Tàu chở LNG phá băng Christophe de Margerie trên đường từ Sabetta đến Jingtang, Trung Quốc. (Ảnh Sovcomflot)
Nhà khai thác Novatek của Nga dựa vào các điểm dừng ở EU để chuyển nhiên liệu tới Bắc Cực từ các tàu phá băng sang tàu chở dầu thông thường. Mặc dù lệnh cấm sẽ không ngăn cản hàng hóa đến châu Âu - nơi nhập khẩu LNG từ Nga thực sự đã tăng lên sau xung đột - nhưng điều này sẽ khiến việc vận chuyển khí đốt tới các nước thứ ba ở châu Á trở nên khó khăn hơn, có thể khiến những người mua chính như Trung Quốc và Ấn Độ tức giận.
Các nhà hoạch định chính sách EU đang thảo luận về quyết định này như một phần trong gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga. Mặc dù đây không phải là lệnh cấm hoàn toàn nhưng đây sẽ là lần đầu tiên châu Âu thực thi các biện pháp cụ thể chống lại LNG của Nga.
Nếu được chấp thuận, biện pháp này có thể dẫn đến lượng nhiên liệu của Nga lưu thông ở châu Âu nhiều hơn. Nó cũng có thể gây ra những thách thức về hợp đồng cho các công ty hậu cần châu Âu và phản ứng chính trị từ các quốc gia mua khí đốt khác.
Lệnh trừng phạt cụ thể gồm những gì?
Để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, dự án Yamal LNG tại Bắc Cực – do Novatek dẫn đầu – dựa vào các cảng Zeebrugge ở Bỉ và Montoir ở Pháp để chuyển hàng hóa từ 15 tàu phá băng sang tàu chở dầu thông thường. Thông thường, tàu đến dỡ hàng tại bến và tàu chở LNG sẽ tải vào cùng thời điểm. Nhưng điều đó sẽ không còn thực hiện được do lệnh cấm.
Đối với Yamal LNG, việc dừng lại là cần thiết để cho phép các tàu chuyên dụng cao quay trở lại nhà máy ở Bắc Cực, nơi điều kiện quá khắc nghiệt đối với các tàu thông thường. Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy có tới 8 hàng hóa của Nga được trung chuyển ở châu Âu trong vài tháng qua, mặc dù con số này đã thay đổi và giảm đáng kể trong mùa hè và mùa thu, khi Tuyến đường biển phía Bắc xuyên qua Bắc Cực có ít băng hơn và giúp tiếp cận Trung Quốc dễ hơn.
Việc mua LNG ở châu Âu sẽ có ý nghĩa gì?
Theo công ty tư vấn Energy Aspects Ltd., nhập khẩu LNG của Nga vào EU đạt tổng cộng 14,4 triệu tấn vào năm ngoái. Các chuyến trung chuyển, nơi nhiên liệu được chuyển giao, chiếm 2 triệu tấn. Một kịch bản có thể xảy ra là lệnh cấm sẽ dẫn đến khối lượng bổ sung còn lại trong khối, nơi LNG của Nga đã nắm giữ thị phần khoảng 13%.
James Waddel, người đứng đầu bộ phận khí đốt châu Âu và LNG toàn cầu tại Energy Aspects, cho biết, ví dụ, Novatek có thể dỡ hàng dành cho châu Á từ châu Âu và sử dụng các giao dịch hoán đổi địa điểm. Điều này có nghĩa là họ sẽ lấy nguồn khí đốt từ nơi khác để cung cấp cho khách hàng châu Á.
Kết quả là, điều đó “sẽ khiến các Chính phủ châu Âu bị cáo buộc đang tăng cường cung cấp LNG của Nga trong khi tuyên bố rằng đang cố gắng giảm thiểu nguồn cung”, Waddel nói.
Khai thác LNG của Nga sẽ bị ảnh hưởng?
Các lệnh trừng phạt sẽ làm phức tạp thêm vấn đề hậu cần vận chuyển cho Nga và buộc các tàu chuyên dụng phải di chuyển trên các tuyến đường dài hơn. Các hạm đội tàu toàn cầu đã tránh Biển Đỏ sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen, buộc các chuyến tàu phải định tuyến lại quanh châu Phi. Theo Energy Aspects, việc vận chuyển hàng hóa của Yamal LNG trực tiếp đến châu Á sẽ làm tăng chi phí vận chuyển và hậu cần, đồng thời cũng khiến các tàu phá băng phải hoạt động lâu hơn.
Nga thực sự có một số lựa chọn thay thế: Họ tiến hành vận chuyển hàng hóa từ tàu này sang tàu khác gần thành phố Murmansk ở phía bắc nước này, nơi các tàu thuyền có thể ra vào. Các tàu này cũng có thể sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc vào mùa hè khi băng tan và nhiều loại tàu có thể tiếp cận nhà máy.
Nếu các thỏa thuận vận chuyển thay thế không thành công, xuất khẩu LNG của Nga có thể bị giảm. Nhưng quốc gia này khá rành trong việc lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ.
Lệnh cấm sẽ có ý nghĩa gì đối với khách hàng châu Á?
Theo Energy Aspects, xuất khẩu LNG của Nga sang người mua châu Á có thể giảm hoặc trở nên đắt hơn do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Trong một kịch bản bi quan, “nếu Novatek không thể cơ cấu lại hệ thống hậu cần của mình và hoạt động xuất khẩu LNG của Nga bị đóng cửa, châu Âu sẽ làm gián đoạn hợp đồng cung cấp 3 triệu tấn LNG của Nga với Trung Quốc mỗi năm, điều này có thể tạo ra phản ứng chính trị dữ dội từ Trung Quốc”, ông Waddel nói.
Ông nói thêm, việc dựa vào Tuyến đường biển phía Bắc hoặc trạm trung chuyển Murmansk cũng sẽ phụ thuộc vào điều kiện khí hậu băng giá, việc chuyển nguồn cung sang châu Á sang nửa cuối mỗi năm.
Các công ty châu Âu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Theo một cơ sở hợp đồng do nhóm các nhà nhập khẩu dầu khí toàn cầu công bố, các công ty châu Âu như Securing Energy for Europe GmbH, Shellvà TotalEnergies SE của Đức phụ thuộc vào việc trung chuyển tại Zeebrugge và Montoir cho hàng hóa Yamal LNG.
Những hợp đồng đó sẽ không hết hạn cho đến năm 2038 và 2041, có khả năng mở ra cơ hội cho các thông báo bất khả kháng hoặc tranh chấp hợp đồng nếu việc trung chuyển bị cấm.
Ví dụ, SEFE cần khối lượng LNG của Yamal LNG được chuyển đến Zeebrugge để phục vụ hợp đồng dài hạn với GAIL của Ấn Độ. CEO công ty Đức nói với Bloomberg vào đầu năm nay rằng nguồn cung của Yamal có thể ở lại khu vực nếu giá rẻ hơn về mặt hậu cần, đồng thời cung cấp cho GAIL từ các nguồn khác. SEFE cho biết họ đang theo dõi diễn biến và từ chối bình luận chi tiết về tác động tiềm ẩn của gói trừng phạt.
Ai sẽ bị ảnh hưởng nhất?
Một trong những kẻ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng nhất có thể là Fluxys SA, công ty vận hành kho cảng Zeebrugge LNG. Công ty đã xây dựng một bể chứa chuyên dụng tại Terminal LNG để phục vụ hợp đồng 20 năm với Yamal Trade, một chi nhánh kinh doanh của Yamal LNG.
Theo ước tính của thị trường, Terminal LNG có thể thông báo tình trạng bất khả kháng trong trường hợp có lệnh trừng phạt đối với việc trung chuyển hoặc phải đối mặt với mức phạt lên tới 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD), nếu không thể cung cấp dịch vụ cho Yamal Trade trong thời gian còn lại của hợp đồng. Người phát ngôn của Fluxys cho biết vẫn chưa rõ chính xác những gì sẽ bị trừng phạt và do đó không thể ước tính tác động chính xác.