Cần có chế độ lương tương xứng cho người quản lý doanh nghiệp nhà nước

03:29 | 03/03/2024
Lượt xem: 463

Doanh nghiệp phải chọn, bổ nhiệm quản lý có trình độ, kinh nghiệm, và cần có chế độ tiền lương, lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại buổi gặp mặt doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu sáng 3/3. Nhìn nhận vai trò của khu vực này rất lớn, đầy thách thức, nhưng tiền lương và quyền lợi còn chưa tương xứng, Bộ trưởng cho rằng hiện doanh nghiệp nhà nước còn thiếu sự tự chủ, người lao động, nhất là cấp quản lý không được khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy tối đa năng lực.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt doanh nghiệp Nhà nước, sáng 3/3. Ảnh: VGP

Hiện, doanh nghiệp quyết mức lương của người lao động, còn cấp quản lý do Chính phủ ban hành. Lương cơ bản của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước khoảng 16-36 triệu đồng một tháng. Khi công ty có lãi, lợi nhuận vượt kế hoạch, mức này được tính thêm hệ số, thưởng, tối đa 86,4 triệu đồng một tháng. Quy định trên áp dụng từ 2013 đến nay.

Chẳng hạn, năm 2022, thu nhập lao động bình quân 10-12 triệu đồng một tháng, riêng khối tập đoàn, tổng công ty là 17-18 triệu đồng. Lãnh đạo trung bình 40 triệu đồng một tháng, còn tại các tập đoàn, tổng công ty 60-70 triệu đồng.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, đến cuối năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó 70% đơn vị do Nhà nước nắm toàn bộ vốn điều lệ, còn lại giữ cổ phần chi phối.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng ngoài tháo gỡ cơ chế, cần có thêm chính sách đặc thù để doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Bộ KH&ĐT chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, khi Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu 2024. Việc này nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mới nổi theo hướng chuyển đổi xanh (chip bán dẫn, điện gió ngoài khơi, hydrogen...).

Theo báo cáo được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1,65 triệu tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023.

Trong đó, doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (hơn 1,3 triệu tỷ đồng) chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 125,8 ngàn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166 ngàn tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Năm 2023, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai như Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây…

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp