Việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi mà những vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật có liên quan cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo chưa được tháo gỡ.
Nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì điện chính là “máu”, là “nguồn sống” của nền kinh tế. Vậy nên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng, Chính phủ đặt ra đối với ngành điện là “phải đi trước một bước”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Quy hoạch Điện VIII: “Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.
Theo Quy hoạch Điện VIII, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước đến năm 2030 sẽ là 150.489 MW. Quy mô công suất này gấp gần 2 lần so với công suất đặt hệ thống hiện nay. Áp lực, thách thức trong việc phát các nguồn điện mới vì thế là vô cùng lớn
Mọi sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án nguồn điện mới có thể khiến nền kinh tế đứng trước những rủi ro lớn về việc đảm bảo cung ứng điện và an ninh năng lượng. Nhưng không chỉ đảm bảo đủ điện mà còn phải là nguồn điện cân đối, ổn định và bền vững.
Tại buổi Tọa đàm "Năng lượng cho phát triển", các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi để làm rõ những vấn đề trên. Mời Quý độc giả theo dõi nội dung tại video dưới đây: