Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đem lại thay đổi đáng kể cho nhà nhập khẩu nội khối và là một công cụ mới của EU nhằm ngăn chặn rò rỉ carbon, tức là khí phát thải của các nước ngoài EU. Cơ chế này được áp dụng đối với hàng hóa được gọi là EU CBAM nhập khẩu vào EU từ bên ngoài EU
Ngày 10/5/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (EU CBAM) nhằm mục đích chính là ngăn chặn rò rỉ carbon bằng cách đảm bảo các chi phí carbon của hàng hóa nhập khẩu tương đương với chi phí carbon do các nhà sản xuất EU hiện đang chịu theo quy định Hệ thống thương mại phát thải của EU (EU ETS). Do tính chất quan trọng của EU CBAM, trong phạm vi bài viết dựa trên tóm tắt kết quả nghiên cứu đánh giá chuyên môn của một số tổ chức, học giả và nhà nghiên cứu chuyên ngành quốc tế, đặc biệt một số tác động đối với Việt Nam nói riêng, xin trân trọng giới thiệu và cung cấp với quý độc giả một số thông tin chính yếu cơ bản nhất liên quan, bao gồm việc phân tích một số điều khoản quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp của ta, để tham khảo.
Kỳ I: Sự hình thành EU CBAM?
Công báo của Liên minh châu Âu-EU (Official Journal of the European Union) số L130/52 phát hành ngày 16/5/2023 công bố Quy định EU CBAM gồm 11 chương, 36 điều, 6 phụ lục xuất bản bằng 24 ngôn ngữ của 27 nước thành viên, do Nghị viện Châu Âu, Hội đồng châu Âu chủ trì, chịu trách nhiệm soạn thảo là Tổng cục Thuế và Liên minh Hải quan.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đem lại thay đổi đáng kể cho nhà nhập khẩu nội khối và là một công cụ mới của EU nhằm ngăn chặn rò rỉ carbon, tức là khí phát thải của các nước ngoài EU. Cơ chế này được áp dụng đối với hàng hóa được gọi là EU CBAM nhập khẩu vào EU từ bên ngoài EU, trong đó bao gồm một số sản phẩm chủ lực như sắt thép, phân bón, sản phẩm nhôm và xi măng cũng như hydrogen và điện. EU hiện cũng đang có kế hoạch đánh giá và có khả năng mở rộng phạm vi áp dụng EU CBAM vào năm 2030, nhằm mục đích cắt giảm hơn một nửa lượng khí phát thải carbon trong các lĩnh vực EU ETS khi áp dụng đầy đủ EU CBAM vào năm 2034.
Mục tiêu của cơ chế EU CBAM là để giá hàng hóa nhập khẩu vào EU phản ánh chính xác hơn hàm lượng carbon trong chúng cũng như nhằm mục đích khuyến khích các nước thứ ba, các nhà sản xuất nước ngoài và các nhà nhập khẩu EU giảm lượng khí thải carbon của họ. EU CBAM sẽ có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 1/10/2023.
Nghĩa vụ của EU CBAM: Nghĩa vụ áp dụng cho tất cả những người nhập khẩu hàng hóa EU CBAM là việc nhập khẩu có nghĩa là bất kỳ hàng nhập khẩu nào từ bên ngoài EU vào thị trường EU, bao gồm cả nhập khẩu hàng hóa đặt trực tuyến và nhập khẩu quà tặng.
Hàng hóa EU CBAM: Hàng hóa được liệt kê ở đây được nhập khẩu từ bên ngoài EU bao gồm hàng hóa EU CBAM. Ủy ban châu Âu yêu cầu báo cáo về lượng khí thải carbon của doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký chuyển tiếp EU CBAM bao gồm một số mặt hàng sắt thép, trong đó bao gồm cả những hàng hóa phái sinh như ốc vít, bu lông và vòng đệm; quặng sắt; một số loại phân bón; một số mặt hàng nhôm; một số mặt hàng xi măng; một số hóa chất và điện. Điểm đáng lưu ý báo cáo chỉ yêu cầu đối với hàng hóa EU CBAM được phát hành để lưu hành tự do trong EU. Các doanh nghiệp không phải báo cáo bất kỳ hàng hóa nào khi chúng không được khai báo để nhập cảnh vào lãnh thổ EU (ví dụ như tạm nhập hoặc xử lý nội địa).
