PV: Xin ông cho biết vì sao Luật về thuế 2014 số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) sẽ được đưa ra thảo luận, biểu quyết vào kỳ họp Quốc hội tới đây?
ĐBQH Trịnh Xuân An: Thuế GTGT có điểm đặc biệt là nó liên quan đến mọi người, mọi nhà. Mỗi tổ chức, cá nhân DN đều là đối tượng chịu sự tác động của luật thuế này.
Hiện nay, tình hình kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, đồng thời cách thức, công tác quản lý thuế cũng có sự thay đổi. Và do đòi hỏi của thực tế, Chính phủ đã có chủ trương sửa đổi, bổ sung một loạt các luật thuế, trong đó Luật Thuế 71 được chọn để đưa ra đầu tiên. Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua.
Có thể thấy dự án luật này đã được cơ quan soạn thảo làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, đã được đưa ra thảo luận trong kỳ họp tháng 6-2024 và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đang hoàn thiện để trình trong kỳ họp này.
Một trong những vấn đề lớn nhất về công tác sửa đổi Luật Thuế GTGT là chúng ta phải xác định được một cơ chế phù hợp với các đối tượng chịu thuế. Chúng ta phải giữ được nguyên tắc của thuế GTGT - loại thuế gián thu và thu trên giá trị tăng theo.
Với vai trò là ĐBQH và sự quan tâm đặc biệt với Luật thuế này, tôi cho rằng luật này rất đặc thù, cần phải bám sát vào nguyên lý cơ bản của thuế GTGT. Tính đặc thù của sắc thuế này là được vận hành trên một cơ chế có tính liên thông, không phải chỉ áp dụng với một đối tượng này hay đối tượng kia và cũng rất khác với thuế trực thu.
Về mặt chủ trương, chúng ta có chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và có hàng loạt các quan điểm chỉ đạo của Đảng để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến tài chính, đến thuế, đến ngân sách và đặc biệt là phải phù hợp với tình hình thực tiễn.
Do vậy, sắc thuế nào đã lạc hậu thì chúng ta phải sửa đổi, bổ sung. Tôi cũng tin rằng Luật Thuế 71 sẽ được các ĐBQH đánh giá, thảo luận lần cuối trong kỳ họp này và bấm nút để thông qua, đáp ứng được những mục tiêu đặt ra trong quá trình soạn thảo cũng như đi vào thực tiễn.
Cần phải mở ngoặc ở đây là, thời điểm Luật Thuế 71 ra đời (năm 2014), Quốc hội đã tính đến việc khi mặt hàng phân bón từ đang chịu thuế 5% chuyển sang không chịu thuế, cũng sẽ khấu trừ thuế đầu vào cho các DN. Song rất tiếc đến khi thông qua Luật Thuế 71, vế sau đã không được thực hiện.
Vậy là chính sách tưởng chừng là ưu đãi cho nông dân, cho nền nông nghiệp song bản chất không phải như vậy. Vô hình trung 10 năm nay các DN sản xuất phân bón trong nước phải hạch toán chi phí đầu vào lên giá thành sản phẩm. Đó là điều bất đắc dĩ.
PV: Hiện có một số ý kiến cho rằng, nếu áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón (theo dự thảo của Bộ Tài chính) có thể gây áp lực lên giá phân bón. Xin ông cho biết quan điểm?
ĐBQH Trịnh Xuân An: Tôi cho rằng không hẳn là như vậy, thậm chí có phần “khiên cưỡng”. Chúng ta phải rất rành mạch câu chuyện cứ áp thuế là tăng giá. Bởi giá một mặt hàng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như chi phí đầu vào, vật tư, thị trường, biến động kinh tế, địa chính trị thế giới...
Khi thảo luận tại tổ, có một số quan điểm, ý kiến của đại biểu lo lắng rằng khi áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, giá sẽ tăng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng giá phân bón thậm chí sẽ giảm nếu áp thuế. Cá nhân tôi nghiêng về ý kiến thứ hai.
