Tham dự Diễn đàn có ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ nhiệm CLB Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub; các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách; cùng 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý của một số tỉnh/thành trong cả nước.
Toàn cảnh Diễn đàn.
Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít phát thải carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trên nền tảng này, nền kinh tế xanh đặt ra khuôn khổ lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và ít giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thời gian gần đây sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt là nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.
Từ thực tiễn đó cho thấy, trong thời gian tới chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “Đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời, huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến năm 2050. “Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội...”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh; đồng thời đề nghị: “Mỗi đại biểu tham dự Diễn đàn với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình sẽ là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững; mỗi hoạt động ý nghĩa của quý vị sẽ góp phần quan trọng cho công cuộc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trao chứng nhận cho các doanh nghiệp đồng hành cùng diễn đàn.
Diễn đàn góp phần hỗ trợ các nhà báo trang bị thêm kiến thức, tư duy về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình tác nghiệp; giúp các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến và là cầu nối giúp nhà quản lý hiểu hơn về thực tế triển khai chính sách về tài nguyên và môi trường để có những điều chỉnh kịp thời; đồng thời đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng và ban hành chính sách để quản lý và phát triển ngành tài nguyên và môi trường ngày một hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng “xanh và bền vững”...
Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ nhiệm CLB Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub tham luận tại Diễn đàn.
" style="box-sizing: border-box; background-color: transparent; color: rgb(0, 114, 198); text-decoration: none; transition: all 0.5s ease 0s;">
Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ nhiệm CLB Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub tham luận tại Diễn đàn.
Diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ nhiệm CLB Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub; bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PROVIETNAM.
Tại phiên tham luận, các diễn giả đã đưa ra một bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam từ thực tế đến chính sách cũng như vai trò của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong việc xây dựng một nền kinh tế giảm phát thải, phù hợp với luật chơi “biến đổi khí hậu” của toàn cầu.
Các diễn giả tham gia phiên tọa đàm.
Tại phiên toạ đàm “Con đường đến đích xanh” có sự tham gia của các diễn giả: TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia; TS. Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub; ông Nguyễn Phước Minh, Trưởng Phòng Kỹ thuật Nhà máy Ford Việt Nam; ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS);...
Trong phiên toạ đàm này, các diễn giả tập trung thảo luận những tồn tại về chính sách, về điểm yếu của các doanh nghiệp và vai trò của báo chí truyền thông giải pháp trong hành trình đến đích xanh của nền kinh tế, cũng như những giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn đó.