Khám phá nhu cầu tương lai về khí đốt tự nhiên và LNG tại khu vực Nam Á (Kỳ II)

10:44 | 13/07/2024
Lượt xem: 463

Khí đốt tự nhiên được dự báo sẽ tăng tỷ trọng trong cơ cấu năng lượng của khu vực Nam Á tăng lên mức 13% (2050), từ mức 9% (2022).

Ảnh minh họa

Khu vực Nam Á, nơi các quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng về mặt dân số và các dự báo dài hạn về GDP, điều này chắc chắn sẽ cần nhiều năng lượng hơn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Hiện dân số khu vực Nam Á dự báo sẽ tăng thêm gần một phần tư, khoảng 425 triệu người, sẽ đạt tổng dân số là 2,3 tỷ người (2050). Ngoài ra, GDP của khu vực Nam Á cũng được dự báo sẽ tăng đột biến, gấp 4,3 lần so với mức hiện tại với tổng trị giá 18,8 nghìn tỷ USD (2050). CH Ấn Độ đặc biệt sẽ chú trọng thúc đẩy phần lớn của sự tăng trưởng này, với dự báo GDP sẽ đạt 15,8 nghìn tỷ USD (2050), tăng từ mức 3,5 nghìn tỷ USD (2022). Sự tăng trưởng mở rộng đáng chú ý này được dự báo sẽ giúp hàng triệu người dân sẽ thoát khỏi tình trạng đói nghèo cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng tỷ người dân.

Dựa trên các động lực kinh tế và dân số cũng như đánh giá về các chính sách cụ thể theo từng lĩnh vực cụ thể do chính phủ các nước ban hành hoặc công bố, nhu cầu năng lượng chính của khu vực Nam Á dự báo sẽ tăng từ 1.265 Mtoe (2022) lên mức 2.235 Mtoe (2050). Đáng chú ý, CH Ấn Độ chiếm tới 80% mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, hiện có một mức độ liên tục nhất định với các xu hướng trong quá khứ: Mặc dù năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng, nhiên liệu hóa thạch được dự báo cũng sẽ đáp ứng phần lớn sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng chính tại khu vực Nam Á. Ví dụ như sự bùng nổ năng lượng tái tạo của CH Ấn Độ cùng tồn tại song song với sự mở rộng liên tục của các nhà máy điện đốt than. Hiện tại, CH Ấn Độ có 30,7 GW công suất nhiệt điện than đang được xây dựng và bổ sung thêm 46 GW công suất đang trong các giai đoạn tiền xây dựng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu than chỉ bắt đầu chậm lại sau năm 2040 do các yếu tố như nhu cầu điện tăng nhanh, các cân nhắc về an ninh năng lượng và sự sẵn có của than trong nước với giá cả phải chăng.

Tuy vậy, do than vẫn là nguồn năng lượng chủ đạo trong cơ cấu năng lượng khu vực về mặt lâu dài nên các quốc gia trong khu vực Nam Á vẫn sẽ phải trải qua những thay đổi chính sách và chuyển đổi sang các nguồn cung cấp thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu về khí đốt tự nhiên ngày càng gia tăng và phù hợp với các cam kết đối với chương trình nghị sự về ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi nước. Khí đốt tự nhiên, loại hydrocarbon đốt sạch nhất, được dự báo sẽ tăng tỷ trọng trong cơ cấu năng lượng của khu vực Nam Á tăng lên mức 13% (2050), từ mức 9% (2022), đồng thời đóng góp đáng kể 18% vào tăng trưởng nhu cầu năng lượng chính trong giai đoạn dự báo.

Động lực chính của sự thay đổi này là điện khí hóa, các biện pháp chính sách khuyến khích chuyển đổi than và dầu sang khí đốt tự nhiên cũng như tăng cường đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên. Điều này bao gồm việc phát triển năng lực tái hóa khí mới, mở rộng hệ thống mạng lưới truyền tải và phân phối cũng như các sáng kiến liên quan khác. Về mặt tuyệt đối, nhu cầu về khí đốt tự nhiên trong khu vực Nam Á sẽ tăng đáng kể, từ 114 Mtoe (133 bcm) (2022) sẽ tăng lên 290 Mtoe (340 bcm) (2050).

Hiện cả Bangladesh và Pakistan cùng có đặc điểm chung là sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước dự báo sẽ giảm đáng kể, điều này dẫn tới sự thúc đẩy mức tăng trưởng nhập khẩu LNG dự báo lên 42 Mt đối với Bangladesh và 31 Mt đối với Pakistan (2050). Tại CH Ấn Độ, mặc dù sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước được dự báo cũng sẽ tăng song có thể sẽ không theo kịp nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng gia tăng. Kết quả là có sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung LNG nhập khẩu, dự báo sẽ đóng một vai trò quan trọng, đạt trên 105 Mt (2050). Nhìn chung, các dự báo đều cho thấy việc nhập khẩu LNG ở khu vục Nam Á có thể gia tăng đáng kể, có khả năng đạt 250 bcm (181 Mt) (2050), tăng gần gấp sáu lần so với mức như hiện tại.

Tại Bangladesh, nhu cầu khí đốt tự nhiên được dự báo sẽ tăng gấp đôi, đạt 60 bcm (2050). Sản xuất điện dự báo cũng sẽ dẫn đầu sự gia tăng trong bối cảnh nhu cầu về điện tăng mạnh và phát triển công suất các nhà máy điện turbine khí chu trình hỗn hợp (combined-cycle gas turbine -CCGT) mới là nhà máy điện trong đó turbine khí và turbine hơi nước được sử dụng kết hợp để đạt được hiệu suất cao hơn mức có thể đạt được một cách độc lập, mặc dù xu hướng chung cũng được củng cố bởi việc sử dụng khí đốt tự nhiên cao hơn trong các phân khúc công nghiệp và khu dân cư. Việc nhập khẩu LNG được dự báo cũng sẽ dẫn đầu sự gia tăng nhằm đáp ứng tăng trưởng nhu cầu do trữ lượng khí đốt trong nước đang suy giảm dần. Tất cả sự đình trệ trong sản xuất khí đốt tự nhiên nội địa đã buộc chính phủ các nước phải chuyển sang nhập khẩu với hai FSRU tại cụm kho cảng LNG nổi Moheshkhali được đưa vào vận hành lần lượt trong các năm 2018 và 2019, trong đó mỗi FSRU có công suất 3,8 Mtpa LNG.

Đối với việc tăng cường nhập khẩu LNG dự báo thì cần có nhiều công suất tái hóa khí hơn. Về vấn đề này, công ty PetroBangla đã công bố kế hoạch xây dựng ba cụm kho cảng nhập khẩu LNG với tổng công suất từ 15,5 Mtpa đến 23 Mtpa (3/2023). Hiện các kho cảng tái hóa khí mới được đề xuất kế hoạch xây dựng tại Cảng biển Payra ở Patuakhali nằm ở phía tây nam Bangladesh, Matarbari ở huyện Cox's Bazar ở phía đông nam và một cơ sở tái hóa khí mới đặt tại đảo Moheshkhali. Ước tính của GECF cho thấy kế hoạch dự báo nhập khẩu LNG của Bangladesh sẽ đáp ứng hơn 70% tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên của cả nước (2030), tăng từ mức 20% (2022), với tỷ lệ tăng dần trong những năm tiếp theo. Do đó, nhu cầu LNG của Bangladesh được dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể từ 4,4 Mt như hiện tại (2022), sẽ tăng lên 34 Mt (2040) và 42 Mt (2050). Trong tương lai, nhu cầu dài hạn về LNG của Bangladesh vẫn tăng mạnh bất chấp những biến động gần đây trên thị trường LNG giao ngay.

Tại Pakistan, nhu cầu khí đốt tự nhiên cũng được dự báo sẽ tăng 19 bcm, đạt tổng mức hơn 61 bcm (2050) do mức sử dụng tăng cao hơn trong công nghiệp, sản xuất điện cũng như phân khúc dân cư và vận tải đường bộ. Để bù đắp sự sụt giảm dài hạn trong sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước, Pakistan dự báo cũng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu LNG. Hiện có các kế hoạch xây dựng tuyến đường ống liên quốc gia, ví dụ như các tuyến Iran-Pakistan và Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-India (TAPI). Tuy nhiên, nguồn cung LNG được dự báo vẫn sẽ chịu phần lớn áp lực nhằm phục vụ cho nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng trong nước. Nhu cầu LNG được dự báo sẽ tăng gần gấp ba, từ mức 7 Mt (2022) sẽ tăng lên 19 Mt (2030) và tiếp tục đạt 31 Mt (2050).

Việc mở rộng cơ sở tái hóa khí ở Cảng Qasim, Karachi đang được tiến hành xây dựng: Ngoài hai FSRU hiện có (được đưa vào vận hành lần lượt trong các năm 2015 và năm 2017), hai cơ sở FSSRU mới đang được lập kế hoạch là các kho cảng LNG Tabeer và Energas được dự báo sẽ được tích hợp trong tương lai gần. Việc vận chuyển bổ sung thêm khối lượng LNG đến các trung tâm nhu cầu sẽ đòi hỏi phải phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải. Trong bối cảnh này, hệ thống đường ống dẫn khí đốt “Pakistan Stream” dài 1.100 km nối giữa hai bang Karachi và Lahore, đang được xây dựng với sự hợp tác của CHLB Nga. Đây là một dự án quan trọng được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các kho cảng tiếp nhận LNG mới, đồng thời giúp hỗ trợ sự phụ thuộc của đất nước vào khí đốt tự nhiên.

Tại CH Ấn Độ, việc thúc đẩy sử dụng khí đốt tự nhiên thông qua chuyển đổi nhiên liệu được coi là một phần quan trọng của Chiến lược phát triển phát thải thấp dài hạn (11/2022). Tầm nhìn của chính phủ trung ương là gia tăng tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong cơ cấu năng lượng chính lên 15% (2030) cũng vẫn được giữ nguyên. Hơn thế nữa, khí đốt tự nhiên hoàn toàn nằm trong bối cảnh của các chính sách quan trọng khác, bao gồm cả mục tiêu đạt mức phát thải net-zero (2070). Để tăng cường sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên, CH Ấn Độ đã và đang thúc đẩy rất nhiều các biện pháp chính sách hỗ trợ, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt mở rộng và thay đổi quy định luật lệ liên quan.

Việc phát triển của mạng lưới khí đốt quốc gia là động lực quan trọng để cải thiện khả năng tiếp cận khí đốt tự nhiên trên toàn quốc. Để loại bỏ các nút thắt về cơ sở hạ tầng hiện có và thúc đẩy quá trình tái hóa khí tại các cụm kho cảng LNG của đất nước, một chương trình đầu tư lớn nhằm bổ sung hơn 10.000 km đường ống truyền tải tích hợp vào mạng lưới đường ống dẫn hiện có đang được tiến hành xây dựng. Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối khí đốt tự nhiên của các thành phố cũng dự báo sẽ tiếp tục và tăng tốc sau khi vòng đấu thầu lần thứ 12 kết thúc, điều này sẽ đem lại thêm lượng khí đốt tự nhiên bổ sung cho lĩnh vực vận tải đường bộ và nấu ăn dân sự cũng như phục vụ cho nhiều đối tượng sử dụng thương mại và công nghiệp quy mô nhỏ.

Do đó, sự hỗ trợ chính sách rộng rãi, cùng với dự báo tổng thể về nền kinh tế và dân số đô thị sẽ dẫn đến nhu cầu khí đốt tự nhiên của Ấn Độ tăng trưởng hết sức nhanh chóng với dự báo sẽ tăng hơn gấp ba lần, từ 61 bcm (2022) sẽ tăng lên mức khoảng 215 bcm (2050). Hiện xu hướng rõ ràng là nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng gia tăng trong lĩnh vực công nghiệp và vận tải đường bộ trong bối cảnh cơ sở hạ tầng khí đốt đang được cải thiện và chuyển đổi nhiên liệu theo định hướng chính sách của quốc gia. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp được dự báo sẽ dẫn đầu việc tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên, được hỗ trợ bởi sự phát triển của phân bón, nhà máy hóa dầu và công nghiệp nhẹ. Nhu cầu về khí đốt tự nhiên để sản xuất điện cũng được dự báo sẽ gia tăng, mặc dù động lực của sự gia tăng này sẽ bị hạn chế do sự cạnh tranh chủ yếu đến từ than nội địa giá rẻ và năng lượng tái tạo. Nhu cầu về khí đốt tự nhiên của CH Ấn Độ cũng sẽ được đáp ứng thông qua việc mở rộng hệ thống đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia (Turkmenistan–Afghanistan–Pakistan–India -TAPI) và công suất tái hóa khí LNG. Nguồn cung LNG được dự báo sẽ ngày càng chi phối nhu cầu khí đốt tự nhiên của đất nước bởi do sự tăng trưởng sản xuất khí đốt tự nhiên trong nước được dự báo là không đáp ứng đầy đủ. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu khí đốt tự nhiên cũng đã tăng lên tới 50% trong những năm gần đây, do vậy, CH Ấn Độ sẵn sàng bổ sung đáng kể năng lực nhập khẩu khí đốt tự nhiên của mình. Sau khi đưa vào vận hành kho cảng Dharma LNG (4/2023), hiện CH Ấn Độ đã có bảy cơ sở kho cảng LNG với tổng công suất khoảng 48 Mtpa. Đến năm 2050, CH Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng công suất tái hóa khí lên 67 Mtpa, nâng tổng công suất tái hóa khí toàn quốc lên 115 Mtpa (2050). Trong số kế hoạch tăng thêm công suất tái hóa khí này, đã có 24 Mtpa công suất tái hóa khí đã hoàn thành việc xây dựng. Hiện các ước tính chỉ ra việc nhập khẩu LNG của CH Ấn Độ có thể tăng gần gấp đôi, đạt 38 Mt (2030), sau tăng vọt lên 80 Mt (2040) và 105 Mt (2050). Để đạt được kết quả trên thì sẽ cần gia tăng đầu tư đáng kể vào cả cơ sở hạ tầng cung ứng lẫn phân phối LNG trong nước.

Từ những phân tích trên có thể có ba động lực chính giúp tìm hiểu định hướng chung về nhập khẩu LNG trong khu vực này, cụ thể là:

Nhóm động lực đầu tiên xác định việc nhập khẩu LNG vào khu vực Nam Á có liên quan đến việc thu hẹp khoảng cách cung và cầu năng lượng và khí đốt tự nhiên ngày càng gia tăng trong khu vực này. Điều đó xảy ra một mặt là do sự mở rộng kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mặt khác là do sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước từ các mỏ giếng hiện có bị cạn kiệt hoặc hạn chế. Do đó, nhập khẩu LNG trở thành một lựa chọn khả thi nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho dù sẽ cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên để hỗ trợ nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng gia tăng trong khu vực Nam Á.

Nhóm động lực thứ hai xem xét việc đảm bảo nguồn cung năng lượng và khí đốt tự nhiên ổn định và an toàn cho mọi quốc gia Nam Á khi khu vực này đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp khí đốt tự nhiên duy nhất, đặc biệt nếu nó liên quan đến rủi ro địa chính trị. Hiện việc nhập khẩu LNG đang cung cấp một giải pháp linh hoạt, điều này cho phép tiếp cận nhiều nguồn cung khí đốt tự nhiên khác nhau, đồng thời giúp giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung và biến động giá cả trên thị trường.

Nhóm động lực thứ ba hỗ trợ nhập khẩu LNG vào khu vực Nam Á xuất hiện những cân nhắc về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi từ than và dầu sang khí đốt tự nhiên có thể làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon cũng như cải thiện chất lượng không khí, điều này chính là những định hướng chính sách quan trọng đối với khu vực Nam Á. Ngoài ra, khí đốt tự nhiên và LNG cũng đều sẽ hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo bằng cách đem lại sự linh hoạt và độ tin cậy cần thiết.

Khi bối cảnh năng lượng phát triển, các động lực nêu trên có thể sẽ tiếp tục định hình nhu cầu nhập khẩu LNG ở khu vực Nam Á. Đồng thời, mô hình nhập khẩu LNG có thể thay đổi theo từng thời gian dựa trên những tiến bộ công nghệ đổi mới sáng tạo, sự phát triển địa chính trị và các ưu tiên về môi trường cũng như sự thay đổi về kinh tế-xã hội./.

Link nguồn:

https://www.gecf.org/_resources/files/events/exploring-the-future-of-natural-gas-and-lng-demand-in-south-asia/eefd-ec-2024-demand-and-trade-in-south-asia.pdf

Nhu cầu tương lai về khí đốt tự nhiên và LNG tại khu vực Nam Á (Kỳ I) 

Bình luận, Hỏi đáp