PV: Thưa ông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26-11-2014 sau khi được thực thi đã bộc lộ những bất cập hạn chế gì?
TS Phùng Hà
TS Phùng Hà: Qua thời gian thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 71/2014/QH13 ngày 26-11-2014 (sau đây gọi tắt là Luật Thuế 71) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và đã đạt được mục tiêu đề ra. Với tỷ trọng lớn trong số thu ngân sách Nhà nước, thuế GTGT góp phần tạo lập nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Tuy vậy, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, về thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón: Theo quy định của Luật Thuế 71 thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Thực hiện quy định trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Thứ hai, do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn.
Ngoài ra, theo Luật Thuế 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phải “gánh” chi phí thuế GTGT.
PV: Ông có thể đưa ra một vài con số ước tính để thấy được việc “lợi bất cập hại” của Luật Thuế 71?
TS Phùng Hà: Theo Luật Thuế 71, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào. Từ năm 2020 đến nay các đơn vị thành viên của Hiệp hội hoặc không tính toán hoặc không cập nhật số liệu về Hiệp hội nên chúng tôi chỉ có số liệu của năm 2020 về trước.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (bao gồm các doanh nghiệp sản xuất urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK) không được khấu trừ khoảng 400-650 tỉ đồng mỗi năm. 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ 500-650 tỉ đồng mỗi năm.
Cụ thể hơn, theo số liệu thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp năm 2018 của một số đơn vị như sau: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 141 tỉ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỉ đồng...
Theo số liệu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo), khoản thuế GTGT đầu vào của PVFCCo năm 2016 là 284 tỉ đồng; năm 2017 là 371 tỉ đồng; năm 2018 là 518 tỉ đồng; năm 2019 là 358 tỉ đồng; năm 2020 là 326 tỉ đồng.
Theo một công bố, ước tính quy mô ngành phân bón Việt Nam ở mức hàng trăm nghìn tỉ đồng/năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu vài nghìn tỉ đồng/năm.
PV: Thời gian qua nhiều loại phân bón giá rẻ (hàng giả, kém chất lượng) đã được sản xuất, tiêu thụ tràn lan tại Việt Nam. Theo ông, điều này ảnh hưởng như thế nào đến môi trường, cũng như đến ngành nông nghiệp nước ta? Biện pháp nào phòng chống vấn nạn nêu trên?
TS Phùng Hà: Không phải chỉ thời gian qua mà đã từ khá lâu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp. Người sử dụng rất khó phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả, có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm, có người phó thác vào uy tín của đại lý làm ăn lâu năm…
Hậu quả của vấn nạn này là khá nặng nề, không chỉ đối với người sử dụng mà còn đến môi trường sinh thái… Đối với người sử dụng thì gây thiệt hại nặng về kinh tế, về tâm lý. Đối với nhà sản xuất thì ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với thương hiệu và ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận.
Với cây trồng, sẽ không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp khi trồng trọt vì hoặc cây trồng không phát triển, chết hàng loạt hoặc cây có lớn nhưng còi cọc, không có trái, không có hạt... ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản, năng suất cây trồng. Đối với đất đai, môi trường, khiến đất đai bạc màu, về lâu dài ảnh hưởng đến tài nguyên đất, làm giảm giá trị dinh dưỡng của đất, ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu không được kiểm soát nằm trong phân bón giả, phân bón rởm ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường, chất lượng, sức khỏe của người sử dụng và của cộng đồng.
