Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi

09:51 | 26/10/2024
Lượt xem: 463

Bộ Công Thương vừa công bố thông tin trả lời về một số vấn đề nóng trong Luật Điện lực (sửa đổi) như Quy hoạch, dự án điện, giá điện, cơ chế đặc thù phát triển điện lực miền núi, hải đảo...

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, điều kiện tiên quyết là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đã định ra. Nhưng trong thực tế liên tục có tới 7 lần quy hoạch điện lực phải điều chỉnh, thay thế. Chính vì vậy, nhiều vấn đề tồn đọng trong thực thi Quy hoạch điện lực đang được các đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm.

Quy hoạch điện lực quốc gia đã có 7 lần bị phá vỡ.

Theo đó, nội dung đầu tiên là trong Quy hoạch điện VIII có 30.424 MW điện khí sẽ được phát triển đưa vào vận hành đến năm 2030, trong khi hiện tại chưa có các quy định rõ ràng, cụ thể để có thể đạt được công suất nêu trên.

Về vấn đề trên, Bộ Công Thương cho biết theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW, trong đó nguồn điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW, sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) là 22.524 MW, chiếm tỷ trọng trên 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện.

Thông tin từ Bộ Công Thương khẳng định, điện khí có phát thải thấp hơn đáng kể so với nhiệt điện than và cũng được nhiều quốc gia lựa chọn là giải pháp quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới trung hòa các-bon. Đây là nguồn điện nền quan trọng, có vai trò đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy hệ thống điện. Việc phát triển tỷ lệ phù hợp nguồn điện khí cũng quyết định đến khả năng nâng cao tỷ trọng các nguồn điện NLTT trong hệ thống điện.

Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án đều gặp khó khăn trong triển khai do điện khí là các nguồn điện quy mô lớn, có vốn đầu tư cao, chi phí sản xuất điện phụ thuộc vào giá và nguồn khí biến động theo thị trường thế giới. Để huy động được vốn đầu tư (chủ yếu từ nguồn vốn FDI) cần có các cơ chế về bảo đảm doanh thu và khả năng trả nợ của dự án sau khi đi vào vận hành. Trong khi pháp luật về điện lực hiện hành chưa có quy định cụ thể về các cơ chế trên. Vì vậy, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã bổ sung quy định nguyên tắc trong Luật Điện lực (sửa đổi) giao Chính phủ quy định cơ chế cho phát triển điện khí phù hợp với từng thời kỳ (về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, nguyên tắc giá điện…). Cụ thể tại các khoản 6, 8 Điều 5 và Điều 130 của Luật Điện lực sửa đổi.

Về việc phân định phạm vi giữa quy hoạch phát triển điện lực (cấp quốc gia và cấp tỉnh) để khắc phục các bất cập hiện nay. Bộ Công Thương cho biết, dự thảo đã phân định Phạm vi của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHPTĐL) và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch tỉnh (PACĐ) (dựa trên cơ sở thực tiễn đã thực hiện giai đoạn 2005-2019 được quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương) như sau: Cấp điện áp dự án lưới điện từ 220 kV trở lên thuộc QHPTĐL; 110kV thuộc PACĐ cấp tỉnh (phù hợp với quy định Luật Quy hoạch).

Để khắc phục vướng mắc QHPTĐL không thể xác định chi tiết các nguồn điện có quy mô nhỏ và phương án đấu nối các nguồn này, dự thảo đã quy định phân định phạm vi quy hoạch cấp quốc gia/cấp tỉnh theo công suất lắp đặt nguồn điện từ 50 MW trở lên thuộc QHPTĐL, dưới 50 MW thuộc PACĐ.

Để khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay là nguồn điện được phê duyệt trong QHPTĐL quốc gia nhưng nếu phương án đấu nối từ 110 kV trở xuống lại thuộc phạm vi PACĐ của Quy hoạch tỉnh, Dự thảo quy định khi xác định nguồn điện trong quy hoạch phải đồng thời xác định lưới điện đồng bộ đấu nối.

Các dự án nguồn điện cấp bách sẽ có cơ chế riêng.

