Đánh giá những bài học kinh nghiệm, hạn chế trong công tác Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa qua cho thấy, Hiện nay, một số đơn vị vẫn chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông. Trong đó, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác truyền thông tại còn mỏng nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác truyền thông nói chung và những nhiệm vụ truyền thông đột xuất, phát sinh đòi hỏi phải xử lý trong thời gian ngắn, gấp.
Công tác truyền thông được thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã giúp dư luận xã hội ngày càng hiểu, chia sẻ hơn đối với hoạt động của ngành Dầu khí.
Tại một số đơn vị, nhiệm vụ truyền thông chưa phát huy hiệu quả tương tác với cổ đông (ở công ty cổ phần) và công chúng. Trong đó, cần phải lưu ý vấn đề xác định lượng thông tin đưa ra công chúng và đánh giá được tác động của thông tin đối với thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp được vốn hoá trên thị trường chứng khoán; không phải lúc nào cũng chỉ đưa thông tin một chiều tốt, đẹp về sản xuất kinh doanh và cần phải có cả quy trình, hệ thống xử lý những thông tin xấu, độc, bịa đặt để kịp thời xử lý những sự cố truyền thông. Mặt khác, nhiều đơn vị chưa có sự đồng đều về phương thức trong hoạt động truyền thông (báo mạng chiếm đa số, thông tin báo hình còn ít). Nội dung truyền thông còn mang tính lễ tân, sự kiện, chưa tạo được tiếng nói có ảnh hưởng đến nội bộ người lao động Dầu khí cũng như dư luận xã hội...
Đáng lưu ý là doanh nghiệp chưa tạo được hệ thống cộng tác viên dư luận xã hội nắm bắt tư tưởng, tâm trạng người lao động hoặc đã xây dựng nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Từ đó, ý thức trách nhiệm của một bộ phận người lao động chưa cao, việc lộ lọt thông tin chưa được kiểm chứng, còn có biểu hiện lợi dụng truyền thông tác động quá trình triển khai công tác nhân sự, tác động xấu đến đoàn kết nội bộ.
Trong công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vẫn còn đâu đó một vài bộ phận vẫn chưa hoàn toàn ý thức, hiểu rõ nội dung yêu cầu của từng giá trị trong hệ giá trị cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), do đó chưa ứng dụng, thực hành triệt để trong công việc. Công tác văn hóa doanh nghiệp tại một số đơn vị chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Việc nêu gương của lãnh đạo các cấp trong thực thi văn hóa doanh nghiệp, trong phối hợp điều hành chưa được ưu tiên quan tâm ở một số nơi, một số việc. Cá biệt, một số đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo xây dựng ban hành văn bản để triển khai tái tạo văn hoá Petrovietnam một cách thiết thực, hiệu quả.
Cụ thể, việc thực hiện kết luận của Tập đoàn về văn hóa doanh nghiệp tại một số đơn vị còn chậm theo yêu cầu đề ra. Bộ máy tham mưu giúp việc về văn hóa doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, việc phối hợp, liên kết giữa đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa doanh nghiệp với truyền thông, an sinh xã hội, công tác tuyên giáo, dân vận của Đảng chưa thật sự kết nối và đồng bộ, làm phân tán nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ. Một số đơn vị khi xây dựng kế hoạch thực hiện chưa mang tính đặc trưng, chưa xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn, có nội dung triển khai còn dàn trải, chưa đo lường được kết quả cụ thể, chưa khái quát và chỉ ra các vấn đề còn tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm. Đặc biệt là công tác tuyên dương, khen thưởng đột xuất, chuyên đề chưa được chú trọng.
Theo báo cáo của Tổ triển khai Tái tạo văn hoá Petrovietnam tại Hội nghị Sơ kết 05 năm triển khai Nghị quyết 281 của Đảng ủy Tập đoàn thì các nguyên nhân chủ yếu gồm: Một số đơn vị chưa tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực, thời gian để triển khai xây dựng, phát huy công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp; Lực lượng làm công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp còn mỏng, kinh nghiệm triển khai một số cán bộ tại đơn vị còn hạn chế, chưa phát huy tối đa việc phối hợp giữa các bộ phận/đoàn thể/đơn vị nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin, mô hình; Công tác đầu tư hình ảnh, sản phẩm hữu hình phục vụ truyền thông và văn hóa doanh nghiệp còn hạn chế.
Từ thực tế triển khai giám sát, công tác xây dựng văn hoá doanh nghiệp tại Petrovietnam đã chỉ rõ một số bài học lớn như việc triển khai thực hiện Nghị quyết có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị với trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện nhất quán, liên tục, xuyên suốt từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên với quyết tâm cao và đồng thuận từ người đứng đầu đến từng CBCNV, người lao động; Công tác tuyên truyền phải gắn với huấn luyện, đào tạo liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, duy trì tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các buổi chia sẻ từ những chuyên gia đến chính những “người trong cuộc” về các chủ đề liên quan đến công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp.
Văn hoá chia sẻ tại Petrovietnam cần liên tục gìn giữ, phát huy.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tập thể để lồng ghép phổ biến, quán triệt nội dung, công việc cần thực hiện đối với toàn thể CBCNV, người lao động; Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin thường xuyên, thông suốt, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện được liên tục, liền mạch.
Các đơn vị cần dành nguồn lực thích đáng kể cả về mặt con người, kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động, để đời sống của người lao động phải được nâng cao khi triển khai thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tôn vinh, khen thưởng đột xuất, kịp thời, xứng đáng các tập thể, cá nhân có cách làm hay, thành tích tốt trong triển khai và tổ chức thực hiện.
Có thể thấy rằng, trong thực tế triển khai xây dựng văn hoá doanh nghiệp, các công tác như truyền thông, an sinh xã hội, tổ chức nhân sự... có sự liên thông lẫn nhau. Đúc rút ra những bài học kinh nghiệm trong triển khai công thực tế mới vỡ lẽ ra là không hề “mới”. Ấy thế nhưng để triển khai được một cách đồng bộ, hiệu quả, thực sự nâng tầm thì không hề dễ dàng mà còn cần sự quyết liệt chỉ đạo trong toàn Đảng bộ Tập đoàn, nâng cao hơn nữa ý thức xây dựng văn hoá doanh nghiệp để hiểu rõ rằng đây chính là công tác xây dựng Đảng, bồi đắp giá trị văn hóa người lao động trong thời kỳ mới.