Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực

08:21 | 12/11/2024
Lượt xem: 463

“Nếu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ đề cập tới cụm từ ‘bảo vệ môi trường’ thì chưa bao quát được hết các nội hàm cần hướng tới, trong khi đó ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam”, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh phân tích.

Trồng cây ở khu vực bãi thải của Dự án Nhà máy điện gió Hướng Tân hướng tới bảo vệ môi trường (Ảnh: M.L)

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tập trung vào các chính sách lớn, trong đó đề cập tới phát triển điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp như hydrogen.

Về quy định chung, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật chủ yếu trong chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và các cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời kỳ mới.

Cụ thể hóa quan điểm “ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính”

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hiện xác định chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực như sau: “Phát triển điện lực là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia”.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cần cụ thể hóa thêm nội dung về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững gồm: “Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” để làm chặt chẽ hơn quy định chung của dự thảo Luật.

Nhìn nhận phát triển điện lực nói chung và năng lượng tái tạo, năng lượng mới nói riêng ở Việt Nam là quá trình đột biến, nảy sinh ra nhiều vướng mắc cần giải quyết liên quan đến các vấn đề môi trường, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có những ý kiến góp ý về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khi trao đổi với PV.

Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Nhà nước là phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, công bằng và ổn định xã hội. Do đó, quan điểm này cần xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách đường lối phát triển kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, bao gồm các dự án điện lực.

Điều này đặt ra yêu cầu cụ thể hơn là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Nếu dự thảo Luật chỉ đề cập tới cụm từ “bảo vệ môi trường” hay “phát triển bền vững” thì chưa bao quát được hết các nội hàm cần nhắc tới, trong khi đó ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng đã có những cam kết quốc tế. Điều đó cần phải được thể hiện trong từng dự án, nên cần thiết đưa vào luật hóa.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Dù phát triển điện lực gắn với bảo vệ môi trường là thách thức lớn đến mấy, nhưng không có nghĩa là Việt Nam sẽ đi ngược quan điểm đã đặt ra.

Thích ứng với biến đổi khí hậu đối với các dự án điện lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi liên quan trực tiếp tác động đến nhau. Các công trình thủy điện khi xây dựng có liên quan đến tự nhiên, đến dòng chảy của các dòng sông, tích nước, di dân tái định cư, trồng hoặc tái sinh rừng. Vừa qua, hiện tượng thời tiết cực đoan mưa lũ, sạt lở bất thường ngoài dự đoán, liên quan đến biển đổi khí hậu đòi hỏi các dự án điện khi xây dựng phải có dự báo, đánh giá.

Hay trong việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, thoạt nghe chỉ là tận dụng các nguồn năng lượng gió nhưng nguồn năng lượng này phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, biến đổi khí hậu, liên quan đến mực nước biển dâng, sự thay đổi thời tiết không hoàn toàn mang tính ổn định.

Biến đổi khí hậu có thể gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, quy luật tự nhiên thay đổi, biến đổi về địa chất, môi trường sinh thái, không chỉ quan sát ở hiện tại mà còn diễn ra trong tương lai, đòi hỏi chúng ta cần định lượng trước, đưa vào thông số trong lập các dự án, quy hoạch phát triển các ngành.

Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cũng tương tự, Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết quốc tế về việc Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để cụ thể hóa cam kết này, theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, dự thảo Luật cần cân nhắc việc đặt các yêu cầu về giảm phát thải như một quan điểm để có tính toàn diện, đầy đủ, có tầm nhìn dài hạn.

Tuy nhiên, mục tiêu phát triển hệ thống điện lực quốc gia thực hiện song song với yêu cầu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải là một thách thức lớn bởi đây là một nghịch lý phát triển. Một mặt phải đáp ứng những yêu cầu trước mắt ngày càng tăng, thiết yếu của hệ thống điện, của nền công nghiệp năng lượng, một mặt phải cân đối nguồn lực, đảm bảo ổn định cho tương lai.

Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, thiếu nhiều vốn, công nghệ thì đây là thách thức lớn. Đối với những nước đã phát triển có sự tích lũy lớn thì giải quyết thách thức này dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh, dù thách thức lớn đến mấy, không có nghĩa là Việt Nam sẽ đi ngược quan điểm đã đặt ra. Cách làm là chúng ta đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn, từng bước tương ứng với các định lượng phù hợp. Nếu đặt ra các mục tiêu quá cao mà không thực hiện được thì chính sách sẽ gây tác dụng ngược.

Quan điểm đảm bảo phát triển các dự án điện lực gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính cần được thể hiện xuyên suốt trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Khuyến khích đầu tư, đổi mới cho năng lượng

Trong thời gian tới, bên cạnh phát triển hệ thống điện quốc gia, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các thách thức về xử lý môi trường đối với các dự án điện, nhất là việc xử lý lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than hay xử lý các tấm pin mặt trời khi hết thời hạn sử dụng trong năng lượng tái tạo và các hệ lụy khác. Đặt ra yêu cầu tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, chi phí, giảm thiểu tác hại môi trường.

Do đó, khi tính toán cụ thể hóa những quan điểm chính sách vào dự thảo Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần xét đến 2 vấn đề.

Thứ nhất, xác định quan điểm đảm bảo phát triển các dự án điện lực gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Quan điểm này cần được thể hiện xuyên suốt trong quy định phát triển các hoạt động điện từ quy hoạch, kế hoạch đến thẩm định các dự án đầu tư, giám sát thực hiện.

Thứ hai, làm rõ các chế định cụ thể hơn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các quy định về đầu tư đổi mới sáng tạo cho các hoạt động điện lực, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đây là khía cạnh giúp chúng ta vẫn có thể sử dụng những nguồn năng lượng truyền thống dựa trên công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí môi trường.

Theo PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, một nhu cầu quan trọng hơn là đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để phát triển những nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đòi hỏi chi phí lớn. Trên thực tế, năng lượng tái tạo được hình thành trên những công nghệ mới, không chỉ ở đầu vào như gió, nước, mặt trời.

Đây là vấn đề dài hạn, các luật chuyên ngành đều có những quy định này để khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Do đó, ngoài các quan điểm xuyên suốt cần thể hiện trong dự thảo Luật, các chế định, quy định về khuyến khích đầu tư đổi mới, sáng tạo cho năng lượng nói chung, trong đó có năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng cần được cụ thể hóa, tạo điểm nhấn.

Cũng theo ông Lĩnh, trong dự thảo Luật chưa đề cập nhiều đến năng lượng hạt nhân. Đây là nguồn năng lượng trong tương lai không thể không sử dụng đến, đòi hỏi sự đầu tư lớn, chiến lược cần tầm nhìn cả thế kỷ, dựa trên khoa học công nghệ cao.

“Nói đến phát triển năng lượng trong dài hạn là nói đến chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đề cập đến vai trò của năng lượng tái tạo, mà nói đến nguồn năng lượng mới là nói đến công nghệ cao, để hiện thực được cần có đầu tư dài hạn. Điều này cần được thể hiện trong các quy định của dự thảo Luật và các điều luật liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ trong điện lực”, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp