Petrovietnam chính thức vận hành hệ thống ERP từ tháng 5-2024
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT) và chuỗi khối (Blockchain) đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực và sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dầu khí, năng lượng.
Mới đây, Kết luận số 76-KL/TW ngày 24-4-2024 của Bộ Chính trị định hướng “phát triển ngành Dầu khí nhanh, bền vững, đồng bộ, hiệu quả” và “phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống; tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển, hydrogen, amoniac, chuỗi cung ứng nhập khẩu, kinh doanh LNG, sản xuất thiết bị năng lượng”.
Để hiện thực hóa định hướng này, ngành Dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng cần tập trung thúc đẩy CĐS, “khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Dầu khí và trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp dầu khí quy mô lớn” theo định hướng của Kết luận số 76-KL/TW.
Nhận thức được ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Petrovietnam đã xác định công tác CĐS của Tập đoàn là việc bắt buộc phải thực hiện và đã tích cực triển khai trong những năm qua.
Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết, có đề án, kế hoạch, chỉ đạo của HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn, các đơn vị cùng Tập đoàn đang tiếp tục hoàn thiện và thực hiện công tác CĐS để có phương án để triển khai, thực hiện, có được kết quả tốt nhất để tạo ra mô hình kinh doanh mới.
Trong thời gian qua, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của CĐS, Tập đoàn cũng đã xây dựng tầm nhìn số là “Chuyển đổi số hỗ trợ và thúc đẩy quá trình dịch chuyển mô hình kinh doanh, tối ưu phương thức hoạt động và nâng cao năng lực quản trị vận hành trên toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.
Lãnh đạo Tập đoàn đã có nhiều chỉ đạo về việc thực hiện triển khai CĐS, bám sát chiến lược CĐS theo lộ trình giai đoạn 2022-2026. Đặc biệt từ năm 2026 trở đi, 100% các đơn vị trong Petrovietnam sẽ hướng tới hoàn thành công tác CĐS và vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng công nghệ số. Hoàn tất quá trình xây dựng hệ sinh thái số (PVN DigiEcoSystem) trong toàn Tập đoàn, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng.
Đầu tháng 5-2024, Petrovietnam đã vận hành chính thức Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ - Tập đoàn giai đoạn 1. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, việc triển khai thành công Hệ thống ERP góp phần giúp Tập đoàn nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tối ưu hóa công tác quản trị tài chính. Đây cũng là sáng kiến số trọng điểm, cốt lõi, đóng vai trò quan trọng hàng đầu của Petrovietnam, là dấu mốc thành công trong lộ trình CĐS của Tập đoàn cũng như tạo tiền đề để Petrovietnam triển khai các sáng kiến số tiếp theo.
Bên cạnh Công ty mẹ Tập đoàn, các đơn vị thành viên của Petrovietnam cũng tích cực triển khai và đẩy nhanh tiến trình CĐS để tối ưu hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh. Điển hình như Liên doanh Vietsovpetro đã triển khai hệ thống ERP, Trung tâm Giám sát vận hành SVODKA VSP, thu thập và truyền dữ liệu công nghệ từ công trình biển vào bờ trong thời gian thực. PV Power cũng trang bị trung tâm giám sát trực tuyến vận hành các nhà máy điện, hệ thống nhật ký vận hành điện tử các nhà máy điện (e-logbook)… PVCFC đã triển khai hệ thống ERP, hệ thống quản lý hoạt động sản xuất EPMS cùng nhiều ứng dụng như 2Nông, CRM-omni, Anh Hai Cà Mau… Những kết quả tích cực trong CĐS đã góp phần giúp các doanh nghiệp dầu khí nâng cao hiệu quả công tác quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế.
Với phương châm “Tăng tốc chuyển đổi số”, Petrovietnam và các đơn vị đã và đang tích cực triển khai xây dựng và cập nhật chiến lược CĐS gắn liền với chiến lược sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng như từng đơn vị. Đẩy mạnh công tác tái cấu trúc và đổi mới mô hình hoạt động, điều hành và chuyển đổi mô hình nghiệp vụ từ truyền thống sang môi trường số. Các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được triển khai các công tác chuẩn bị, nền tảng công nghệ và bảo mật được tăng cường và duy trì và cải thiện liên tục.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác chính là việc hình thành văn hóa số trong Petrovietnam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề cao sự hợp tác, khuyến khích tư duy mở và học hỏi liên tục. Lãnh đạo Tập đoàn cũng yêu cầu cán bộ, lãnh đạo, người lao động trong toàn hệ thống Petrovietnam tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất chung trong triển khai CĐS, ứng dụng các giải pháp số trong các hoạt động của Tập đoàn nói chung, các đơn vị nói riêng bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống Petrovietnam.
Thông qua chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi tư duy cũng như việc ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và dịch chuyển mô hình kinh doanh sẽ là những “động lực mới” để Petrovietnam phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Petrovietnam không thể “lỡ chuyến tàu”. Petrovietnam cần nhận thức rằng môi trường và tài nguyên đang biến đổi với tốc độ chóng mặt, chúng ta phải tồn tại và phát triển bất kể nó xảy ra như thế nào. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cho phép con người làm chủ sức mạnh cơ học, các cuộc cách mạng sau đó cho phép con người làm chủ, khai thác sức mạnh của năng lượng điện. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, sự chuyển đổi dựa trên công nghệ số “chúng ta sẽ làm chủ sức mạnh trí óc”, đó chính là sức mạnh của sự sáng tạo, đổi mới và không có giới hạn”.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng