Khối dịch vụ kỹ thuật: Động lực tăng trưởng mới của Petrovietnam

05:19 | 03/09/2024
Lượt xem: 463

Đồng hành cùng 49 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), khối đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao đã được nhìn nhận có vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Petrovietnam nói riêng và ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam nói chung, với mục tiêu làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Những năm trở lại đây, trong vòng xoáy biến động của thị trường ngày càng lan rộng, hầu hết các doanh nghiệp chọn cách phòng thủ để giảm thiểu thiệt hại thay vì tập trung vào mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, các đơn vị dịch vụ kỹ thuật thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) lại là số ít những doanh nghiệp dám chủ động làm mới mình, bứt phá vươn lên.

Bằng cách tập trung vào tái cơ cấu bộ máy tổ chức, đổi mới phương thức quản trị; sử dụng khoa học công nghệ tạo năng suất mới, sản phẩm, dịch vụ mới; chuyển đổi số tạo ra mô hình kinh doanh mới; đồng thời từ chiến lược phát triển mở ra lĩnh vực mới, tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, các đơn vị dịch vụ của Petrovietnam đã từng bước khẳng định vị thế của mình về khả năng cũng như năng lực không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.

Căn cứ cảng dịch vụ PTSC tại Vũng Tàu.

Nắm bắt cơ hội đầu tư, phát triển các thị trường tiềm năng

Trong chiến lược phát triển của mình, lãnh đạo Petrovietnam luôn nhấn mạnh đến vai trò của thị trường, coi thị trường và các vấn đề thị trường vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để bổ sung động lực trong việc bù đắp và gia tăng giá trị các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu phân mảnh, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy tạo nên dư thừa hoặc khan hiếm phi truyền thống. Cũng như các lĩnh vực hoạt động khác, cùng với các chuyển đổi đến từ cách mạng công nghệ và ảnh hưởng của địa chính trị - kinh tế, việc tìm kiếm và thiết lập các không gian phát triển mới, bền vững, thân thiện và xanh bao gồm mở rộng thị trường, các địa bàn hoạt động trong nước, quốc tế và không gian số là nhu cầu khách quan và cần thiết đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật của Petrovietnam.

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khoan đặc thù của ngành Dầu khí, phương châm “Động lực mới cho tăng trưởng” của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) dựa trên 3 động lực chính, gồm: thị trường - đầu tư - chuyển đổi số. Những năm gần đây, PV Drilling đã tăng cường công tác nghiên cứu thị trường để kịp thời nắm bắt cơ hội thực hiện đầu tư, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước, đồng thời tiếp tục thực hiện công tác vận hành an toàn - hiệu quả các giàn khoan và máy móc thiết bị. Điểm sáng lớn nhất của PV Drilling vừa qua là toàn bộ các giàn khoan sở hữu đều có việc làm xuyên suốt cả năm với hiệu suất hoạt động và hiệu suất sử dụng cao hơn so với cùng kỳ, đặc biệt có giàn khoan đạt 100% hiệu suất sử dụng và 99,9% hiệu suất hoạt động; được các công ty dầu khí quốc tế ghi nhận và trao tặng nhiều giải thưởng cho thành tích hoạt động ấn tượng trong các chương trình khoan ở thị trường Đông Nam Á.

Giàn PV DRILLING III ghi nhận nhiều thành tích ấn tượng tại thị trường Malaysia.

Đối với PV Drilling, chiến lược ở chu kỳ tăng trưởng mới không chỉ phát triển mạnh thị phần cung cấp giàn khoan tự nâng đa năng (Jack-up) ở khu vực Đông Nam Á, mà còn đẩy mạnh các dịch vụ đi kèm giàn khoan, trong đó có dịch vụ trọn gói (Bundled services). PV Drilling đã bắt đầu triển khai đầu tư/hợp tác đầu tư, thuê thêm giàn khoan tự nâng và đầu tư thêm cụm thiết bị sửa giếng khoan dầu khí (HWU) và các thiết bị giếng khoan khác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Cụ thể nhất là mới đây, PV Drilling đã thành công ký kết hợp đồng mua mới cụm thiết bị HWU nhằm đưa vào phục vụ các chiến dịch khoan sửa giếng hoặc hủy giếng của các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á. Khi sở hữu cụm HWU, PV Drilling sẽ làm chủ về thiết bị và công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ sửa giếng và hủy giếng ở Việt Nam cũng như gia tăng thị phần tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời kéo theo sự phát triển của các dịch vụ khác như Wireline của PVD Logging; dịch vụ Casing/Tubing Running của PVD Well Service; dịch vụ Coil Tubing của PVD Baker Hughes... góp phần nâng cao chuỗi giá trị của PV Drilling và tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng.

Tương tự tại Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), chiến lược mở rộng quy mô tiếp tục là trọng tâm hoạt động của đơn vị trong những năm trở lại đây. Năm 2023, lần đầu tiên số lượng tàu mà PVTrans tiếp nhận đạt mức kỷ lục với 12 tàu, tăng 150% tổng công suất vận tải. Đến nay, đội tàu PVtrans đã được nâng lên tổng số 54 chiếc đa dạng chủng loại, với tổng trọng tải khoảng 1,5 triệu DWT. Thành quả này có được chủ yếu nhờ việc sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án, phân kỳ đầu tư cùng với việc phân cấp đầu tư nhằm gia tăng cơ hội đầu tư và khơi thông nguồn lực phát triển của doanh nghiệp.

Tàu dầu/hóa chất PVT CLARA được PVTrans tiếp nhận, bổ sung vào đội tàu từ tháng 7/2023.