Luật Quy hoạch chỉ quy định danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư sẽ được đưa vào QHPTĐL. Do đó, các dự án không phải quan trọng, ưu tiên đầu tư sẽ được lập và tổng hợp danh mục trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch gây khó khăn trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án điện lực do chưa đủ cơ sở pháp lý để đánh giá các dự án phù hợp với QHPTĐL. Vì vậy, Dự thảo Luật Điện lực quy định QHPTĐL, PACĐ phải xác định tất cả danh mục dự án điện cho thời kỳ quy hoạch và 05 năm tiếp theo của giai đoạn tầm nhìn nhằm tạo cơ sở kịp thực hiện các giai đoạn chuẩn bị dự án, đảm bảo khả thi về tiến độ do các dự án nguồn điện có thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án khá dài, thông thường trung bình khoảng 3-5 năm, thậm chí lâu hơn.

Đối với các đối tượng dự án điện có quy mô nhỏ, ít ảnh hưởng đến hệ thống điện, cần khuyến khích thực hiện như: điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn NLTT, năng lượng mới; lưới điện hạ áp,... Dự thảo Luật đã quy định một số đối tượng không phải xác định trong phạm vi QHPTĐL, PACĐ nhằm giảm việc quản lý nhà nước về quy hoạch đối với các đối tượng quy mô nhỏ, ảnh hưởng ít đến hệ thống điện, cần khuyến khích thực hiện.

Còn về nhiệm vụ: “Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách”. Bộ Công Thương chia sẻ, các quy định về dự án/công trình khẩn cấp được quy định như sau: Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) sửa đổi Điều 130 về công trình xây dựng khẩn cấp gồm:“công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng”.

Tuy nhiên, việc xác định tiêu chí thế nào “các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng” thì chưa có quy định cụ thể tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, ngoài ra cơ chế đặc thù theo Luật Xây dựng thì thủ tục cần thực hiện cho riêng từng công trình, không áp dụng chung cho nhóm dự án, công trình có tính chất cấp bách như nhau. Còn tại Khoản 6 Điều 18 và Điều 45 Luật Đầu tư công quy định trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp. Tuy nhiên, phần lớn các dự án điện sử dụng từ nguồn vốn nhà nước, vốn khác ngoài đầu tư công, nên không phù hợp áp dụng theo Luật Đầu tư công.

Để thể chế hóa nhiệm vụ Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật điện lực đã quy định: Các trường hợp dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 20); Thẩm quyền của Thủ tướng Chính quyết định, giao chủ đầu tư thực hiện dự án khẩn cấp (Điều 21).

Các quy định đầu tư xây dựng dự án, công trình điện khẩn cấp (Điều 22 như: không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (trừ các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội); được bảo lãnh Chính phủ; được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; Chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình, hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng và quyết toán công trình theo quy định của pháp luật và một số cơ chế khác nhằm cho phép dự án, công trình điện khẩn cấp được thực hiện để đẩy nhanh tiến độ.

Các dự án điện LNG đều gặp nhiều vướng mắc do thiếu cơ chế để có thể thu xếp vốn khiến chậm tiến độ.

Đặc biệt, nhiều đại biểu quốc hội đang đề nghị làm rõ quy định tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, tránh tình trạng các dự án nguồn điện như nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện chậm triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã lý giải do còn bất cập trong quy định hiện hành như theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư chưa thực sự phù hợp trong một số trường hợp, đặc biệt đối với các dự án có sử dụng đất (trong đó có dự án điện lực).

Mặt khác, các dự án nguồn điện đã được tính toán năm vào vận hành theo cân bằng hệ thống điện để bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải tương ứng theo từng năm. Do vậy, việc quy định về cơ chế xử lý chậm tiến độ các dự án nguồn điện là cần thiết nhằm góp phần giải quyết tình trạng nhiều các dự án nguồn điện (điện than, điện khí, thủy điện lớn,...) hiện không thể triển khai thực hiện trong nhiều năm, giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh cung cấp điện cho quốc gia,...

Bộ Công Thương đã đưa một số giải pháp trong Luật Điện lực (sửa đổi) như: Bổ sung quy định rõ các mốc tiến độ đối với dự án nguồn điện để có cơ sở giám sát thực hiện, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm bảo đảm bảo an ninh cung cấp điện; Bổ sung cơ chế xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ để phù hợp với đặc thù của ngành điện.

Ở đây cần phải nói thêm rằng, việc giám sát, xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ chỉ có thể thực hiện với dự án mà Chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước. Trong đó cần phải làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan) dẫn đến dự án chậm tiến độ, từ đó đưa ra cơ chế xử lý phù hợp đối với từng dự án. Việc đưa vào Dự thảo Luật nội dung này là cần thiết nhưng để thực thi cần nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật và cần sớm ban hành nhanh nhất để Quy hoạch điện lực được thực thi, an ninh năng lượng quốc gia được đảm bảo.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp