Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

10:34 | 28/08/2024
Lượt xem: 463

Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) có tiềm năng lớn để tiên phong phát triển và trở thành trung tâm chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi không chỉ khu vực mà còn trên thế giới. Để phát huy tiềm năng đó, tỉnh cần có quy hoạch, lộ trình nhất quán, dài hạn.

Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

Khẳng định tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

BR-VT cần trở thành địa phương tiên phong dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh của cả nước với các tiềm năng về điện gió, điện mặt trời và điện nền từ khí - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng đánh giá tại Hội nghị triển khai Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư của tỉnh BR-VT tổ chức vào đầu tháng 3-2024.

Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) của tỉnh BR-VT một lần nữa được lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, doanh nghiệp làm rõ tại hội thảo “Chia sẻ kiến thức về phát triển ĐGNK” do UBND tỉnh BR-VT phối hợp với Đại sứ quan Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức vào tháng 6-2024.

Khẳng định “BR-VT có tiềm năng lớn để tiên phong phát triển và trở thành trung tâm chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ĐGNK không chỉ khu vực mà còn trên thế giới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Công Vinh cho rằng “trong những năm tới, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh BR-VT và cả vùng Đông Nam Bộ”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc Công ty Copenhagen Offshore Partners Việt Nam nhận định, ĐGNK là cơ hội lớn và tỉnh cần phát triển bởi những lợi ích mà lĩnh vực này mang lại.

Theo ước tính, ngành công nghiệp điện năng này tạo ra 275.000 việc làm trong giai đoạn xây dựng và 22.000 trong giai đoạn vận hành và bảo dưỡng trên toàn thế giới. Tính tới năm 2030, con số này có thể tăng lên gấp đôi, trong đó, có nguồn nhân lực chuyển đổi từ ngành Dầu khí.

“Ngành ĐGNK cũng tạo cơ hội cho chuỗi cung ứng, với các lĩnh vực như tàu biển, cáp, cảng và nhà máy chế tạo. Ngành công nghiệp này tạo ra động lực để nâng cấp hạ tầng tại cảng, không chỉ phục vụ cho ngành ĐGNK mà còn cho các loại năng lượng và ngành công nghiệp biển khác”, ông Stuart Livesey cho biết thêm.

Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, theo số liệu được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, tốc độ gió trung bình hằng năm tại vùng biển từ Bình Thuận đến BR-VT đạt 8÷10m/s ở độ cao trung bình 100m. Đất dưới mặt biển tương đối bằng phẳng và độ sâu đáy chỉ 20-40m nên thuận lợi trong lắp đặt chân đế và tối ưu hóa công suất turbine.

Cùng với việc là trung tâm của ngành Dầu khí nhiều năm qua, tỉnh có cơ sở hạ tầng, công nghệ, kỹ thuật và nguồn nhân lực phù hợp để phục vụ ngành điện gió. Tại tỉnh, đã có các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho các nhà máy sản xuất nguồn năng lượng tái tạo này.

“Hệ thống cảng biển nước sâu và hạ tầng lưới điện tương đối hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển các thiết bị siêu trường siêu trọng ra khơi. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá cao để đáp ứng nhu cầu truyền tải. Về thị trường, với nhu cầu nguồn điện của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực lớn, các dự án điện sẽ có khách hàng tại chỗ, ít tốn kém để đầu tư hệ thống truyền tải”, ông Danh chia sẻ thêm.

Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi

Cần lộ trình rõ ràng, chính sách nhất quán

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh, phát triển năng lượng tái tạo nói chung và phát triển ĐGNK được xem là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn đặt ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiềm năng đã rõ, tuy nhiên để phát triển đột phá ngành ĐGNK không chỉ tại BR-VT mà trên cả nước vẫn còn nhiều việc phải làm. Văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, thiếu quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng cho lĩnh vực ĐGNK.

Ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) cho biết, thời gian qua, PTSC đã tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới, trong đó có các đơn hàng lớn sản xuất 30 chân đế và 10 trạm biến áp cho các dự án ĐGNK của đối tác châu Âu, châu Á. Theo ông Bắc, để làm được điều này, PTSC phải thay đổi toàn bộ tư duy, từ sản xuất đơn chiếc sang làm quy mô lớn, hàng loạt. Một ví dụ là trước đây với công nghệ sản xuất đơn chiếc, PTSC làm chân đế giàn khoan dầu khí trọng lượng 2.000-3.000 tấn cần 10 tháng thì giờ cũng với sản phẩm tương tự là 2 tuần.

“Để làm được điều này, PTSC đã phải đầu tư mạnh mẽ về kỹ thuật, nguồn nhân lực và kiện toàn, sắp xếp cơ sở vật chất; thay thế dây chuyền hiện đại theo kịp “dòng chảy” của sản phẩm. Hiện nay, bãi chế tạo của PTSC có 7.000 lao động, cuối năm nay với các dự án ĐGNK sẽ có 12.000-13.000 người. Dù vừa tham gia lĩnh vực này 2,5 năm nhưng doanh thu đã chiếm 1/3 của PTSC”, ông Bắc thông tin.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có dự án ĐGNK do chưa có cơ chế. Do đó, Phó Tổng Giám đốc PTSC cũng kiến nghị, cần nhanh chóng luật hóa lĩnh vực này. Trong đó, có quy hoạch, lộ trình rõ ràng, phù hợp, nhất là về quy mô công suất để các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư phù hợp. “Chỉ khi nhìn thấy lộ trình rõ ràng, chính sách nhất quán, dài hạn, không giật cục thì các nhà đầu tư mới đầu tư bởi vốn cho ĐGNK lớn mà không có lợi nhuận ngay”, ông Bắc nói.

Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một vấn đề cần quan tâm trong phát triển ĐGNK. Ông Lương Quốc Kông, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dầu khí (PV College) cho biết, trường đã có những bước chuyển đào tạo nhân lực cho ngành ĐGNK. Do đó, nhà trường mong muốn tiếp tục được kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để sinh viên đến thực tập, tham quan, giảng viên được nghiên cứu thực tế tại công trường. Cùng với đó là các buổi chia sẻ, hướng nghiệp để người trẻ thực sự hiểu và mong muốn hòa mình vào dòng chảy chuyển dịch năng lượng, trong đó có phát triển ĐGNK.

Cũng tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho biết, nguồn thép sản xuất sản phẩm điện gió hiện nay gần như phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia khuyến nghị tỉnh có giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng các nhà máy thép chất lượng cao để cung ứng tại chỗ cho các nhà máy sản xuất thiết bị điện gió.

Thực tế cho thấy, BR-VT có tiềm năng lớn để tiên phong phát triển và trở thành trung tâm chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi không chỉ khu vực mà còn trên thế giới. Để phát huy tiềm năng đó, tỉnh cần có quy hoạch, lộ trình nhất quán, dài hạn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh, phát triển năng lượng tái tạo nói chung và phát triển ĐGNK được xem là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thành Công

Bình luận, Hỏi đáp