Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế

10:23 | 19/11/2024
Lượt xem: 463

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với PV về cơ chế đặc thù cần bổ sung tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.

PV: Trước bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, theo ông có cần thiết sắp xếp lại các lĩnh vực của doanh nghiệp Nhà nước để phù hợp với tình hình mới hay không?

TS. Lê Đăng Doanh: Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, thương mại điện tử, người máy, trí thông minh nhân tạo (AI) dẫn đến những thay đổi về vị trí, tầm quan trọng của các ngành kinh tế, kỹ thuật trong nền kinh tế và năng lực cạnh tranh. Các dịch vụ số hóa, làm việc, giáo dục, học tập từ xa đang phát triển mạnh. Vì vậy, cần phân tích và xác định lại những ngành, lĩnh vực nào cần duy trì doanh nghiệp Nhà nước, lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư từ kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài để tận dụng cơ hội này.

Trong đó, vai trò của Quốc hội, Chính phủ là công bố cụ thể danh mục những lĩnh vực, ngành Nhà nước cần đầu tư, bổ sung vốn hay thoái vốn sau khi đánh giá lại bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến những thay đổi về vị trí, tầm quan trọng của các ngành kinh tế, kỹ thuật.

Phân biệt rõ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, nhiệm vụ công ích với các nhiệm vụ kinh doanh, quy chế báo cáo thông tin, công khai minh bạch của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, thực hiện sự giám sát của cấp có thẩm quyền đối với những doanh nghiệp Nhà nước.

Xác định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong tình hình kinh tế hiện nay và cho từng vùng kinh tế như ở trung tâm công nghiệp có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân thì khác với vùng sâu, vùng xa chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động.

Trong điều kiện hiện nay, khi kinh tế tư nhân đã phát triển hơn, doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ mọi lĩnh vực, mà chỉ cần giữ vị trí cần thiết ở những ngành liên quan tới quốc phòng - an ninh và một số ngành kinh tế - kỹ thuật nhất định mà khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài chưa sẵn sàng đầu tư.

Doanh nghiệp Nhà nước cần đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tạo lập kết cấu hạ tầng cho tăng trưởng, năng lượng, tài chính tín dụng, ngân hàng, viễn thông, xuất khẩu lương thực, dịch vụ cảng hàng không.

Ngoài ra, ở những vùng sâu, vùng xa, biển đảo... những nơi mà kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài chưa sẵn sàng đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp Nhà nước vẫn cần được tiếp tục duy trì để bảo đảm phát triển kinh tế vùng.

Vì vậy, việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước kết hợp với đầu tư mới vào những lĩnh vực cần thiết để kinh tế Nhà nước thực sự nắm giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này vừa tái cơ cấu, giảm bớt doanh nghiệp Nhà nước, vừa đầu tư có chọn lọc vào những doanh nghiệp Nhà nước ở những lĩnh vực cần thiết, tiên tiến về khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng.

Doanh nghiệp Nhà nước cần đóng vai trò chi phối trong các lĩnh vực tạo lập kết cấu hạ tầng, năng lượng, tài chính tín dụng, ngân hàng, viễn thông, xuất khẩu lương thực, dịch vụ cảng hàng không (Ảnh minh họa)

PV: Trong bối cảnh mới có nhiều vấn đề phát sinh đối với các doanh nghiệp/Tập đoàn nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, theo ông cần xây dựng cơ chế như thế nào để các doanh nghiệp này hoàn thành tốt sứ mệnh như kỳ vọng?

TS. Lê Đăng Doanh: Từ yêu cầu cần sắp xếp, xác định lại vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh mới, kiến nghị giao Chính phủ quyết định một số nội dung, nhằm tạo hành lang pháp lý để Chính phủ có thẩm quyền ban hành danh mục, cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Thứ nhất, kiến nghị bổ sung nội dung “Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia trong từng thời kỳ. Chính phủ ban hành Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp này”.

Thứ hai, về đầu tư bổ sung vốn, kiến nghị bổ sung nội dung: “Đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia, việc chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, cho ý kiến hoặc thực hiện theo Đề án tái cấu trúc, sắp xếp, cơ cấu lại do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Một điểm cần lưu ý là luật chỉ nên quy định mục tiêu và nguyên tắc đánh giá doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nói chung, giao Chính phủ quy định cụ thể các tiêu chí, định mức vì các tiêu chí này phụ thuộc vào bối cảnh thị trường, mục tiêu phát triển... thay đổi theo từng thời kỳ.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, lương, thưởng theo định mức và hướng dẫn theo ngành trong từng giai đoạn của chiến lược phát triển. Nhà nước điều tiết bằng thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Thống nhất quy định về công khai minh bạch thông tin hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, thống nhất biểu mẫu, thời gian, địa điểm công khai trên cổng thông tin điện tử, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa Luật 69/2014/QH13, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, giữa Cổng thông tin Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện nội dung, trình tự phê duyệt dự án đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền ra quyết định vào Luật số 69 đối với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án lớn và dự án đầu tư công để đảm bảo phù hợp với quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công... nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác định cơ quan chủ quản và thẩm quyền ra quyết định đối với các dự án này.

PV: Để Nhà nước làm tốt vai trò “bà đỡ” về pháp lý cho các doanh nghiệp Nhà nước, cần đổi mới cơ chế quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra sao, thưa ông?

TS. Lê Đăng Doanh: Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bởi đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để tăng trưởng, phát triển, trong đó doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới như một nhu cầu tự thân, Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ” hỗ trợ về pháp lý.

Nhà nước tập trung thực hiện hiệu quả và đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới công nghệ và cải thiện năng lực quản trị công nghệ. Chú trọng tổ chức đào tạo về quản lý công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho doanh nghiệp. Tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về đổi mới công nghệ cho cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Nhà nước còn thể hiện vai trò hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ. Hình thành các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ thực hiện nghiên cứu và ứng dụng sản xuất sản phẩm mới.

Cùng với đó, Nhà nước cũng tiếp tục và quyết liệt thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước. Để làm điều này cần sớm ban hành Luật cổ phần hóa, chính sách đối với cổ tức, lợi nhuận từ vốn đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước và các nội dung về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Nguyên tắc là bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp