Tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực/Ảnh minh họa
Chính sách tăng trưởng xanh thời gian qua
Nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân, trong những năm qua, Việt Nam đã có hàng loạt văn bản pháp luật, chính sách về tăng trưởng xanh, như:
Năm 2012, Chính phủ đã thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là chìa khóa nhằm bảo đảm cho các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Vấn đề giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được đặt ra thông qua thực hiện 17 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực thực hiện; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và triển khai khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng; giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thực hành tiêu dùng bền vững;...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014), gồm 12 nhóm với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động TTX tại địa phương, bao gồm 8 hoạt động; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gồm 20 hoạt động; thực hiện xanh hóa sản xuất gồm 25 hoạt động; thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững gồm 13 hoạt động.
Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến TTX như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới TTX.
Để đảm bảo thực thi Chiến lược quốc gia về TTX, hàng loạt các chính sách hỗ trợ cũng được ban hành như: Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; Chính sách thuế tài nguyên với nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp; Các chính sách thuế từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược TTX của quốc gia; Chính sách chi ngân sách Nhà nước cũng được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường.
Những chuyển biến tích cực trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh
Theo Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2011-2020, chiến lược TTX của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công đáng kể, góp phần thực hiện hóa các cam kết về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Trong giai đoạn 2011-2020, giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động năng lượng/ảnh minh họa
Cụ thể như: Giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường, giảm bình quân 1,8%/năm trong tiêu hao năng lượng tính trên GDP, và tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020. Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Việt Nam đã chú trọng vào hoạt động xanh hóa sản xuất và đầu tư vào năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” (Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021) nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ số và phát triển hạ tầng bền vững.
Khi xây dựng kế hoạch TTX cho địa phương, cần bám sát theo 10 chủ đề ngành ưu tiên như năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ logistics, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, quản lý chất thải và chất lượng không khí, quản lý tài nguyên, quản lý rủi ro thiên tai, kinh tế biển xanh, y tế, du lịch; cùng với 8 chủ đề tổng thể bao quát các nội dung như thể chế chính sách, truyền thông giáo dục, nguồn nhân lực và việc làm xanh, tài chính và đầu tư xanh, công nghệ đổi mới sáng tạo, hội nhập và hợp tác quốc tế, bình đẳng trong chuyển đổi xanh, thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh.
Khó khăn, thách thức và giải pháp
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như:
Thứ nhất, nhận thức của bộ, ngành và chính quyền địa phương về chiến lược TTX chưa rõ ràng; các dự án mà bộ, ngành, địa phương đã và đang được thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ (NGO), chứ chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương;
Thứ hai, có sự xung đột, trùng lặp nhau về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Chiến lược bảo vệ môi trường;...
Thứ ba, nguồn lực thực hiện TTX chủ yếu đến từ nguồn đầu tư công, sự tham gia của các thành phần ngoài ngân sách còn hạn chế. Nguồn tài chính phục vụ cho TTX ở nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính Nhà nước, mà chưa phát huy được nguồn tài chính doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, khó khăn về nguồn vốn và nguồn lực đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang mô hình TTX của các địa phương. Dù việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức. Không phải địa phương nào cũng sẵn sàng về hạ tầng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và cả về nguồn nhân lực có kỹ năng cao, để có thể tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi sang TTX, tăng trưởng bền vững.
Từ những căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên, để đẩy mạnh thực hiện Chiến lược TTX, theo các chuyên gia, thời gian tới cần tập trung hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư. Cụ thể, cần hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường TTX cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu TTX vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu TTX vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Bên cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách tài chính TTX. Xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách tài chính (bao gồm: Thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân chuẩn bị và thực hiện dự án TTX.
Nâng cao nhận thức về TTX cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp.
Ngân hàng Thế giới (WB): Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai...