Doanh nghiệp Nhà nước phải là những “nắm đấm thép” trong nền kinh tế

09:44 | 14/11/2024
Lượt xem: 463

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải có vai trò tiên phong, nòng cốt, dẫn dắt và tạo động lực bứt phá, có sức lan tỏa, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao... cho nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của DNNN, trao đổi với PetroTimes, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, sau nhiều năm cải cách, Nhà nước giữ lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quy mô lớn, kinh doanh những ngành mũi nhọn của đất nước, trong đó nổi bật là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)... Trong những năm vừa qua, khu vực DNNN luôn được đề cao, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, DNNN đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cùng với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

DNNN cũng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội. Thông qua hoạt động của mình, DNNN đóng góp lớn, tạo sức mạnh về kinh tế, tham gia trực tiếp các hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế, là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực mà tư nhân không thực hiện.

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như dầu khí, DNNN còn đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, có những DNNN, tập đoàn đã trở thành những thương hiệu mạnh, có vị trí ở tầm khu vực và quốc tế; từ đó nâng cao hình ảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và hình ảnh quốc gia, tạo ra những đóng góp nhất định trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế...

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, chuyên gia kinh tế biển, Petrovietnam hiện đang là doanh nghiệp đi đầu trong các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, hydrogen... PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, thời gian qua, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - đơn vị thành viên của Petrovietnam, đã có một số hợp đồng dịch vụ trong chuỗi cung ứng quốc tế dưới dạng liên danh, liên kết với các công ty khác. Để lớn mạnh, Tổng công ty PTSC cần đứng đầu liên danh, cùng các công ty khác của Việt Nam tạo giá trị gia tăng cao hơn, ổn định hơn để duy trì ổn định và hiệu quả chuỗi giá trị, để khẳng định vị trí tiên phong của mình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, chuyên gia kinh tế biển.

Đối với lĩnh vực điện, theo TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, EVN từ lâu đã khẳng định vị thế là “nắm đấm thép” của Việt Nam trong lĩnh vực điện. Là DNNN trọng yếu, EVN đóng vai trò đầu tàu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hỗ trợ phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện của cả nước. Với nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng, EVN đã không ngừng nỗ lực cải tiến và phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về điện, đồng thời duy trì mức giá hợp lý và ổn định cho người dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Nhà nước phải là những “nắm đấm thép” trong nền kinh tế (Ảnh minh họa)

Trong cuộc họp với các DNNN tiêu biểu đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế; DNNN cần là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN theo hướng nâng cao chất lượng, cụ thể là nghiên cứu, hợp tác triển khai một số dự án năng lượng, công nghệ mới theo xu hướng dịch chuyển trên thế giới, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời đẩy mạnh các động lực mới về tăng trưởng liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, tạo động lực bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hàng năm, 5 năm đã được phê duyệt, rà soát, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp, các dự án đầu tư, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả, duy trì nắm giữ, tăng vốn tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính. Chú trọng xây dựng thương hiệu, đánh giá đúng và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng DNNN để vươn lên. Xử lý dứt điểm các tồn tại, các dự án yếu kém trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể chứ không phải lợi ích cục bộ.

Nhấn mạnh chiến lược đúng đắn sẽ giúp vượt qua thách thức, Thủ tướng nêu rõ cần tái cấu trúc quản trị, cụ thể là tái cấu trúc bộ máy hoạt động tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tái cấu trúc lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng, giảm số lượng; tái cấu trúc về vốn, bảo đảm an toàn, phát triển vốn, tập trung cho đầu tư phát triển; tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc kinh tế cả ở trong nước và nước ngoài; bảo đảm tăng trưởng, từ đó đóng góp cho tăng trưởng chung, ngân sách Nhà nước, nâng cao đời sống của người lao động.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp