Trong xu thế phát triển hiện nay, việc đầu tư phát triển cho năng lượng xanh đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm giải quyết bài toán đảm bảo năng lượng để phát triển.
Việt Nam đang đứng trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng lớn do quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, chuyển dịch năng lượng xanh không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững mà còn là cam kết quốc tế, tiêu biểu như mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 và Tuyên bố Chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) năm 2022.
Tại Việt Nam, các nguồn năng lượng tái tạo phát điện được sản xuất từ các nguồn như thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy triều, sinh khối, khí chôn lấp rác thải, khí của nhà máy xử lý rác thải và khí sinh học.
Việc phát triển năng lượng tái tạo, các dạng năng lượng mới sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hóa thạch như dầu, than và khí tự nhiên. Nguồn tài nguyên không tái tạo có sự hữu hạn nên sẽ bị cạn kiệt nếu sử dụng quá nhiều. Phát triển năng lượng tái tạo có thể tận dụng ánh nắng mặt trời, sức gió, nước và nguồn năng lượng sinh khối, từ đó giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn tài nguyên không bị cạn kiệt và vẫn duy trì đến tương lai.
Phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm thúc đẩy phát triển kinh tế (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, phát triển các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế xanh, công nghệ xanh. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Theo Quy hoạch điện VIII, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Đồng thời, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Cũng theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến năm 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi; Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu; Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.
Để thực hiện những mục tiêu trên, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ nhất hiện nay chính là tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi, có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia tích cực vào đầu tư phát triển các dạng năng lượng xanh để sản xuất điện trong thời gian tới.
Trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã bổ sung quy định mới tại Chương III nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới. Đây là bước tiến nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 55-NQ/TW, bao gồm các cơ chế đột phá để khuyến khích nguồn năng lượng sạch thay thế năng lượng hóa thạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 292/TB-VPCP (2023). Dự thảo này cũng hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Điện gió ngoài khơi đang thiếu những cơ chế ưu đãi, khuyến khích để phát triển (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, hiện tại trong Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, chưa thực sự mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng để phát triển cho các dạng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điển hình như điện gió ngoài khơi. Hiện tại, các quy định của Dự thảo Luật Điện lực cũng chưa định hình rõ cơ chế để Chính phủ có thể xây dựng lộ trình, mô hình phát triển, huy động nguồn lực trong nước, phát huy thế mạnh và sử dụng hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác với đối tác quốc tế, phương án tiếp cận phù hợp với ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong các giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn khởi tạo/thí điểm.
Không chỉ hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước, việc đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi còn mở ra cơ hội xuất khẩu điện năng, đóng góp vào nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam. Điều này đã được nêu rõ trong Quy hoạch điện VIII. Để hiện thực hóa tiềm năng này, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ, quy định chi tiết và khả thi, giúp doanh nghiệp tự tin triển khai các dự án mà vẫn đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh quốc phòng. Cũng như phải có các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với các dự án điện gió ngoài khơi và các cơ chế bán điện/xuất khẩu điện trực tiếp ra nước ngoài từ nguồn điện gió ngoài khơi. Không chỉ bổ sung các điều khoản liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo mà cần xem xét sửa đổi một số quy định trong các luật khác để đồng bộ hệ thống pháp lý.
Việc đảm bảo an ninh năng lượng giữ vai trò quan trọng, then chốt của việc phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, cần phải kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, mở đường, khuyến khích phát triển các dạng năng lượng xanh để tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, cũng như đảm bảo an ninh và phát triển bền vững ngành năng lượng trong tương lai.