Hàng hóa EU CBAM không phải báo cáo, bao gồm:
- Hàng hóa theo quy tắc xuất xứ có nguồn gốc từ EU.
- Hàng hóa theo quy tắc xuất xứ có nguồn gốc từ Iceland, Liechtenstein, CH Na Uy và Thụy Sĩ (các nước EEA là Khu vực kinh tế châu Âu được thành lập ngày 01/01/1994 tiếp theo một thỏa ước giữa các nước thành viên của Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu, Cộng đồng châu Âu, và tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu.). Điểm cần lưu ý nước nhập khẩu không có ý nghĩa quan trọng xét về nghĩa vụ báo cáo mà là nước xuất xứ của hàng hóa. Ví dụ như nếu một quốc gia đem hàng hóa từ Thụy Sĩ có nguồn gốc từ Trung Quốc vào, thì phải báo cáo lượng phát thải của hàng hóa đó.
- Hàng hóa có xuất xứ từ các lãnh thổ Büsingen, Helgoland, Livigno, Ceuta hoặc Melilla (các lãnh thổ đặc biệt trong EU).
- Lô hàng có giá trị thấp, tức là trị giá không quá 150 euro (Quy định miễn thuế, Điều 23). Ví dụ như nếu một nước nhận được một lô hàng từ bên ngoài EU chứa cả hàng hóa EU CBAM (chẳng hạn là ốc vít) và các hàng hóa khác với tổng giá trị lô hàng là hơn 150 euro. Trường hợp nếu giá trị của hàng hóa EU CBAM (ốc vít) trong lô hàng là 150 euro trở xuống thì đó được coi là lô hàng có giá trị thấp và quốc gia đó không phải báo cáo lượng khí thải của chúng cho Ủy ban châu Âu EC. Trị giá tính toán của lô hàng chỉ liên quan đến hàng hóa EU CBAM mà không tính chi phí vận chuyển.
- Hàng hóa EU CBAM mang theo hành lý cá nhân có tổng giá trị không quá 150 euro.
- Hàng hóa được di chuyển hoặc sử dụng trong bối cảnh hoạt động quân sự theo Điều 1, điểm (49), của Quy định được ủy quyền của Ủy ban châu Âu (EU) 2015/2446.
Nghĩa vụ báo cáo: Được ban hành vào tháng 10/2023 như một phần của gói “Fit for 55” của EU, EU CBAM bổ sung cho Hệ thống thương mại phát thải của EU hiện có (EU ETS). EU CBAM định giá một cách hiệu quả đối với một số loại khí nhà kính (“GHG”) phát thải trong quá trình sản xuất một số mặt hàng nhập khẩu chọn lọc, phù hợp với mục tiêu cắt giảm khí nhà kính GHG của EU, ngăn chặn việc “rò rỉ carbon” và tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất EU và ngoài EU. Vấn đề “rò rỉ carbon” còn đề cập đến việc di dời ngành công nghiệp do sự khác biệt trong chính sách định giá carbon giữa các khu vực pháp lý.
Hiện tại, các nhà nhập khẩu CBAM phải đối mặt với nghĩa vụ báo cáo, với các báo cáo EU CBAM hàng quý đầu tiên phải nộp vào ngày 31/01/2024. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc nộp báo cáo trên thực tế, Ủy ban châu Âu EC đã công bố các công ty có thể nộp đơn yêu cầu trì hoãn nộp báo cáo, điều này đem lại cho họ cơ hội được hoãn thêm 30 ngày để nộp báo cáo EU CBAM của họ. Sau đó, bắt đầu từ ngày 01/01/2026, người khai báo EU CBAM được ủy quyền phải nộp báo cáo EU CBAM hàng năm và mua/chuyển giao chứng chỉ EU CBAM (ví dụ như các tác động tài chính bắt đầu kể từ ngày 01/01/2026). Giá của các chứng chỉ CBAM này sẽ được gắn với mức giá trung bình cho phép theo EU ETS, từ đó giúp cân bằng chi phí định giá carbon giữa các nhà sản xuất EU và ngoài EU.