Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng Petrovietnam thực sự đã hoàn thành xuất sắc mong ước của Bác Hồ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Petrovietnam đã và đang làm rất tốt cả hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Là học giả nghiên cứu sâu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết (trong bộ 5 cuốn) về Bác Hồ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương có những chia sẻ sâu sắc về lời “tiên tri" của Người cách đây 65 năm, khi Bác có chuyến thăm đất nước Azerbaijan. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu…”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài về quân sự, văn hóa, ngoại giao… Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, không ít lần Người có những dự đoán vô cùng chính xác. Đồng thời, Người cũng có những quyết sách vô cùng đúng đắn trong lĩnh vực kinh tế. Tầm nhìn của Bác về ngành công nghiệp Dầu khí là một minh chứng.
Thời điểm đất nước chia cắt hai miền, miền Bắc vẫn còn rất nhiều khó khăn, người dân có lúc còn thiếu cả gạo ăn. Trong khi đó, Việt Nam vốn là quốc gia được “mẹ thiên nhiên” ưu đãi, có rừng vàng biển bạc, có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên lộ thiên, cũng như nguồn còn chưa được khai phá.
Có lẽ, chính vì muốn nhân lên sức mạnh cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ mà Hồ Chủ tịch đã nghĩ đến việc phát triển một nền kinh tế thật mạnh mẽ, tự lực tự cường. Và Bác đã nghĩ đến ngành Dầu khí.
"Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu" - đây không chỉ là mong ước, là lời tiên tri của Bác, mà còn là niềm tin, là khát khao một nền công nghiệp Dầu khí giàu mạnh, làm điểm tựa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sau này…
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, một người có nhiều năm gắn bó với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng, và ngành công nghiệp Dầu khí nói chung cũng bày tỏ sự vui mừng chứng kiến sự đổi thay, "lột xác" ngoạn mục của Petrovietnam qua nhiều thời kỳ. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, Petrovietnam thực sự đã hoàn thành xuất sắc mong ước của Người.
Từ thời còn là Vụ trưởng Vụ Báo chí, rồi Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho đến bây giờ là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, TS. Kỷ vẫn luôn theo sát và ghi nhận, đánh giá rất cao những đóng góp của Petrovietnam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tính từ khi phát hiện mỏ khí công nghiệp đầu tiên (ở Tiền Hải, Thái Bình), rồi đến sự kiện Liên doanh Vietsopetro thu được tấn dầu đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ… từng có giai đoạn tổng thu của Petrovietnam chiếm đến 30% GDP của cả nước. Giai đoạn sau này, dù cơ cấu nền kinh tế có nhiều đổi thay, thì Petrovietnam vẫn chiếm đến 10% GDP. Đây thực sự là những con số rất ấn tượng, minh chứng Tập đoàn đã và đang là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh nguồn thu cho ngân sách, hoạt động của Petrovietnam còn lan tỏa ra các ngành kinh tế khác, là động lực, đòn bẩy cho các ngành công nghiệp khác như điện, phân bón, hóa chất…
Đặc biệt, sự có mặt của các công ty thành viên của Petrovietnam tại các địa phương còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nơi đó, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Thanh Hóa… Đặc biệt, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Quảng Ngãi - là miền đất từng có nhiều năm nghèo đói xơ xác sau chiến tranh.
Cuối cùng, những giàn khoan hùng vĩ trên biển, những đường ống dẫn dầu, dẫn khí dài hàng trăm km cùng hàng ngàn người lao động trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp… cũng đang góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên đất liền cũng như trên biển.
“Thực sự Petrovietnam đã và đang làm rất tốt cả hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”- TS. Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ luôn luôn tin rằng, với nền tảng văn hóa - tư tưởng mà Petrovietnam đã dày công vun đắp; đồng thời bằng trí tuệ, mồ hôi, nước mắt và cả bằng máu của hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên thì truyền thống xây dựng, phát triển ngành Dầu khí - dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; Đảng bộ cơ quan Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Tập đoàn - chắc chắn tiếp tục được phát huy. Petrovietnam sẽ sớm trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng, tiếp tục là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế.
Để phát huy hơn nữa những thế mạnh sẵn có của mình, TS. Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Tập đoàn cần tiếp tục chăm lo xây dựng con người Dầu khí mới, với các phẩm chất như bản lĩnh, sáng tạo, khát vọng và giàu trí tuệ.
Cùng với đó, việc tạo động lực và đoàn kết trong nội bộ Tập đoàn cũng là điều hết sức quan trọng. Như đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nói một cách rất đúng và rất trúng, là chúng ta luôn luôn cần tạo động lực mới, làm mới động lực cũ, tạo nguồn năng lượng mới để vươn tới những đỉnh cao! |
TS. Khổng Đức Thiêm cho rằng trong tương lai Petrovietnam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu của Việt Nam và quốc tế.
Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm: Ngành Dầu khí có lịch sử hết sức vẻ vang
Theo Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm, sau quá trình xây dựng các bộ sách “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam” và “Lược sử ngành Dầu khí Việt Nam" có thể khẳng định, Petrovietnam luôn là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế, có lịch sử hết sức vẻ vang và đáng tự hào.
Chuyên gia sử học cho biết, trước đây, nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam nói là nhiều, song chủ yếu chỉ có ngành than, luyện kim… là có những đóng góp tương đối lớn. Phải cho đến khi phát hiện ra nhiều mỏ dầu, mỏ khí, đồng thời phát triển mạnh ngành công nghiệp Dầu khí thì nước Việt Nam ta mới có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ.
Ngoài đóng góp lớn cho ngân sách trong một thời gian dài (khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước), sự phát triển mạnh mẽ của Petrovietnam còn thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, ngành công nghiệp liên kết chuỗi như khí - điện - đạm.
Đặc biệt, tại những địa phương mà Tập đoàn và các công ty thành viên đặt chân (như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Thanh Hóa…) đã từng bước "thay da đổi thịt". Rồi như tỉnh Quảng Ngãi, từng là một trong những tỉnh rất nghèo, song khi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xây dựng và đi vào hoạt động, đã thay đổi gần như cơ bản bộ mặt của địa phương.
Ngoài ra, Petrovietnam còn góp phần vào an sinh xã hội, với các nguồn lực để giúp cho học sinh nghèo vùng cao, hay người dân ở các bản làng biên cương xa xôi. Petrovietnam cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc, với các giàn khoan hùng vĩ trên biển…
Nhận xét về “khí chất" của người Dầu khí, TS sử học cho biết, sau khi làm xong bộ sách, được gặp những nhân chứng bằng xương bằng thịt, được nghe những câu chuyện “chỉ có trong tiểu thuyết" ông nhận thấy rằng, “người Dầu khí" có những phẩm chất rất riêng, khác biệt với các ngành nghề khác.
Đầu tiên là họ có khát vọng cùng bản lĩnh rất vững vàng, kiên định vì lý tưởng, vì mục tiêu tìm dầu để làm giàu cho đất nước. Thứ hai, họ cũng là những con người cực kỳ sáng tạo, chuyên nghiệp trong công việc, và nghĩa tình, nhân văn trong việc ứng xử với đồng nghiệp. Cuối cùng, tôi thấy họ đều là những người giàu trí tuệ và tri thức.
Với tất cả những phẩm chất đó, TS. Khổng Đức Thiêm cho rằng trong tương lai Petrovietnam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu của Việt Nam và quốc tế.
TS. Nguyễn Minh Phong: Kỳ vọng Petrovietnam trở thành một Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc tế.
TS. Nguyễn Minh Phong: Kỳ vọng Petrovietnam trở thành một Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc tế
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội khẳng định, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ người lao động Dầu khí, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Petrovietnam sẽ vững bước trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới, tiếp tục là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, năm 2023 gần như là một năm “đỉnh cao” trong quá trình phát triển của Petrovietnam với các thành công về tìm kiếm, thăm dò, khai thác, cũng như sản xuất kinh doanh, tài chính... mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp cho ngân sách quốc gia. Đặc biệt là sự thành công về mặt thị trường, kể cả trong nước và quốc tế.
Những thành công đó đã góp phần duy trì động lực tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời góp phần khẳng định Việt Nam là điểm sáng của kinh tế thế giới trong bối cảnh khó khăn hậu COVID-19 cũng như các biến động của tình hình địa chính trị thế giới. Thành công của Petrovietnam còn góp phần khẳng định uy tín, năng lực phản ứng chính sách, phản ứng thị thường cho đến công nghệ của các doanh nghiệp nhà nước mà Dầu khí là một trong những ngành tiêu biểu.
Thành công đó còn củng cố niềm tin của thị trường, niềm tin của đối tác, của người dân vào hoạt động của Petrovietnam. Cho thấy rằng ngành Dầu khí không chỉ thành công về kinh tế, thương mại, về chính sách trong khai thác và quản trị mà còn thành công trong việc giữ được niềm tin của xã hội về giá cả.
Có thể thấy gần đây những bức xúc, quan ngại về giá cả theo kiểu “phi thị trường", theo kiểu lên xuống chậm trễ so với thị trường đã không còn nữa. Tất cả hoạt động về giá mặc nhiên có độ tin cậy cao của người dân và các chuyên gia. Rõ ràng nó cho thấy Dầu khí có sự chuyển đổi thành công không chỉ về công nghệ mà ở cả phương diện thị trường. Nói cách khác, cơ chế thị trường còn thấm vào từng hoạt động trong triết lý điều hành của ngành.
"Trong thời gian tới, tôi cho rằng với văn hóa quản trị doanh nghiệp vững vàng, đội ngũ trẻ, sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, đà phát triển, tăng trưởng của ngành sẽ còn tiếp diễn, góp phần vào việc khẳng định Việt Nam vẫn là điểm sáng của kinh tế thế giới, là sự cộng hưởng và hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước.
Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng sẽ nhìn thấy một diện mạo mới của Petrovietnam trong thời gian tới - không chỉ là một Tập đoàn về năng lượng của đất nước mà sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc tế, với một sự đa dạng và với năng lực mới, sân chơi mới rộng hơn ngày càng lan tỏa ra khu vực và mang tầm vóc quy mô của thế giới. Điều này cũng sẽ định vị và góp phần khẳng định Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển công nghệ cao đến năm 2050 theo mục tiêu của Đại hội XIII"- TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.