Ngoài vấn đề giá phân bón chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, tôi cho rằng khi áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón, các DN sản xuất trong nước sẽ được hoàn thuế đầu vào. Từ đó sẽ có dư địa để hạ giá thành sản phẩm.
Thời gian qua, từ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã đi tìm lời giải cho bài toán này. Một trong những yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan soạn thảo, nhất là Bộ Tài chính, cơ quan thẩm tra phải đánh giá được khách quan về mặt số liệu. Theo những số liệu tôi được biết, khi áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón, số tiền Nhà nước bỏ ra để hoàn lại cho DN sản xuất và số tiền thu được từ các DN nhập khẩu, cũng như khi áp thuế gần như tương đương nhau.
Quay lại câu chuyện bản chất của thuế GTGT, đó là nó phải theo chuỗi, phải có tính liên kết. Khi DN phải nộp thuế GTGT đầu ra thì sẽ được khấu trừ đầu vào. Còn nếu không áp thuế thì chi phí vật tư máy móc... sẽ phải được tính vào giá bán sản phẩm. Bởi vậy, khi áp thuế 5%, DN sẽ được khấu trừ đầu vào. Như vậy có khi chúng ta lại được lợi về giá cho sản phẩm.
Bằng những lập luận trên tôi cho rằng giải pháp đưa mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang áp thuế 5% là rất phù hợp trong giai đoạn này.
Sử dụng máy cấy lúa tại Hậu Giang
PV: Ông đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng, việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ tạo động lực cho DN sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh cũng như cân bằng với chính sách đối với các nước khác?
ĐBQH Trịnh Xuân An: Tôi cho rằng ý kiến trên là rất có cơ sở. Như ở trên tôi đã phân tích, khi áp thuế 5% cho mặt hàng phân bón, các DN sản xuất phân bón “nội” sẽ được hoàn thuế đầu vào. Theo tôi biết, đó là số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm/mỗi doanh nghiệp. Khi đó DN sản xuất phân bón trong nước vừa có dư địa để giảm giá, cạnh tranh với sản phẩm phân bón “ngoại”, vừa có nguồn lực để đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất ra các loại phân bón có chất lượng tốt hơn, giá thành hợp lý hơn.
Một điểm quan trọng không kém là khi áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ có thể lấy lại công bằng cho DN nội. Hiện trên thị trường có nhiều DN phân phối phân bón ngoại vốn được ưu đãi lớn về thuế ở nước sở tại, cho nên họ thường đưa ra những mức giá tốt, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nội. Khi được khấu trừ thuế đầu vào, DN nội sẽ có cơ hội để giành lại thị phần.
PV: Theo một số ĐBQH, chuyên gia kinh tế, chuyên gia thuế cũng như nhà khoa học, việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sẽ mang lợi ích cho cả người nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Ông nhận định như thế nào về điều này?
ĐBQH Trịnh Xuân An: Như tôi đã phân tích ở trên, khi Luật Thuế 71 được sửa đổi theo hướng áp thuế cho mặt hàng phân bón, các DN sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi. Chúng ta nên nhớ rằng, hiện các DN phân bón trong nước chiếm đến 70% thị phần, khi đó chúng ta sẽ có một nền sản xuất phân bón đủ mạnh để có thể đứng vững trên thị trường. Khi DN có thêm tiềm lực thì sẽ có dư địa giảm giá sản phẩm, người nông dân từ đó sẽ được hưởng lợi theo.
Ngoài ra, các DN có thể đầu tư sản xuất các loại phân hữu cơ tốt hơn, thân thiện với môi trường... Quan trọng nhất, tôi cho rằng chúng ta sẽ có một nền công nghiệp phân bón bình đẳng, các DN nội có cơ hội phát triển, được mở rộng sản xuất, chuyên sâu đầu tư sản phẩm. Hiện chi phí phân bón chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất nông nghiệp. Khi các DN sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ đầu vào thuế, họ sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới…
Tôi cũng cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp không phải là cứ tăng 1 đồng thì người dân lại hụt mất 1 đồng. Nếu chúng ta có một nền sản xuất phân bón tốt, DN nội được đối xử công bằng với DN nhập khẩu, sự chủ động đó sẽ tác động ngay đến quyền lợi của người nông dân. Và chúng ta làm tốt công tác quản lý thị trường, tránh gian lận, người nông dân sẽ được hưởng lợi. Cùng với việc đưa ra quy định mới liên quan đến nộp thuế đầu vào đối với các sản phẩm sơ chế, chưa qua chế biến, sắp tới đây có thể mở rộng ra thuế khóa đối với hộ kinh doanh cá nhân hằng năm nâng từ 100 lên 200 triệu đồng/năm... thì trên tổng thể người nông dân sẽ được hưởng lợi.
Như vậy có thể thấy rằng, khi áp thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón thì cả “3 nhà” đều được lợi. Người nông dân được lợi, DN được lợi, đất nước được lợi. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất.
Tôi cũng cho rằng trước khi quyết định một vấn đề gì, chúng ta phải có cách nhìn tổng thể. Và với các lập luận tổng thể đó, chúng ta có cơ sở, có điểm tựa để các ĐBQH không còn lo lắng, băn khoăn về việc áp thuế sẽ khiến người nông dân chịu thiệt thòi nữa!
Áp thuế 5% đối với phân bón, “3 nhà” đều được lợi
Trước khi quyết định một vấn đề gì, chúng ta phải có cách nhìn tổng thể. Và với các lập luận tổng thể đó, chúng ta có cơ sở, có điểm tựa để các ĐBQH không còn lo lắng, băn khoăn về việc áp thuế sẽ khiến người nông dân chịu thiệt thòi.
PV: Về mặt an ninh nông nghiệp, an ninh lương thực - việc áp thuế GTGT 5% sẽ có ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
ĐBQH Trịnh Xuân An: Với một quốc gia như Việt Nam, ngành nông nghiệp vẫn đang và sẽ là bệ đỡ cho nền kinh tế. Dù tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tương lai có thể thấp đi, nhưng chúng ta sẽ vươn lên làm nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào sản lượng và chất lượng. Để được như vậy, hai yếu tố giống và phân bón đóng vai trong đặc biệt quan trọng. Nếu chúng ta không chuẩn bị cho nền công nghiệp sản xuất phân bón tốt thì sẽ không phải là quốc gia nông nghiệp - đây cũng là bài học chúng ta nhận ra từ lâu.
Và nếu chúng ta đối xử với các DN phân bón nội không chỉ bằng sắc thuế này mà còn mở rộng ra ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đất đai, đầu tư…, chúng ta sẽ có nền công nghiệp sản xuất phân bón mạnh. Đây là cơ hội rất lớn để bảo đảm đầu vào cho ngành nông nghiệp.
Kinh nghiệm cho thấy nếu phụ thuộc vào phân bón nhập ngoại thì lúc nào cũng trong tình trạng bấp bênh. Một vài năm trước chúng ta đã phải chứng kiến cảnh giá phân bón tăng một cách chóng mặt. Lúc đó có áp thuế đâu mà giá vẫn tăng. Giá tăng là vì do các yếu tố đột biến của thị trường, do địa chính trị, cũng không loại trừ có sự gian lận.
Do đó, nếu chúng ta có nền công nghiệp sản xuất phân bón phát triển, đủ sức cạnh tranh với phân bón ngoại; có cơ sở để bù đắp về thuế minh bạch hơn, công khai hơn, rõ ràng hơn thì chúng ta hoàn toàn yên tâm cho một nền nông nghiệp phát triển. Chúng ta sẽ trở thành cường quốc về nông nghiệp, đặc biệt là chúng ta đang làm nông nghiệp công nghệ cao. Khi đó người nông dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên và sau đó là doanh nghiệp, Nhà nước cũng được hưởng lợi, an ninh lương thực được bảo đảm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hết sức thẳng thắn, cởi mở này!
Nếu chúng ta có một nền sản xuất phân bón tốt, DN nội được đối xử công bằng với DN nhập khẩu, sự chủ động đó sẽ tác động ngay đến quyền lợi của người nông dân.