Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo các cục, vụ trực thuộc Bộ; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng đại diện các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Điện lực Việt Nam (EVN). Cùng tham dự cuộc họp còn có đại diện 15 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Long An, Bạc Liêu, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, sau cuộc họp ngày 12/4/2024, Bộ Công Thương đã có Thông báo Kết luận cuộc họp số 94/TB-BCT, tuy nhiên, qua thông tin báo cáo của một số địa phương cũng như quá trình theo dõi của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương thì tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi ngoại trừ Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.
"Hôm nay Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với với đầy đủ các thành phần đại diện cho lãnh đạo các tỉnh/thành phố, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Petrovietnam và chủ đầu tư các dự án để nghe báo cáo cập nhật về tình hình thực hiện các các dự án trên địa bàn, các kết quả đã đạt được so với cuộc họp trước đó" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, với quyết tâm cao nhất để đảm bảo tiến độ các dự án.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Cục trưởng Tô Xuân Bảo cho biết, trên cơ sở nội dung cuộc họp ngày 12/4/2024 và Kết luận của Bộ trưởng tại Thông báo số 94/TB-BCT ngày 12/4/2024, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển, đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang phát biểu tại hội nghị.
Các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện FS theo ý kiến thẩm định của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để trình lại Bộ Công Thương thẩm định. Dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn 2 chưa hoàn thành công tác đàm phán PPA; Dự án Long An I và II chưa hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS; 2 dự án BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II: các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.
Đối với dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, đã có tiến triển trong công tác thi công, đã hoàn thành công tác nhận điện ngược từ đường dây 220 kV vào SPP 220 kV Nhà máy điện Nhơn Trạch 3. Cùng đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai đã tích cực chỉ đạo để giải quyết các tồn tại còn lại trong công tác thuê đất.
Về triển khai đường dây đấu nối để giải tỏa công suất của Dự án, gồm các dự án thành phần: Trạm biến áp 220 kV KCN Nhơn Trạch và đường dây dấu nối; Đường dây 220 kV NMĐ Nhơn Trạch 3 - TBA 500 kV Long Thành; Đường dây 220 kV NMĐ Nhơn Trạch 3 - rẽ Mỹ Xuân - Cát Lái; Đường dây 500 kV NMĐ Nhơn Trạch 4 - rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo cụ thể cho các địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng để tháo gỡ các khó khăn trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, phê duyệt dự án.
Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn báo cáo về hệ thống điện quốc gia.
Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Cục trưởng Tô Xuân Bảo cho biết, đơn vị đã tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, Cục đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và LNG, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, xin ý kiến các cơ quan liên quan theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Lãnh đạo các địa phương báo cáo về những khó khăn vướng mắc của các dự án điện khí.
Hiện nay 15 tỉnh, thành phố có dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và khí LNG đang khẩn trương phối hợp để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương có dự án, EVN, Petrovietnam và các đơn vị liên quan đã báo cáo về tiến độ triển khai dự án, các khó khăn đang gặp phải trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết Thoả thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải toả công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
Báo cáo tiến độ các dự án điện khí chưa lựa chọn được nhà đầu tư, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, cùng với đơn vị tư vấn, tỉnh đã thông qua hồ sơ đấu thầu, tuy nhiên còn một số nội dung vướng mắc. Đầu tháng 6/2024 tỉnh sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu, ngoài ra tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo nhằm đạt được tiến độ đề ra. Hiện có 6 nhà thầu liên danh quan tâm dự án đang gửi hồ sơ đấu thầu.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa có dự án LNG Nghi Sơn với quy mô xây dựng 1 nhà máy điện LNG có công suất 1.500 MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km và các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG. Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư. "Việc lựa chọn nhà đầu tư cần tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 9 và khởi công sau khi các thủ tục pháp lý được hoàn thành" - ông Nguyễn Văn Thi cam kết và cho biết, dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng khu vực phía Bắc, hướng tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.
Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo tại hội nghị.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có dự án LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 với 1.500 MW, đến nay dự án đã hoàn thành việc phê duyệt 5 thỏa thuận chuyên ngành, gồm: Thỏa thuận cung cấp nước sạch, thỏa thuận cấp điện thi công, văn bản xác nhận khả năng nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, văn bản giới thiệu vị trí bãi đổ phế thải vật liệu xây dựng và văn bản chấp thuận vị trí... Ngoài ra, còn 13 thỏa thuận chuyên ngành chưa được cấp có thẩm quyền thỏa thuận... Nguyên nhân đến từ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, phao tín hiệu, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 chưa phê duyệt; vướng mắc trong việc ký kết thỏa thuận phương án đấu nối...
Để đảm bảo tiến độ dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan như: Về thỏa thuận đấu nối dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vào hệ thống điện quốc gia; về hợp đồng mua bán điện; về chuyển ngang giá LNG sang giá điện; về hợp động mua nhiên liệu LNG...
Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tính từ 12/4/2024, đối với dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã có tiến triển trong công tác thi công, Tổng công ty Tín Nghĩa không còn cản trở thi công phần kênh thải nước làm mát đoạn cắt qua đường;... dự án đang được triển khai tích cực.
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị
Tương tự, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng cho biết, tỉnh đã làm việc với EVN để giải quyết tháo gỡ khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo theo đúng tiến độ đối với các dự án như: Dung Quất I (750 MW) và III (750 MW) có chủ đầu tư là EVN; dự án Dung Quất II (750 MW) có chủ đầu tư là công ty nước ngoài, cũng như các dự án sử dụng khí Cá Voi Xanh... Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tham mưu cho tỉnh theo yêu cầu của Bộ Công Thương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án khí trên địa bàn tỉnh.
Về phía chủ đầu tư, các chủ đầu tư cũng khẳng định, sẽ đồng hành cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ của các dự án điện khí. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN cho biết, liên quan đến đường dây truyền tải, EVN rất quan tâm đến tiến độ của các nhà máy điện khí. EVN đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đường dây truyền tải do EVN làm chủ đầu tư, bảo đảm đồng bộ với tiến độ các dự án nguồn điện để kịp thời giải tỏa công suất cho các nhà máy điện.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Phan Tử Giang cũng cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương triển khai thực hiện chuỗi dự án Lô B và các dự án điện Ô Môn III, Ô Môn IV; đang khẩn trương hoàn thiện, ký kết hợp đồng cho các dự án điện sử dụng khí Lô B. Cùng với đó, Petrovietnam cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực thiện các dự án điện, khí đã được giao làm chủ đầu tư để sớm đưa vào vận hành. Bên cạnh đó, Petrovietnam đang tích cực, đẩy nhanh các buổi làm việc với địa phương, để xây dựng trung tâm khí tại Vũng Áng (Quảng Bình) để cung cấp nguồn khí cho các địa phương xung quanh, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án cũng như đảm bảo đủ nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu
Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. Chính vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án.