Giàn khai thác dầu khí Tam Đảo 03
Động lực thúc đẩy sự CDNL chính là yêu cầu giảm phát thải carbon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác từ tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người nhằm chống biến đổi khí hậu. Dưới tác động của CDNL, các xu hướng phát triển chính trong công nghiệp dầu khí cũng xảy ra đồng thời với công nghiệp năng lượng chung, bao gồm: điện hóa dạng năng lượng sử dụng, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), tiết kiệm năng lượng, dịch chuyển dần từ dầu sang khí, tích hợp lọc - hóa dầu...
Thách thức đối với các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam
Không nằm ngoài quy luật thế giới, CDNL đã, đang và sẽ tác động đến các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Theo xu hướng CDNL, yêu cầu về “sạch hóa” nguồn cung năng lượng sẽ dẫn tới sự giảm nhu cầu dầu thô và tăng nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên, đồng thời, tạo ra áp lực khiến ngành Dầu khí buộc phải áp dụng các giải pháp công nghệ để theo dõi, giảm thiểu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình khai thác dầu khí.
Ở nước ta hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang khai thác với mức độ suy giảm sản lượng cao, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai thác. Trong khi đó, các mỏ mới được đưa vào khai thác chậm do thiếu vốn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, rất khó khăn để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, mở rộng thăm dò. Các mỏ, vỉa mới dự kiến đưa vào khai thác phần lớn có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ. Với dầu khí tại chỗ còn lại thì khí chiếm tỷ trọng lớn hơn dầu, phân bổ không đều, tập trung ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất và kỹ thuật khai thác phức tạp, nhiều khó khăn…, dẫn đến giá cao, chi phí phát triển và vận hành mỏ tăng lên đáng kể. Do đó, thách thức đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác (E&P), bên cạnh các việc gia tăng sản lượng khai thác dầu - khí, còn là rất nhiều yêu cầu liên quan đến các giải pháp công nghệ mới, giảm thiểu rò rỉ khí methane, phát thải CO2, sử dụng các nguồn NLTT trong các hoạt động khai thác…
Đối với hoạt động chế biến dầu khí, xu hướng CDNL đã dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu lỏng truyền thống và tăng dần nhu cầu các loại nhiên liệu mới như nhiên liệu sinh học và hydrogen. Những thách thức có thể thấy ngay là: Sự cạnh tranh giữa phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng dầu truyền thống với nhiên liệu sinh học, sạc điện, pin; sự cạnh tranh giữa nhiên liệu xăng dầu được sản xuất trong nước và xăng dầu nhập khẩu; sản lượng tiêu thụ nhiên liệu giảm dẫn đến biến động giá dầu thô; yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm lọc dầu…
Công trường Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4
Để đón đầu được sự phát triển của các loại phương tiện giao thông thế hệ mới như xe điện và xe sử dụng hydrogen, các nhà máy lọc dầu cần xây dựng chiến lược phát triển mới các sản phẩm hóa dầu, hydrogen, các loại nhiên liệu sinh học. Để thích ứng với xu hướng CDNL và bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả, các nhà máy lọc dầu cần cải tiến, nâng cấp công nghệ để tạo ra được cơ cấu sản phẩm linh động phù hợp với sự thay đổi của thị trường theo hướng giảm nhiên liệu và tăng hóa dầu. Trong bối cảnh này, các nhà máy lọc dầu phải chủ động phát triển theo định hướng linh hoạt hóa các nguồn nguyên liệu và sản phẩm, phát triển sản phẩm hóa dầu, tích hợp các nguồn tái tạo và tối ưu hóa hoạt động sản xuất để nâng cao năng lực hoạt động và cạnh tranh. Các hoạt động tích hợp các nguồn tái tạo và CCUS (thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon) cũng cần được đẩy mạnh phát triển.
Khâu vận chuyển, tồn trữ, phân phối nguyên liệu và sản phẩm dầu khí hoạt động phụ thuộc vào các lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí. Để thích ứng với xu hướng CDNL, sự phát triển của các công nghệ hóa lỏng khí và phương pháp vận chuyển đã dẫn đến sự giảm đáng kể chi phí sản xuất và vận chuyển LNG đường dài. Điều này đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển của thị trường nhập khẩu LNG. Trong lĩnh vực công nghiệp khí, việc nhập khẩu LNG vô hình trung đã hình thành sự cạnh tranh về giá giữa khí tự nhiên trong nước và LNG. Việc các cơ chế chính sách được xây dựng ưu tiên cho NLTT cũng dẫn đến nguy cơ sụt giảm huy động khí cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp khác. Các nhà máy điện của Petrovietnam từ đó bắt đầu phải cạnh tranh với NLTT; cũng như xuất hiện nhu cầu bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy đạm khi các nguồn khí mới có giá thành cao.
Sự phát triển hydrogen từ các nguồn NLTT cũng yêu cầu sự phát triển về mặt công nghệ về vận chuyển và tồn trữ hydrogen. Các trạm phân phối xăng dầu được yêu cầu phải cải hoán để có thể phân phối đồng thời các loại nhiên liệu truyền thống và những dạng năng lượng mới. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng chính là cơ hội để khâu phân phối sản phẩm dầu khí truyền thống có thể mở rộng chuỗi giá trị và đối tượng khách hàng của mình. Ngoài ra, các thách thức khác còn đến từ yêu cầu sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ở các đơn vị của Petrovietnam; áp lực từ yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính đối với các nhà máy/cơ sở tiêu thụ năng lượng của Petrovietnam; tác động của các chính sách của Nhà nước, của các tổ chức, yêu cầu Petrovietnam phải tuân thủ…
Petrovietnam cần phải đương đầu với các thách thức và xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp: hướng đến trở thành một công ty năng lượng nhằm đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, cân đối các nguồn cung để thích ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường.
Cơ hội mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí
Như vậy, bên cạnh những thách thức đặt ra, cũng đồng thời xuất hiện những cơ hội để mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí của Petrovietnam, như tăng tỷ trọng khí trong các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất điện và chế biến hóa dầu, hóa chất; phát triển LNG; phát triển NLTT và tích hợp vào hoạt động sản xuất và kinh doanh của Petrovietnam; phát triển chuỗi giá trị hydrogen, ammonia, bao gồm sản xuất hydrogen, ammonia từ NLTT, tích hợp hydrogen, ammonia vào các hoạt động sản xuất điện và chế biến dầu khí, lưu trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen, ammonia. Bên cạnh đó là phát triển các trạm sạc, pin nhiên liệu, tận dụng lợi thế của cơ sở hạ tầng sẵn có tại các cửa hàng xăng dầu, liên kết các đơn vị sản xuất điện trong ngành để tích hợp vào chuỗi giá trị dầu khí; phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật năng lượng; phát triển công nghệ thu hồi, lưu trữ carbon…
Kể cả với kịch bản phát triển năng lượng bền vững tham vọng nhất là Net Zero vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thì dầu khí - dù tỷ trọng có giảm sút - vẫn là một phần quan trọng trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu. Với tốc độ sử dụng năng lượng có tính đến yếu tố về CDNL, các nguồn cung dầu khí hiện tại chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu năng lượng của con người, vì vậy, vẫn cần đầu tư mở rộng các nguồn dầu khí mới. Tuy nhiên, do đặc tính luôn thay đổi và không ổn định của thị trường năng lượng hiện tại cũng như trong tương lai, các hoạt động đầu tư này tiềm ẩn những rủi ro đáng kể. Sự chi phối của các hoạt động sử dụng năng lượng, yếu tố thiên tai, bệnh dịch, sự phát triển các nguồn NLTT… có thể dẫn đến sự mất cân bằng cung - cầu dầu khí. Đây là điểm mà các công ty dầu khí, bao gồm cả Petrovietnam, cần phải đương đầu và xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp: hướng đến trở thành một công ty năng lượng nhằm đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, cân đối các nguồn cung để thích ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường.
Tàu Hoegh Gandria chở gần 60.000 tấn LNG từ cảng Bintulu Malaysia đã an toàn cập bến cảng PV GAS Vũng Tàu
Như vậy, đối với Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng, dưới tác động của các xu hướng CDNL, tồn tại đồng thời cả cơ hội và thách thức. Có thể thấy rằng, cơ hội đến từ nhiều khía cạnh khác nhau như chủ trương phát triển NLTT, năng lượng sạch trong các chính sách vĩ mô của Đảng và Chính phủ, tiềm năng tài nguyên khí thiên nhiên và NLTT của Việt Nam, sự phát triển của công nghệ khiến giá các loại hình năng lượng sạch giảm mạnh, bản thân nội lực của chính Petrovietnam với các cơ sở hạ tầng sẵn có và kinh nghiệm của đội ngũ nhân lực dầu khí chất lượng cao... Bên cạnh đó, các ràng buộc, tồn tại về chiến lược, mô hình hoạt động… cũng sẽ tạo ra những thách thức cho Petrovietnam trên bước đường đổi mới hoạt động của mình. Nhận diện được các yếu tố này sẽ tạo điều kiện để Petrovietnam bảo đảm tiếp tục phát triển hiệu quả và bền vững ở điều kiện mới trong lĩnh vực năng lượng.
Bên cạnh những thách thức đặt ra, cũng đồng thời xuất hiện những cơ hội để mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí của Petrovietnam, như tăng tỷ trọng khí trong các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất điện và chế biến hóa dầu, hóa chất; phát triển LNG; phát triển NLTT và tích hợp vào hoạt động sản xuất và kinh doanh; phát triển chuỗi giá trị hydrogen, ammonia…