Các hình thức của phân bón giả, kém chất lượng có thể là hàng giả chất lượng, hàng kém chất lượng, hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng, giả của các đơn vị uy tín. Để tăng cường phòng chống phân bón giả, phân bón rởm, cần có các biện pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý, nhà sản xuất, người sử dụng. Như tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoặc lồng ghép tuyên truyền nội dung về phân bón cho các đối tượng có liên quan; cập nhật, cung cấp thông tin, hướng dẫn cách nhận biết phân bón giả, kém chất lượng; cấp phép và giám sát các điều kiện cần và đủ cho việc sản xuất phân bón; tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón, các quy định về quản lý phân bón. Ngoài ra, không nên ham rẻ, ham khuyến mại; nên chọn mua phân bón, vật tư nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn, uy tín và có “bề dày lịch sử” trong sản xuất kinh doanh.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ
PV: Nếu đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT thì bao nhiêu % là hợp lý, thưa ông?
TS Phùng Hà: Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước duy trì và phát triển ổn định, bền vững, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, cần nhanh chóng đưa mặt hàng phân bón từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT. Về đề xuất tỷ lệ bao nhiêu % đã có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị. Thí dụ, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT 0-5% và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Bộ Tài chính cho biết, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên chính sách thuế GTGT của nhiều quốc gia được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT ở mức 5%.
PV: Ông có thể cho biết, thời gian qua, Hiệp hội có những đề xuất, kiến nghị gì để “gỡ khó” cho doanh nghiệp phân bón và bà con nông dân?
TS Phùng Hà: Nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến ngành phân bón, từ năm 2015 đến nay, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… và một số cơ quan khác về việc sửa đổi Luật Thuế 71, đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 0% hoặc 5%. Rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về Luật Thuế 71 đã được tổ chức. Rất, rất nhiều bài báo, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng như Thông tấn xã Việt Nam, Lao Động, Nhân Dân, Công Thương, Pháp luật, Tài chính, Nông nghiệp Việt Nam, VTV, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc hội… đã đề cập đến việc sửa đổi Luật Thuế 71.
Năm 2015, tại Văn bản số 7050/VPCP-KTTH ngày 8-9-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến “đối với phân bón, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện năm 2015 để đề xuất sửa đổi trong năm 2016”.
PVFCCo xuất khẩu lô hàng 19.000 tấn phân đạm urea
Năm 2020, tại Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27-2-2020, Văn phòng Chính đã thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “các bộ, ngành khẩn trương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các gói chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, kể cả các giải pháp theo quy định phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội nếu thấy thực sự cần thiết”. Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có Văn bản số 299/HHPBVN ngày 3-3-2020 kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước đấy là văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để có thể sửa đổi Luật Thuế 71/2014/QH13.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo và tham gia nhiều hội thảo, thảo luận về Luật Thuế 71 do các cơ quan, phương tiện truyền thông tổ chức (Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Người đại biểu nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Công Thương, Nông nghiệp Việt Nam...).
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Áp thuế GTGT phân bón là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ngày 15-3-2024, Hội thảo lấy ý kiến dự án luật thuế GTGT (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng. Nhiều ý kiến quan tâm đến nội dung “thu gọn 12 loại hàng hóa dịch vụ không chịu thuế, chuyển sang chịu thuế 5% hoặc 10%, trong đó có mặt hàng phân bón”.
Theo đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Luật Thuế 71/2014 quy định phân bón không chịu thuế GTGT. Không chỉ doanh nghiệp chịu thiệt, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua với giá cao hơn 5-8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Chuyên gia cũng nhận định việc chuyển các hàng hóa là đầu vào quan trọng cho nông nghiệp như phân bón, máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp từ không chịu thuế sang chịu thuế 5% là phù hợp, sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin thêm, sản lượng phân bón của thị trường hiện khoảng 15 triệu tấn, trong đó 11 triệu tấn là sản xuất trong nước. Các quy định hiện đang có lợi cho hàng nhập khẩu, việc đánh thuế GTGT cho phân bón 5% hay 10% cần được tính toán cụ thể.
Bên cạnh phân bón, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan quản lý cần thường xuyên rà soát, đánh giá để tiếp tục thu hẹp đối tượng không chịu thuế, ví dụ như mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, về lâu dài thu hẹp cả đối tượng chịu thuế 5%.