Chiều 26/10, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh: Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum (Tổ 8) tiếp tục phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội và cho ý kiến vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hồ sơ dự án Luật đã nhiều lần chỉnh lý, tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên)
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, về khảo sát dự án điện gió ngoài khơi, dự thảo Luật (Điều 40) quy định theo hướng: Chính phủ xác định khu vực biển được phép khảo sát; Thủ tướng giao doanh nghiệp nhà nước thực hiện khảo sát. Việc lựa chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia khảo sát sẽ do Chính phủ quy định chi tiết ở văn bản dưới luật. Mọi dữ liệu khảo sát thuộc sở hữu của Nhà nước và bên thực hiện khảo sát được quyền đề xuất dự án, nhưng vẫn phải tham gia đấu thầu cạnh tranh để được lựa chọn là nhà đầu tư dự án.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, khác với các loại hình năng lượng khác, hoạt động khảo sát phục vụ cho việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi đóng vai trò rất quan trọng, với thời gian có thể lên tới 2 năm và tổng chi phí hàng chục triệu USD.
“Vì vậy rất khó để thu hút nhà đầu tư tư nhân thực hiện hoạt động khảo sát nếu như không có quyền sở hữu dữ liệu khảo sát và cũng không được bảo đảm quyền phát triển dự án sau này”.
Quy định như hiện nay nhằm bảo đảm quyền kiểm soát của Nhà nước đối với các nguồn dữ liệu về tài nguyên biển. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần tính đến tính khả thi của chính sách và bổ sung những cơ chế bảo đảm quyền lợi, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia hoạt động khảo sát, góp phần tạo nguồn dữ liệu để phát triển ngành.
“Ví dụ như quy định về quyền phát triển dự án trên khu vực mà nhà đầu tư đã khảo sát; quy định về cơ chế thu hồi chi phí cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát trong trường hợp không được lựa chọn là nhà đầu tư phát triển dự án”.
Cụ thể, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị bổ sung “cơ chế cộng thêm điểm vào điểm đánh giá hoặc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát trong trường hợp không được lựa chọn là nhà đầu tư phát triển dự án” vào điểm b khoản 4 Điều 42.
Như vậy, nội dung điểm b khoản 4 Điều 42 sau khi sửa đổi là: “Các ưu đãi, ưu tiên khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện khảo sát, bao gồm cơ chế cộng thêm điểm vào điểm đánh giá hoặc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát trong trường hợp không được lựa chọn là nhà đầu tư phát triển dự án”.
Nên cho phép doanh nghiệp nhà nước đề xuất đối tác khảo sát, triển khai dự án điện gió ngoài khơi
Ngoài ra, Đại biểu Yên cũng đề xuất, để bảo đảm thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nên cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai dự án.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung mới Chương III quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới gồm 2 mục với 16 điều nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đặc biệt là điện tự sản tự tiêu, điện gió ngoài khơi.
Để tăng cường tính khả thi của chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Về việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi, dự thảo Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi (điểm c khoản 1 Điều 42).
ĐBQH Tạ Thị Yên cho rằng, điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng.
“Để bảo đảm thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên”, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất.
Theo đại biểu, việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro nếu có.
Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án.
Cụ thể, đại biểu Tạ Thị Yên kiến nghị bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật nội dung: “Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được đề xuất đối tác cùng phát triển dự án để Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”.