Hiện hơn 85% đội tàu của PVTrans đang khai thác hiệu quả trên các tuyến quốc tế, thể hiện sự mở rộng mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Tổng công ty. Trong đó, mảng vận tải hóa chất đang là động lực dẫn dắt tăng trưởng doanh thu của PVTrans, khi chiếm tới 36% tổng doanh thu quý I/2024. Hiện tại, 22/54 tàu của PVTrans đang phục vụ phân khúc vận tải hóa chất. Trong số 12 tàu mới được bổ sung trong năm 2023 cũng có đến 6 tàu là tàu hóa chất. Tính riêng năm 2024, PVTrans đã lên kế hoạch cho việc phát triển 21 tàu mới, trong đó gồm 13 tàu dầu/hóa chất, 4 tàu LPG và 4 tàu chở hàng rời.

Việc mở rộng đội tàu của PVTrans đang dần cho thấy doanh nghiệp đã có sự xoay trục từ mảng chở xăng dầu thành phẩm sang mảng hóa chất. Theo đánh giá thị trường, vận tải hóa chất hiện đang có giá cước ổn định, thị trường ít biến động mạnh và biên lợi nhuận gộp tốt hơn đáng kể so với mảng xăng dầu thành phẩm; trong khi đó, nhu cầu nhiều và cung tàu trong khu vực còn khá ít. Chiến lược của PVTrans trong những năm tới là đẩy mạnh sang các tàu chở hóa chất với mục tiêu sở hữu khoảng 37 tàu hóa chất vào năm 2025, tương đương khoảng 30% cơ cấu đội tàu.

Trong giai đoạn 2024-2025, PVTrans dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động lên 82 tàu, tương đương tổng công suất lên đến 2,5 triệu DWT. Song song nâng cao năng lực đội tàu trên thị trường quốc tế, PVTrans cũng sẽ đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng logistic nội địa, đồng thời nâng cao vị thế trong chuỗi liên kết dịch vụ của Petrovietnam.

Tiên phong trong lĩnh vực năng lượng mới

Đi đầu trong các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cũng không ngừng đẩy mạnh phát triển nguồn lực cơ sở vật chất và kiện toàn bộ máy tổ chức, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp - được xây dựng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ mũi nhọn mà PTSC có thế mạnh, đồng thời tiên phong trong nghiên cứu đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Hiện thực hóa những mục tiêu trên, PTSC đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể, tiêu chuẩn hóa hoạt động quản lý và phát triển nguồn nhân lực theo hướng đạt chuẩn quốc tế, song song đó là những bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng đón đầu các dịch vụ mới, chủ yếu tập trung tại Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa với những phương án đầu tư rõ ràng, có giá trị. Bên cạnh tích cực tổ chức đưa nhiều phương tiện, thiết bị đi làm việc ở nước ngoài, tạo “động lực mới” tại các lĩnh vực hoạt động truyền thống, PTSC cũng đã nhanh chóng phát triển các lĩnh vực, dịch vụ mới thông qua việc bổ sung Năng lượng tái tạo (NLTT) trở thành lĩnh vực hoạt động thứ 8 của doanh nghiệp.

Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC.

Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, PTSC đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD. Quan trọng hơn, PTSC đã bước đầu hiện thực hóa mục tiêu không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ cơ khí - kỹ thuật mà còn trở thành nhà đầu tư - phát triển các dự án năng lượng tái tạo, thông qua việc phối hợp cùng Tập đoàn Sembcorp (SCU - Singapore) hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW, xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore. Mới đây, PTSC đã được chính thức trao thầu Gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất cho Dự án này.

Để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho cuộc đua năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) Petrovietnam đã và đang chủ động xây dựng chuỗi cung ứng nội địa bao gồm các đơn vị có nhiều tiềm năng trong ngành, như: PTSC, Vietsovpetro, VPI, PVE, PETROSETCO, PV Drilling, PVC-MS, PV Shipyard,... Các đơn vị chủ lực của Petrovietnam về thiết kế, chế tạo, xây lắp và vận hành các công trình dầu khí biển như PTSC, Vietsovpetro, PETROCONs đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thành lập tổ hợp phát triển chuỗi giá trị NLTT, với năng lực, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng sẵn có, tăng cường khả năng hợp tác, phát huy năng lực của nhau, phối hợp tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án NLTTNK trong và ngoài nước.

Lãnh đạo Petrovietnam giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về khả năng tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, trong thời gian trước mắt, lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí sẽ là động lực tăng trưởng mới của Tập đoàn, bên cạnh lĩnh vực điện và NLTT, hóa dầu, công nghiệp khí... Năm 2024, khối dịch vụ đang tập trung triển khai rất nhiều dự án lớn như Chuỗi dự án khí - điện Lô B, chuẩn bị phát triển các dự án NLTTNK... Do đó, các đơn vị dịch vụ cần tiếp tục tăng cường công tác quản trị, phát triển mở rộng thị trường, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để triển khai các ngành nghề mới như NLTTNK bên cạnh các ngành nghề truyền thống; cùng với đó, tập trung xây dựng nền tảng số để phục vụ công tác chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất làm việc; tăng cường quản lý chất lượng và an toàn đối với các dịch vụ; đặt ra các mục tiêu “khát vọng” hơn, vươn ra các thị trường mới, với các ngành nghề mới.
 

TS. Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV 
Petrovietnam

 “Việc hình thành các chuỗi liên kết, xây dựng hệ sinh thái Petrovietnam để phát huy sức mạnh, sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực, tối ưu giá trị trong Tập đoàn là một nhiệm vụ xuyên suốt. Các đơn vị trong khối dịch vụ của Petrovietnam cần tiếp tục trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, thế mạnh của các đơn vị để từ đấy xây dựng, phát triển khối dịch vụ ngày càng vững chắc, trở thành động lực tăng trưởng mới của Tập đoàn trong tương lai”.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp