Vừa qua, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu về Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam (cập nhật). Trong đó, Bộ tiêu chí gồm 5 không (điều kiện bắt buộc) và 5 có (33 tiêu chí đánh giá) về “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” cho các đơn vị trong nước cũng như ở nước ngoài.
Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan đã giới thiệu Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam (cập nhật). Theo đó, 5 điều kiện bắt buộc để xét tặng “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” gồm: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, độc hại; Không nợ lương và các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm các quy định pháp luật.
Ban tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hoá với Doanh nghiệp” trả lời báo chí.
Các tiêu chí đánh giá gồm 33 chỉ tiêu, chia thành 5 nhóm (5 có) gồm: Nhóm 1 là các chỉ tiêu lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Nhóm 2 là xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp; Nhóm 3 là tính thượng tôn pháp luật; Nhóm 4 là về đạo đức kinh doanh; Nhóm 5 là chỉ tiêu về trách nhiệm xã hội.
Hội đồng xét tặng danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” cho biết, đang sử dụng từ “chỉ tiêu” mang nghĩa “mềm”, không phải những thông số bắt buộc doanh nghiệp phải đạt mức doanh thu, lợi nhuận cao, số lượng cán bộ nhân viên có học hàm, học vị...
Đáng chú ý, Bộ tiêu chí đánh giá bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài và cả doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ đang sản xuất kinh doanh tại nước ngoài. Trong đó, các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ngoài có phần “thoáng” hơn doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như tiêu chí số 01 về tầm nhìn, triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi thì doanh nghiệp trong nước phải công bố rộng rãi và phải làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, còn với doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài thì chỉ cần quảng bá trên phương tiện truyền thông phù hợp.
Trong nhóm xây dựng văn hoá doanh nghiệp cũng vậy, tại chỉ tiêu số 11, doanh nghiệp Việt Nam trong nước quy định cụ thể là phải có sổ tay/cẩm nang văn hoá doanh nghiệp; quy tắc ứng xử được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông; doanh nghiệp có đào tạo, tổ chức các cuộc thi hoặc các hoạt động chia sẻ, lan toả văn hoá doanh nghiệp. Với doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài, chỉ cần có hướng dẫn các quy tắc ứng xử phù hợp với văn hoá doanh nghiệp và yêu cầu của nước sở tại.
Toàn cảnh buổi giới thiệu thông tin về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hoá với Doanh nghiệp” năm 2024.
Ngược lại, trong nhóm 5 các tiêu chí đánh giá về trách nhiệm xã hội thì phần hoạt động xã hội của các doanh nghiệp nước ngoài lại cần nhiều biểu hiện cụ thể hơn. Theo đó, doanh nghiệp trong nước tiêu chỉ là tham gia các chương trình xã hội, thiện nguyện, lập các quỹ thiện nguyện, quỹ bảo vệ môi trường; lãnh đạo đơn vị tham gia các tổ chức nghề nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo đơn vị trực tiếp hoặc cử người tham gia các diễn đàn, chia sẻ văn hoá kinh doanh Việt Nam và các giá trị của văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ngoài cần tích cực tham gia các hoạt động nhằm xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, nâng cao uy tín quốc gia; tham gia tích cực cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cũng như các hoạt động đầu tư, đóng góp ủng hộ đất nước; không được làm tổn hại đến uy tín, thương hiệu của quốc gia và làm xấu hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo doanh nghiệp tích cực tham gia các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội, bảo vệ lợi ích của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài;...
Có thể thấy rằng, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam (cập nhật) khá đầy đủ và tinh tế. Đặc biệt, các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp hoạt động tại nước ngoài có độ mở nhất định nhưng luôn giữ được mức tiêu chuẩn cao, giữ vững uy tín của giải thưởng.