hào vô cùng.
Chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh núi Thới Lới
Rời đỉnh Thới Lới, chúng tôi di chuyển đến cổng Tò Vò - một biểu tượng của Lý Sơn với hình thù độc đáo được tạo thành từ hai tảng đá lớn và nối liền bởi một phiến đá mỏng, được mệnh danh là kiệt tác của thiên nhiên với khung cảnh hùng vĩ, độc đáo và vẻ đẹp hoang sơ, mê hoặc. Đây là nơi tập trung những ngôi mộ gió và cũng là nơi thờ cúng những hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa một thời. Từ cổng Tò Vò, phóng tầm mắt ra xa chúng tôi được ngắm khu làng chài yên bình của ngư dân trên đảo. Người ta bảo rằng, nếu tới cổng Tò Vò khi hoàng hôn thì sẽ “săn” được những bức ảnh để đời. Thật vậy, tới đây từ khi trời còn khá nắng, tôi và đoàn ngồi đợi một chút thì mặt trời cũng từ từ đi về phía chân trời, nắng dịu lại chứ không còn chói chang, gay gắt nữa. Cảnh hoàng hôn trên biển hiện ra đẹp đến nao lòng càng tô điểm cho chuyến đi của chúng tôi nhiều thêm những gam màu sống động, rạng rỡ… Và những bức ảnh “săn hoàng hôn” đẹp đẽ và vô cùng đắt giá cứ thế ra đời.
Chụp ảnh lưu niệm tại cổng Tò Vò
Ngày thứ hai ở Lý Sơn, chúng tôi đến thăm đảo Bé - nơi có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi hình cánh cung với vách đá cao và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm như hòn ngọc rơi xuống từ thiên đường. Đến đây, chúng tôi được tham quan và chụp ảnh với những vách đá trầm tích núi lửa được hình thành từ hàng triệu năm trước, trải qua quá trình phong hóa, bào mòn của thiên nhiên, tạo nên những hình thù độc đáo, lạ mắt. Thoải mái tắm biển trong làn nước mát trong xanh của bãi Tiên và được người dân chèo thuyền thúng để chở đi ngắm những rạn san hô và những đàn cá tung tăng bơi lội, tôi cảm thấy chuyến đi này thật đặc biệt với những khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ. Đảo Bé không có nhiều dịch vụ du lịch như các bãi biển khác, chính vì thế chúng tôi có thể thoải mái tận hưởng sự yên tĩnh và thư giãn mà khó nơi nào có thể mang lại được.
Chụp ảnh lưu niệm tại đảo Bé
Một trong những điều thú vị mà tôi được trải nghiệm ở đây là tham quan những cánh đồng tỏi Lý Sơn được trồng trên đồi cát trắng mịn, trải dài ven biển. Người dân Lý Sơn có cách trồng tỏi rất độc đáo, họ sử dụng cát trắng để trồng tỏi thay vì đất. Cát trắng có khả năng thoát nước tốt, giúp tỏi phát triển khỏe mạnh và ít bị sâu bệnh nên tỏi Lý Sơn có hương vị thơm ngon, cay nồng hơn so với tỏi trồng ở những nơi khác. Thứ đặc sản ấy rất thích hợp để mua về làm quà tặng người thân, bạn bè.
Sau những ngày được trải nghiệm tại Lý Sơn, chúng tôi mang về đất liền cả hòn đảo trong những bức hình xinh đẹp, trong hương vị mặn mòi từ những món quà của biển và mang theo cả nỗi nhớ về hòn đảo tuyệt đẹp này không chỉ bởi thiên nhiên hoang sơ, yên bình mà còn là niềm xúc động, tự hào về Đất nước, Tổ quốc thân yêu và vẻ đẹp của con người nơi Cù lao Ré thân thương!