Bộ Công Thương vừa công bố thông tin trả lời về một số vấn đề nóng trong Luật Điện lực (sửa đổi) như Quy hoạch, dự án điện, giá điện, cơ chế đặc thù phát triển điện lực miền núi, hải đảo...
Bộ Công Thương cho rằng Luật Điện lực hiện hành đã lỗi thời không thể đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn, truyền tải điện cho phát triển kinh tế cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Chính vì “thời gian không cho phép”, cần phải “rất nhanh” sửa đổi Luật làm bệ đỡ cho ngành điện lực phát triển trong kỷ nguyên năng lượng sạch.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Luật Điện lực được ban hành từ năm 2004, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023. Mặc dù được sửa đổi, bổ sung nhiều lần và đã giải quyết một số vướng mắc khó khăn của thực tiễn trong các thời kỳ, tuy nhiên do chưa được sửa đổi, bổ sung toàn diện, thực tiễn cho thấy nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không theo kịp được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn. Cụ thể: Về chủ trương, chính sách của Đảng, thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.
Còn về quy định pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi nhiều Luật mới liên quan đến lĩnh vực điện lực; Nghị quyết số 937 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban hành, trong đó chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực điện lực, bao gồm cả các nội dung về thể chế và đề nghị nhiều biện pháp, cơ chế tổng thể để giải quyết những bất cập, vướng mắc nêu trên.
Hiện nay, tình hình, hoạt động điện lực trong nước cần phải có những điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, đột phá, trước tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số; xu thế về chuyển dịch năng lượng trên thế giới cũng như những cam kết quốc tế về giảm phát thải cacbon. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với việc đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Vì những căn cứ nêu trên, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt trong điều hành; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và những tồn tại, hạn chế như thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp trong sản xuất điện;
Chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ...; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới trong nước, quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ phát triển KT-XH và đời sống dân sinh.
Nếu Luật điện lực (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thì hy vọng năm 2030 sẽ có dự án Điện gió ngoài khơi đầu tiên đi vào vận hành.
Vào chiều ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện lực (Sửa đổi). Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu với nhiều chỉ đạo, định hướng hết sức quan trọng. Tổng Bí thư nhấn mạnh, để giải quyết “tất cả những vấn đề, những bất cập về an ninh năng lượng thì Luật Điện lực (sửa đổi) phải định hướng, phải cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, phải đưa pháp lý làm sao để đảm bảo được yêu cầu đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia phát triển, điều tiết, quy hoạch điện, phải đảm bảo được nguồn điện sạch… Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể công bố với thế giới năm nay sản lượng điện bao nhiêu, từ nguồn nào… “Người ta nhìn thấy ngay, thấy minh bạch, người ta thấy thì các nhà đầu tư yên tâm vào. Đấy là cái cấp bách của Luật Điện lực (sửa đổi) phải đảm bảo được các yêu cầu như thế”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Định hướng thế này rồi chờ đến mấy năm nữa khảo sát, giải phóng mặt bằng, đi tìm công nghệ, đi tìm vốn nữa, trong khi 2045 đến nơi rồi, không chờ đợi được. Thời gian không cho phép, chúng ta phải làm những việc đó, đòi hỏi phải rất nhanh, rất đồng bộ trong những khâu này”.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng cho rằng: “Nếu chờ đợi để hoàn chỉnh được hết, học tập hết kinh nghiệm nước ngoài thì rất khó. Chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện hoàn chỉnh nhưng với tầm nhìn để đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu như trên”.
Có thể thấy rằng, yêu cầu cấp thiết cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) để triển khai trong thực tiễn, đảm bao an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới.