Kho Vàng: Biểu tượng của sự “hồi sinh” và tinh thần đại đoàn kết dân tộc

05:17 | 24/12/2024
Lượt xem: 463

Ngày 22/12/2024 đã và sẽ là một ngày không thể nào quên đối với bà con thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) bởi sau 3 tháng nỗ lực không ngừng, người dân ở đây đã có nhà mới với điều kiện sống tốt hơn trước. Kể từ lúc này, thôn Kho Vàng đã chính thức bước vào giai đoạn “hồi sinh”, gác lại những đau thương, mất mát trước kia để bắt đầu một cuộc sống mới tốt hơn.

Là những phóng viên đầu tiên có mặt ở thôn Kho Vàng sau vụ sạt lở kinh hoàng, chúng tôi may mắn được chứng kiến quá trình “thay da đổi thịt” của cuộc sống nơi đây, với sự chung tay của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), của những nhà hảo tâm trên khắp cả nước, việc tái thiết nơi ăn chốn ở, bình ổn cuộc sống của bà con thôn Kho Vàng đã diễn ra một cách thần tốc, chưa có tiền lệ. Chỉ sau gần 100 ngày, 35 căn nhà mới khang trang cùng đầy đủ vật dụng thiết yếu đã đến tay bà con, nụ cười đã xuất hiện, niềm vui của bà con đã lan ra khắp núi rừng Cốc Lầu, xoá tan bầu không khí nặng nề không lâu trước đó trong cơn bão số 3 (Yagi).

Đến Kho Vàng từ những ngày đầu khởi công khu tái định cư mới thấy được muôn vàn cực khổ của các công nhân và bà con nơi đây. Dưới chân Trường Mầm non Kho Vàng là con đường độc đạo dốc đến mức người đi sau chỉ nhìn được chân người đi trước, cứ thế uốn lượn rồi mất hút trong những tán cây rậm rạp. Đứng ở dưới chân dốc nhìn lên là những đoàn xe tải chậm chạp nối đuôi nhau chở vật liệu lên xây dựng khu tái định cư, từng đoàn xe thoắt ẩn, thoắt hiện giữa những tán cây rừng rậm rạp. Để xe tải lên được đến đó, các công nhân đã phải xẻ núi, bạt rừng làm hẳn một con đường đỡ dốc hơn. Vậy mà bây giờ, bà con chỉ mất khoảng hơn 10 phút đi xe máy để lên nhà mới. Có chứng kiến những cực khổ đó mới thấy được tình yêu thương, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc quả thực mạnh mẽ biết chừng nào!

Đứng trên điểm cao nhất của khu tái định cư thôn Kho Vàng, phóng tầm mắt ra phía xa là những cánh rừng quế xanh mướt - một trong những nguồn thu nhập chính của bà con Kho Vàng. Từ đây, vẫn có thể thấy được dấu vết của sạt lở như những vết cắt chi chít trên lưng núi. Anh Ma Seo Chứ - trưởng thôn Kho Vàng, người vừa được nhận nhà ở điểm cao nhất của khu tái định cư, vẫn chưa khỏi bần thần khi nhìn những vết cắt đó. Sự sợ hãi, những đau thương vẫn ngầm hiện hữu trong suy nghĩ, trong câu chuyện hàng ngày nhưng nhân dân thôn Kho Vàng đã chấp nhận nó, vượt qua nó để vươn mình bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Sau 3 tháng ở tạm trong khu dã chiến tại UBND xã Cốc Lầu, người dân thôn Kho Vàng giờ đây đã có nhà mới, trang thiết bị mới để bắt đầu cuộc sống mới.

Việc xây dựng khu tái định cư thôn Kho Vàng gặp nhiều khó khăn do địa hình và thời tiết khắc nghiệt. Xuất phát từ tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khu tái định cư cho người dân đã được xây dựng thần tốc, bất chấp mọi khó khăn, thách thức.

Mỗi gia đình đều được trang bị những vật dụng cần thiết, tuy nhiên tùy vào nhu cầu từng nhà mà bà con có thể tự trang bị thêm...

Bữa cơm đầu tiên của gia đình anh Dứ ở nhà mới. Đơn sơ, đạm bạc nhưng ấm cúng, an toàn, sạch sẽ.

Nụ cười đã xuất hiện trên gương mặt mỗi người dân, niềm vui mừng đó phần nào bù đắp những đau thương, mất mát trước kia để bà con an cư lập nghiệp.

Đối với những đứa trẻ thôn Kho Vàng, nhà mới không còn ẩm thấp, tối tăm như trong lán dã chiến. Điều kiện sống, vui chơi và học tập cũng tốt lên trông thấy.

Ngày khánh thành khu tái định cư với bà con ở đây vui như ngày Tết, khắp nơi trang hoàng cờ hoa, càng tô thắm nơi đây giữa bạt ngàn núi rừng.

Dọc hai bên đường là những luống hoa do chính bà con thôn Kho Vàng trồng. Việc đảm bảo vệ sinh môi trường ở đây cũng được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, giữ gìn cho thôn mới xanh, sạch và đẹp.

Người dân ở đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc Mông, nên việc đốt củi sưởi ấm ngày rét là thói quen từ nhiều đời nay. Về nhà mới, họ chỉ cần đi xe máy lên rừng cách đó không xa nhặt củi về đốt lửa bên ngoài và cả gia đình, hàng xóm sẽ quây quần lại cùng nhau nói chuyện.

Mỗi gia đình nhận nhà mới sẽ có một mảnh vườn nhỏ trước nhà để trồng rau ăn hàng ngày và cũng tạo cảnh quan cho cả khu tái định cư.

Kho Vàng, Làng Nủ, Nậm Tông là biểu tượng của sự “hồi sinh”, của vạn hồi hạnh phúc, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp