Điều tiết thuế GTGT 5% thu từ phân bón như thế nào?

08:22 | 26/11/2024
Lượt xem: 463

Có số ít ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% phân bón, ngân sách Nhà nước (NSNN) được tăng thêm 1.500 tỷ đồng và người nông dân phải áp lực. Tuy nhiên thực tế, việc phân bổ, điều tiết nguồn thuế GTGT này đã được Quốc hội tính toán cặn kẽ.

Nhà nước sử dụng số thuế thu được cho các mục tiêu hỗ trợ trở lại hoạt động sản xuất, chế biển, tiêu thụ nông sản (Ảnh minh họa)

Về nội dung này, kim ngạch phân bón nhập khẩu sẽ có xu thế giảm do áp dụng thuế GTGT 5% dẫn đến số thu thực tế vào NSNN (nếu có) cũng sẽ thấp hơn con số 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, số thuế GTGT thu được từ phân bón nhập khẩu sẽ còn được bù trừ với phần thuế GTGT phải hoàn cho doanh nghiệp trong nước nên tác động tăng thu NSNN do áp dụng thuế GTGT 5% là không đáng kể và nếu có thì cũng sẽ thấp hơn nhiều so với con số 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc ban hành chính sách đánh thuế GTGT phân bón 5% không vì mục tiêu tăng thu ngân sách. Số thu vào ngân sách sau khi đã bù trừ với số phải hoàn cho doanh nghiệp (nếu có), Nhà nước có thể sử dụng cho các mục tiêu hỗ trợ trở lại cho hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Mặt khác, về tác động thực tế đối với người nông dân, số tiền mà đại biểu Quốc hội cho rằng sẽ thu được vào NSNN nêu trên sẽ không chuyển hoàn toàn vào giá bán để tạo gánh nặng cho người nông dân. Lý do là người nông dân có thể lựa chọn mua phân bón sản xuất trong nước có giá rẻ hơn thay vì mua phân bón nhập khẩu. Các đơn vị nhập khẩu cũng sẽ phải cân đối giá bán một cách hài hòa với mặt bằng chung trên thị trường trong nước để bảo đảm khả năng tiêu thụ.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, về mặt nguyên tắc, bất cứ hàng hóa nào lưu hành trên thị trường đều phải chịu thuế GTGT và sẽ có những mặt hàng được ưu đãi ở mức nhất định.

Với việc áp thuế GTGT 5%, Nhà nước có nguồn hoàn lại cho doanh nghiệp sản xuất phân bón để tạo điều kiện đầu tư công nghiệp mới, sản xuất sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nông nghiệp và bình ổn giá bán, lúc này người được lợi lâu dài chính là người nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Khoản NSNN thu được còn lại sẽ là nguồn đầu tư lại cho nông nghiệp thông qua giống cây mới, đào tạo người nông dân về sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, việc áp dụng chính sách mới có một số tác động tích cực đối với nông dân từ việc áp thuế GTGT 5% với phân bón.

Ông Lê Văn Ngân, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, qua 30 năm đồng hành cùng trên 100 doanh nghiệp phân bón, trong 10 năm gần đây, doanh nghiệp trong ngành đầu tư sản xuất đã chậm lại và hạn chế. Để giúp các doanh nghiệp phân bón trong nước cải thiện quy trình công nghệ, dây chuyền sản xuất, cần cấp thiết áp thuế GTGT 5% với mặt hàng này.

“Nhìn ra thế giới, công nghệ phân bón đã phát triển nhiều. Do đó, Việt Nam rất cần những cập nhật đổi mới để bắt kịp nhịp độ này. Việc áp dụng thuế GTGT 5% sẽ giúp các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới tạo ra được những sản phẩm phân bón chất lượng cao, thân thiện với môi trường, phân bón hữu cơ cần thiết, giúp nông sản Việt tự tin hơn khi vươn ra thị trường thế giới. Đây chính là điều mong mỏi nhất đối với người nông dân, nông nghiệp Việt Nam”, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh.

Như vậy, việc áp thuế suất GTGT 5% phân bón sẽ giúp doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT đầu vào, có thêm nguồn vốn, động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón tác dụng cao, phân bón thế hệ mới, góp phần làm tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững. Khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất trong nước sẽ làm giảm dần lượng phân bón nhập khẩu.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp